Học sinh 'gà gật' đến trường vì vào học sớm: Sao phải khổ thế?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Nhiều trường học ở TPHCM hiện đang bố trí lịch học từ lúc 7 giờ, do đó học sinh phải có mặt tại trường từ lúc 6h45. Một bộ phận lớn phụ huynh đang cho rằng, lịch học như vậy là quá sớm, cần lùi thêm thời gian để học sinh có thời gian nghỉ ngơi.

"7h học nhưng 6h40 là đánh trống, đóng cổng?"

Anh Hà, ngụ quận 12, anh có hai con hiện đang học một trường tiểu học tại Gò Vấp cho biết, sáng nào 6h30 anh cũng phải dắt xe ra chở hai con đi học vì trường yêu cầu học sinh phải có mặt tại trường trước 6h50 để ổn định vào lớp chuẩn bị cho tiết học đầu tiên lúc 7 giờ.

“Để ra khỏi nhà 6h30, hai con phải dậy từ 5h30, sau đó vệ sinh cá nhân, ăn sáng. Nhiều bữa ngủ nướng là không kịp ăn sáng ở nhà mà ra đường mua bánh mì rồi lên trường ăn”, anh Hà kể.

Tương tự, anh Nam - phụ huynh có hai con học lớp 7 Trường THCS Võ Trường Toản, quận 1 cũng than phiền vì trường yêu cầu học sinh phải có mặt ở trường từ 6h45. Theo anh Nam, thời gian này là quá sớm vì các con không kịp ăn sáng, anh cũng chưa đi làm giờ này.

Anh Hùng, có con học lớp 6 Trường THCS Đặng Trần Côn, quận Tân Phú cho hay, sáng nào cả nhà cũng “loạn xạ” cả lên vì con đi học sớm. “Trường con tôi đúng 6h40 là đánh trống, đóng cổng. Học sinh nào đi trẻ là phải xin bảo vệ mở cửa vào” anh Hùng nói và đặt câu hỏi “7 giờ mới vào học nhưng không biết vì sao trường lại yêu cầu con đến trường sớm như vậy?

Tương tự, tại Hà Nội, nhiều trường có lịch học cho con dao động từ 7h15 phút đến 8h. Vì thế, nhiều gia đình bắt đầu gọi con dậy từ hơn 6h để kịp tới trường trước 7h. Việc vừa đi vừa ăn sáng trở thành việc "thường ngày ở huyện".

Mặt khác, nhiều phụ huynh và học sinh có con đi học qua những đoạn đường hay tắc hoặc phụ thuộc vào xe tuyến thì cũng khốn khổ không kém, phải đi từ rất sớm, từ 6h sáng.

Chị Nguyễn Thị Hương (Linh Đàm- Hà Nội) có con học ở bên trường bên Đông Anh cho biết, nhà chị con sẽ tập trung ở điểm đầu tiên của xe buýt nên ngày nào mẹ con chị cũng khoảng 6h ra khỏi nhà và 6h10 có mặt ở điểm chờ xe buýt.

Vì thế, sáng nào con chị cũng quáng quàng dậy từ hơn 5h sáng để chuẩn bị sách vở, ăn sáng và thay đồng phục để đến trường.

“Thời gian đầu, ngày nào con cũng mè nheo: Con không đi học đâu, con muốn ngủ thêm. Cũng may sau 1 năm đi xe tuyến con cũng quen đường. Thực sự cho con đi học xa rất vất vả. Ra khỏi nhà 6h10 phút nhưng hơn 1 tiếng sau mới đến trường. Khổ nhất những hôm trời mưa, đường tắc, con bị chôn chân trên xe cả hơn 2 tiếng đồng hồ về đến nhà gần 7h tối, con mệt lả ra”- chị Hương cho biết.

Nhiều phụ huynh khác ở các huyện ngoại thành của Hà Nội cũng than thở học sinh tiểu học đang tuổi ăn tuổi ngủ mà 7 giờ đã phải có mặt tại trường.

