Lùi giờ học ở TPHCM, lãnh đạo phòng giáo dục nói khó thực hiện

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo lãnh đạo một số phòng giáo dục và trường học, đi học sớm tuy vất vả cho các phụ huynh, học sinh nhưng số đông phụ huynh vẫn ủng hộ và việc lùi giờ học là khó có thể thực hiện.

Trao đổi với PV, ông Dương Văn Dân - Trưởng Phòng GD&ĐT quận 8 cho biết, hầu hết các trường tiểu học trên địa bàn quận đều cho học sinh vào học lúc 7 giờ 30 và thời gian này là khá phù hợp.

Lùi giờ học ở TPHCM, lãnh đạo phòng giáo dục nói khó thực hiện ảnh 1

Một học sinh ở TPHCM (ngồi trước) mệt mỏi sau giờ học trên đường về nhà lại còn gặp cảnh tắc đường

“Với những học sinh học hai buổi/ngày, khi bắt đầu ngày học vào lúc 7h30, nếu học bốn tiết (tính cả giờ ra chơi) thì phải sau 10h30 các em mới kết thúc buổi học để chuẩn bị cho việc ăn trưa, nghỉ trưa và làm các công tác khác trước khi vào học buổi chiều lúc 14h. Còn với những học sinh học 1 buổi/ngày thì sẽ học 5 tiết buổi sáng nên cũng sau 11h mới kết thúc buổi học. Lúc đó các em mới được đưa đón về nhà để ăn trưa, nghỉ ngơi”, Trưởng Phòng GD&ĐT quận 8 Dương Văn Dân nói về thời khóa biểu của một học sinh tiểu học.

Cũng theo ông Dân, giờ vào học trễ hay sớm so với thói quen đi học của học sinh thì cũng còn lệ thuộc vào phụ huynh bởi có nhiều người đi làm xa thường đưa con đến trường sớm. Với những trường hợp học sinh đến sớm, nhà trường sẽ bố trí giáo viên kỹ năng, hoặc giáo viên thể dục… để quản lý khi các em đến trường nhằm tránh thời gian “chết”, học sinh phải chờ đợi mệt mỏi.

Ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng GD&ĐT quận Bình Tân cho hay, học sinh trên địa bàn quận vào học các khung giờ từ 7h đến 7h15 và muộn nhất là 7h30 (tùy trường và tùy bậc học). “Thậm chí 2 trường đối diện nhau cũng phải tính toán lệch giờ vào học, giờ ra về để hạn chế việc ùn tắc ở cổng trường nên chuyện chung giờ học cho các trường là khó thực hiện”, ông Tuyên nhận xét.

Theo ông Tuyên, việc quy định giờ học của học sinh hiện nay căn cứ vào các yếu tố xã hội, dân cư, đặc trưng, đặc thù của từng địa phương. Thêm vào đó là yếu tố lệch giờ, lệch ca để hạn chế ùn tắc, kẹt giờ, kẹt xe, trật tự an toàn giao thông vào giờ cao điểm.

Bà Mai Thị Xuân, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Phạm Văn Chiêu (quận 12) cho hay, nhà trường bố trí thời gian vào học lúc 7h15. Trước đó, từ 7h, trường sẽ cho học sinh tập trung ở sân trường, tập thể dục tập thể. Trong thời gian này, em nào đến muộn thì vẫn được vào trường.

Theo bà Xuân, việc cho học sinh vào học lúc 7h15 đã có từ lâu và được hầu hết các phụ huynh đồng tình, ủng hộ. Nếu vào học muộn hơn, các em sẽ về muộn. “Chẳng hạn, ở khối tiểu học, mỗi tiết học kéo dài 35 phút, xen lẫn các tiết là 5 phút giải lao và sau 2 tiết đầu sẽ có giờ ra chơi 15 phút. Theo quy định, với các lớp học 2 buổi, các em sẽ học 4 tiết buổi sáng và 3 tiết buổi chiều, còn với lớp học 1 buổi sẽ là 5 tiết buổi sáng (hoặc buổi chiều). Nếu giờ vào học là 7h15 thì phải sau 11 giờ các em mới tan học. Nếu vào học muộn hơn, các em sẽ mệt mỏi vào buổi trưa”, bà Xuân phân tích.

Cũng theo bà Xuân, giờ vào học sớm hay muộn cũng khó đánh giá vì còn tùy thuộc vào nhu cầu khác nhau của phụ huynh. “Do nhà gần trường, tôi thường đến sớm, có những ngày dù chỉ mới 6h15 nhưng trong trường đã có học sinh bởi nhiều phụ huynh phải gửi con sớm để đi làm”, bà Xuân chia sẻ thêm.

Như Tiền Phong đã phản ánh, hiện nay nhiều trường học ở TPHCM cho học sinh vào học khá sớm (hầu hết là 7h hoặc 7h15). Nhiều trường yêu cầu học sinh phải có mặt từ lúc 6h45 khiến học sinh và phụ huynh rất vất vả đáp ứng. Và, câu chuyện này đã gây ra nhiều tranh cãi.

Số đông dư luận cho rằng, giờ học này là không hợp lý, do trẻ học quá nhiều, thời gian nghỉ quá ít dẫn đến việc ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.

Trong khi đó, một bộ phận khác dù nhận thấy giờ học sớm nhưng vẫn ủng hộ vì nếu lùi giờ học, phụ huynh sẽ bị trễ giờ làm cũng như không ai đưa đón con đi học....

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.