Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, việc công ty tài chính mở bung thị trường cho vay tiêu dùng đã giúp người dân tiếp cận vốn dễ dàng hơn, thay vì khó khăn trong tiếp cận vốn ngân hàng hoặc phải vay “tín dụng đen”. Tuy vậy, mặt trái của hoạt động cho vay tiêu dùng là lĩnh vực mới, hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, còn ít công ty thực sự có năng lực, chuyên nghiệp.
“Điều này dẫn tới các công ty tài chính hoạt động bất chấp luật pháp, tiếp cận khách hàng với thái độ thiếu chuẩn mực. Thậm chí gây cảm giác như lừa đảo, kiểu tín dụng đen, tìm mọi cách để khai thác khách hàng, với lãi vay cao ngất ngưởng, cho vay mập mờ, khi khách hàng phát hiện ra thì đã quá muộn”, ông Đức nói. Theo ông Đức, với lãi suất cao, khoản vay giá trị thấp nên trong 10 khách vay chỉ cần 2-3 người trả lãi các công ty tài chính đã đủ thu hồi vốn.
Luật sư Đức cũng dẫn chứng, 10 người bị công ty tài chính thu nợ cả 10 đều kêu trời vì cách các công ty gọi điện đòi nợ, dùng ngôn từ theo kiểu “xã hội đen”. Thậm chí họ còn đe dọa đưa ra tòa, công an khởi tố... và khủng bố luôn cả gia đình người vay. “Có vay có trả đó là nguyên tắc nhưng cách các công ty tài chính thu hồi nợ không khác gì xã hội đen”, ông Đức nhấn mạnh. Theo ông, nếu cho vay tín dụng ngoài lãi suất vượt quá 20% lãi suất cơ bản là bất hợp pháp nhưng các công ty tài chính đưa ra lãi suất cao hơn thế nhiều lần vẫn không bị ràng buộc bởi luật pháp.
Về trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước, ông Đức cho rằng, trước tiên trách nhiệm thuộc về Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, khi khách hàng liên tục khiếu nại về hoạt động cho vay tiêu dùng, Ngân hàng Nhà nước với bộ máy thanh kiểm tra, giám sát phải đứng ra giải quyết. “Tuy nhiên, thực tế chưa thấy Ngân hàng Nhà nước giải quyết gì. Chỉ thấy Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) lâu lâu có văn bản có ý kiến, trong khi cơ quan có quyền giải quyết lại không làm gì”, ông Đức nói.
Về phần khách hàng, ông Đức khuyên nên đọc kỹ các điều khoản tín dụng, tính toán trước khả năng tài chính khi vay. Khi có khiếu nại, có thể gửi tới Ngân hàng Nhà nước, Cục Quản lý Cạnh tranh đề nghị hỗ trợ giải quyết.
Những ngày gần đây, dư luận xôn xao khi nhiều người nghèo bị dụ dỗ mua bộ mỹ phẩm của Cty Deaura trị giá 43 triệu đồng, Cty Tài chính Fe Credit cho vay tiền mua. Chỉ khi khách hàng về nhà xem lại hợp đồng, phương án tài chính mới ngớ người mình bị lừa. Khi khách hàng tìm đến Cty Deaura trả lại sản phẩm thì bị làm khó, không trả được, hoặc bị phạt tiền dù chưa dùng sản phẩm... Có người đem trả mới phát hiện hợp đồng vay tiêu dùng với Fe Credit đã có hiệu lực, đành ngậm ngùi xách “đống nợ” về nhà.