Anh Nguyễn Văn Đăng, phụ huynh của học sinh trường Tiểu học ở huyện Đông Anh cho biết, anh ở huyện Hoài Đức nên có hôm cứ con lên xe là ngủ. Có hôm con đến trường rồi vẫn ngủ mê mệt. Đến trường con vẫn không dậy nên đành phải bế con lên lớp.

Việc vào lớp quá sớm khiến học sinh mệt mỏi, thiếu ngủ, nhưng buổi chiều nhiều trường 15h30 phút đã cho học sinh tan học. Thực tế, giờ đó phụ huynh lại chưa tan giờ làm khiến việc sắp xếp đón con rất vất vả.

Việc đi học sớm gây vất vả cho học sinh: Vì trò hay vì phụ huynh

Về vấn đề đi học sớm, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, cô Nguyễn Thị Mỹ Hạnh- Hiệu trưởng Trường THCS Võ Trường Toản, quận 1 cho rằng, việc này tránh ùn tắc và kẹt xe trước cổng trường. Theo cô Hạnh, Trường THCS Võ Trường Toản nằm trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, một đoạn đường ngắn nhưng có đến năm ngôi trường từ mầm non đến THPT. Do vậy, trường bắt buộc phải bố trí lệch giờ cho thời gian học sinh vào học, học sinh ra về, tránh kẹt xe và tình trạng ùn tắc trước cổng trường.

Ông Trịnh Vĩnh Thanh, Trưởng phòng GD&ĐT quận Gò Vấp cho rằng, việc học sinh vào học từ 7 giờ không phải là mới mà đã có từ lâu nay. Theo Trưởng phòng GD&ĐT quận Gò Vấp, thời gian vào học của học sinh có mối liên hệ với xã hội, đặc biệt là thời gian làm việc của các cơ quan, ban ngành, công ty, xí nghiệp.

“Nếu học sinh đi học sau 7 giờ thì nhiều phụ huynh sẽ bị trễ giờ làm hoặc không có người đưa đón con bởi đa phần họ vào làm việc lúc 8 giờ, thậm chí có nơi 7 giờ 45”, ông Thanh nói.

Thạc sĩ Đinh Thị Lê (Giáo viên trường ULIS Hà Nội) cho rằng, nếu học sinh học trước 8h thì là quá sớm.

Việc ấn định giờ vào học quá sớm gây ảnh hưởng không tốt đến thể lực, trí lực của học sinh. Và cũng gây cả áp lực cho giáo viên, khi các giáo viên cũng phải thu xếp để đến trường từ rất sớm.

Rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh việc học sinh phải dậy sớm là không phù hợp với nhịp độ sinh học. Các em cần ngủ muộn hơn và thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn. Các lớp học bắt đầu sớm khiến học sinh bị thiếu ngủ, không thể tập trung trong lớp, gây ra một loạt tác hại về sức khỏe và nhận thức, như: tăng nguy cơ béo phì, trầm cảm, khả năng tự tử...

Trước đó, trong các phiên thảo luận của Quốc hội, có ĐBQH đã đề nghị Chính phủ xem xét đề xuất đổi giờ học, giờ làm không sớm hơn 8h sáng. Hà Nội và TP.HCM từng lấy ý kiến về việc đổi giờ học, giờ làm và nhận được sự ủng hộ lớn từ người dân.

MỚI - NÓNG
Bí thư Quảng Nam: Sắp xếp cán bộ sau sáp nhập phải minh bạch, chống việc chạy chức, tham nhũng tiêu cực
Bí thư Quảng Nam: Sắp xếp cán bộ sau sáp nhập phải minh bạch, chống việc chạy chức, tham nhũng tiêu cực
TPO - Việc bố trí cán bộ lãnh đạo, công chức tại các đơn vị hành chính mới phải ưu tiên lựa chọn người có đầy đủ phẩm chất đạo đức, năng lực công tác và đủ điều kiện tuổi để chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng bộ các cấp. Sắp xếp cán bộ dôi dư phải lưu ý giải quyết những chính sách đối với cán bộ công chức, người lao động đảm bảo chặt chẽ đúng quy định, công tâm, khách quan, chống việc chạy chức, tham nhũng tiêu cực...