Thích là... đánh
Mới đây, trên mạng xã hội xôn xao với clip ghi lại cảnh một nam sinh bị bạn đánh, đấm liên tục vào người, mặt…, còn nạn nhân chỉ biết ôm đầu chịu trận. Điều đáng nói, nhiều học sinh khác đứng xung quanh hò hét… quay clip mà không hề có động thái can ngăn. Vụ việc xảy ra trong một phòng học, ngay gần bục giảng tại Trường THPT Nguyễn Trung Trực (quận Gò Vấp, TPHCM).
Bà Bùi Thị Kim Tuyến, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trung Trực cho biết, vụ việc xảy ra vào khoảng đầu tháng 4/2022 nhưng mới đây mới lan truyền trên mạng xã hội. Nguyên nhân là do các em trêu chọc nhau.
Ngày 5/10, một nhóm phụ huynh có con học lớp 6 của Trường THCS Lê Qúy Đôn (TP Thủ Đức) đã “hộ tống” con vào trường đồng thời báo với giám thị về việc con họ bị đe dọa và có nguy cơ bị một nhóm nữ sinh lớp 7 cùng trường đánh. Theo một phụ huynh, xuất phát từ xích mích nhỏ trong trường và trên mạng xã hội, con gái chị và vài người bạn bị nhóm nữ sinh lớp 7 trong trường hăm dọa, bắt xin lỗi, quay video. “Sau khi xem lại cảnh quay video xin lỗi, một nữ sinh 7 còn nhắn tin, hăm dọa vì cho rằng nữ sinh lớp 6 khi xin lỗi đã chống tay vào hông, không thành tâm xin lỗi nên nếu ngày 5/10 không tới lớp gặp sẽ “có chuyện””, phụ huynh này kể.
Cũng tại trường này, trước đó ít ngày, anh N.D phụ huynh có con đang học lớp 8 cũng phải bỏ việc giữa chừng để xông vào trường “giải cứu” con bị bạn học đánh ngay trong lớp học. Anh N.D cho biết, trong giờ học môn Ngữ văn, con trai anh và một bạn cùng lớp xảy ra xích mích nhỏ. Sau đó, vào giờ ra chơi, người bạn chung lớp đã gọi một nhóm học sinh lớp khác đến hăm dọa, đòi đánh con trai anh. Vì sợ hãi, cháu đã gọi điện về cầu cứu ba mẹ. “Nhận được điện thoại con, tôi tức tốc chạy đến để ngăn cản. Tuy nhiên, khi tới trường thì giám thị không cho tôi lên lớp. Lúc này, tôi gọi điện cho con thì cháu nói đã bị bạn đánh. Tôi chạy thẳng lên lớp học thì thấy con đang ngồi khóc”, anh N.D bức xúc kể. Sau sự việc, giám thị của trường xuất hiện và đưa con anh xuống phòng làm việc. Đối với các học sinh đánh con anh N.D, nhà trường quyết định buộc các học sinh này nghỉ học 10 ngày.
Học sinh cần được tư vấn, trao đổi với Ban giám hiệu để phòng, chống bạo lực học đường ảnh: Quỳnh Anh |
Trước đó, do mâu thuẫn cá nhân, một nữ sinh Trường THPT Long Trường (TP Thủ Đức, TPHCM) đã gọi một nhóm người ngoài trường xông vào lớp đánh bạn. Vụ việc được một học sinh của trường quay video và sau đó lan truyền trên mạng xã hội gây xôn xao dư luận. Theo nội dung clip, tại thời điểm đó, nhiều học sinh đang ở trong lớp thì bất ngờ xuất hiện một nhóm người lạ mặt ngay ở cửa lớp nói chuyện với một nữ sinh. Sau đó, nhóm người lạ mặt nói trên đã lao tới, đánh tới tấp nữ sinh này. Một người bạn trong lớp đứng ra can ngăn cũng bị đánh. Những học sinh khác muốn can ngăn, thì bị nhóm người lạ mặt tuyên bố là cấm can ngăn.
