Trao đổi với PV Tiền Phong về sự việc trên, luật sư Nguyễn Anh Tuấn cho rằng: Học sinh Trần Chí Kiên bị xe ô tô đâm gãy chân tại trường tiểu học Nam Trung Yên, Cầu Giấy (Hà Nội) lẽ ra các thầy, cô giáo phải lập tức nhận trách nhiệm về mình. Đội ngũ giáo viên không chỉ giáo dục kiến thức mà phải giáo dục nhân cách đạo đức, lòng trung thực vì đó mới là nền tảng của giáo dục của xã hội. Hành vi lấp liếm, che giấu, lấy ý kiến, tạo hồ sơ giả mạo là không xứng đáng làm người huống gì họ lại là đối tượng “trồng người”.
Đối với tài xế taxi gây ra vụ tai nạn trên, luật sư Nguyễn Anh Tuấn phân tích: Thông thường, đối với các vụ việc va chạm, tai nạn giao thông, pháp luật tạo điều kiện để hai bên đàm phán để bồi hoàn thiệt hại. Trong trường hợp không đàm phán được cơ quan chức năng sẽ đứng ra giải quyết dựa theo các điều khoản của pháp luật. Trường hợp tài xế không biết cháu học sinh bị gãy chân sẽ phải bồi thường, nếu cơ quan chức năng chứng minh được anh ta cố tình bỏ trốn sẽ xử lý theo quy định, tuỳ theo mức độ, hành vi.
Về trường hợp cháu Trần Chí Kiên bị xe tai xi đâm gãy chân trong sân trường, trước mắt tài xế phải bồi hoàn toàn bộ thiệt hại về vật chất và tinh thần. Đối với trường hợp tài xế cố tình rời hiện trường bỏ trốn theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy các mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã nêu rõ các mức phạt cho từng đối tượng.
Cụ thể, đối với người điều khiển, người ngồi trên xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô. Theo quy định tại điểm b khoản 7 điều 5 của Nghị định: “Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với người điều khiển xe gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn.”
Ngoài các mức phạt hành chính trên thì người gây ra tai nạn mà bỏ trốn còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 202 Bộ luật Hình sự năm 1999.
1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định;
b) Trong khi say rượu hoặc say do dùng các chất kích thích mạnh khác;
c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
d) Không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;
đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.