Thạc sĩ Trần Đình Sơn chuyên gia tâm lý và phương pháp học Hội tâm lý Giáo dục Hà Nội cho rằng, kiểm điểm bằng cách bêu tên học sinh trước cờ, trước toàn trường sẽ gieo rắc thêm tâm lý hoảng sợ đối với học sinh. Có nhiều cách để dạy học sinh cách phòng tránh bạo lực. Điều quan trọng là nhà trường cần có phòng tư vấn tâm lý học đường để giải quyết những vụ việc có chuyên môn sâu. Phòng quản lý học sinh của trường cũng nhất thiết nắm bắt danh sách học sinh trong hay ngoài nhà trường tham gia các “băng nhóm” để trò chuyện, nắm bắt nguy cơ bạo lực từ sớm.
Theo ông Võ Tấn Nghĩa, Hiệu trưởng Trường THPT Long Trường, sau khi xảy ra vụ việc, giáo viên chủ nhiệm và giám thị đã đưa những em học sinh bị đánh đi giám định sức khỏe. Kết quả y khoa cho thấy, các em chỉ bị xây xát nhẹ. “Nhà trường đã mời phụ huynh hai bên học sinh đến làm việc. Kết quả, cả hai bên đã đồng ý giảng hòa, làm lành và không có ý kiến gì thêm về việc này. Dù vậy, do sự việc có liên quan đến nhóm người bên ngoài nhà trường (chưa xác định danh tính) nên Công an TP Thủ Đức đã vào cuộc xử lý”, ông Nghĩa thông tin.
Giảm stress sẽ giảm bạo lực học đường?
Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) cho rằng, để ngăn chặn bạo lực học đường, trước hết phải xây dựng “người thầy hạnh phúc”, trường học hạnh phúc để giảm stress cho học sinh. Để làm được việc này, trước hết thầy cô phải thương yêu học trò, không được xúc phạm các em bằng lời nói lẫn thân thể. Tiếp đó, thầy cô cần phải giảm áp lực điểm số, không nên giao nhiều bài tập lẫn các câu hỏi đánh đố… khiến các em căng thẳng. “Ở góc độ Đoàn thanh niên, câu lạc bộ cần có các chương trình, trò chơi thiết thực mang tính tập thể, giải trí như kéo co, nhảy flashmob… để giảm stress đồng thời tăng tính đoàn kết cho học sinh”, thầy Phú nói và cho rằng, khi các em không còn stress thì bạo lực học đường ắt sẽ không còn.
Trong khi đó, sau thời gian học sinh ở nhà học trực tuyến kéo dài, các chuyên gia cũng khuyến cáo, các nhà trường có giải pháp hỗ trợ tâm lý, giải tỏa mâu thuẫn cho học sinh.
Hiệu trưởng Trường THCS Dịch Vọng, quận Cầu Giấy (Hà Nội) Lê Thị Thuý Nga nói rằng, học sinh ở độ tuổi ẩm ương rất dễ xích mích, đánh nhau cả trong và ngoài trường học. Do đó, muốn ngăn chặn, đầu tiên công tác chủ nhiệm phải chặt chẽ. Đầu năm học, nhà trường yêu cầu giáo viên chủ nhiệm nắm thông tin, hoàn cảnh, tính cách của từng học sinh để có biện pháp hỗ trợ. Thứ 2 là nhà trường có phòng tư vấn tâm lý, hằng tuần có nhiều hoạt động chia sẻ, gỡ rối, giải tỏa căng thẳng cho học sinh cũng như giáo viên.
Hiệu trưởng Trường THCS Đoàn Thị Điểm, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) Nguyễn Quốc Thống chia sẻ, ở trường Đoàn Thị Điểm hiếm khi xảy ra bạo lực học đường là vì đội ngũ phải quản lý, giám sát rất chặt chẽ bằng cả camera lẫn con người. Thầy cô giáo chủ nhiệm, bộ môn được yêu cầu can thiệp kịp thời các sự việc có dấu hiệu mâu thuẫn của học sinh trong lớp. Sau các giờ học, nhà trường cử giáo viên ra đứng cổng trường giám sát, nếu thấy tụ tập đông là phải can thiệp kịp thời. Ngoài ra, giáo viên liên tục nhắc nhở học sinh phải tuân thủ các quy định, nội quy trường lớp “Khi lỡ xảy ra 1 vài tình huống như hai em đấm nhau 1 cái nhưng nhà trường cũng sẽ mời cha mẹ học sinh lên cùng ngồi trao đổi, cho các em viết bản tường trình sự việc, hứa với thầy cô không tái phạm. Chính vì phải xử lý mạnh tay, triệt để như vậy để các em không dám tái phạm”, ông Thống nói.