Luật Biển là cơ sở vững chắc để bảo vệ chủ quyền

TS Đinh Xuân Thảo: Tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế trên biển là một hướng đi đúng đắn Ảnh: Nam Cường
TS Đinh Xuân Thảo: Tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế trên biển là một hướng đi đúng đắn Ảnh: Nam Cường
TP - Luật Biển Việt Nam là cơ sở vững chắc để bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển Đông - TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội trao đổi với Tiền Phong.

> “Đường 9 đoạn chưa hề được quốc tế công nhận”

TS Đinh Xuân Thảo cho biết: Luật Biển VN được chuẩn bị công phu qua nhiều nhiệm kỳ QH (từ Khóa X), đã nội luật hóa Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Luật Biển VN tạo điều kiện cho công tác quản lý của Nhà nước cũng như các tổ chức, công dân Việt Nam và nước ngoài hoạt động thuận lợi trên các vùng biển của Việt Nam; là cơ sở vững chắc để bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển Đông.

Việc ban hành Luật Biển là hết sức bình thường đối với một quốc gia như Việt Nam có hơn 3.200 km bờ biển, hơn 1 triệu km2 vùng đặc quyền kinh tế.

TS Đinh Xuân Thảo: Tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế trên biển là một hướng đi đúng đắn Ảnh: Nam Cường
TS Đinh Xuân Thảo: Tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế trên biển là một hướng đi đúng đắn. Ảnh: Nam Cường.

Thưa ông, Luật Biển Việt Nam có vai trò như thế nào trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo cũng như tạo điều kiện cho ngư dân làm ăn trên biển ?

Vấn đề biển Đông có liên quan đến nhiều quốc gia và đang phải giải quyết những tranh chấp trong khu vực. Luật Biển VN là cơ sở pháp lý quan trọng để Việt Nam giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thông qua thương lượng, đàm phán hay trọng tài quốc tế.

Căn cứ để giải quyết tranh chấp là các Điều ước quốc tế và Luật pháp quốc gia. Trong quá trình đàm phán, nếu có xung đột mà theo nguyên tắc của điều ước quốc tế không giải quyết được thì sử dụng luật quốc gia của các bên.

Vì vậy, nếu nước có biển mà không có luật quốc gia về biển sẽ bị thiệt thòi. Với nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, các tranh chấp được giải quyết không được phân biệt nước lớn hay nhỏ mà căn cứ bằng chứng xác thực các bên đưa ra.

 Chúng ta phải tuyên truyền, nâng cao ý thức cho nhân dân hiểu rõ chủ quyền biển đảo của mình, bởi đó là di sản của cha ông để lại. Chúng ta phải bảo vệ, phải duy trì và phát triển di sản quý báu đó. Còn với những gì đang bị chiếm giữ, chúng ta phải kiên trì đấu tranh để giành lại. Cha ông ta ngày xưa đã khôn ngoan, lấy sức mạnh lòng dân để giữ nước; lấy nhân ái, nhân văn để chiến thắng mọi kẻ thù”.  

Thông qua Luật biển, chúng ta chính thức tuyên bố với thế giới về chủ quyền và quyền chủ quyền biển đảo của Việt Nam - là cơ sở để bảo vệ, hợp tác và đàm phán giải quyết các xung đột, bất đồng về biển đảo thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của chúng ta.

Luật tiếp tục khẳng định rõ Hoàng Sa, Trường Sa là hai quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam.

Trên cơ sở Luật Biển, người dân biết ranh giới chủ quyền, quyền chủ quyền trên biển của ta đến đâu để yên tâm làm ăn trên biển. Họ tự tin làm chủ vùng biển của mình, không xâm phạm đến vùng biển của các nước khác trong khu vực.

Ngược lại, tàu thuyền các quốc gia khác khi đi vào vùng biển VN phải tuân thủ pháp luật VN, nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định. Luật biển VN là cơ sở để phân định rõ vùng biển của chúng ta với các nước trong khu vực.

Từ đó, có chính sách đầu tư cho ngư dân đánh bắt xa bờ thì mới đưa lại lợi ích lớn, góp phần nâng cao đời sống nhân dân. Chính sự hiện diện của ngư dân trên biển mới khẳng định và đảm bảo an ninh, góp phần giữ vững chủ quyền của chúng ta.

Với việc ban hành Luật biển, nhà nước có chính sách gì thúc đẩy việc hoạch định phát triển kinh tế biển trong thời gian tới?

Luật Biển VN có một chương nói về kinh tế biển bao gồm các lĩnh vực quan trọng: vận tải biển; du lịch biển; tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí và các loại tài nguyên, khoáng sản biển; khai thác, nuôi trồng hải sản.

Nhà nước có chính sách ưu đãi đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kinh tế biển. Đây là một hướng đi đúng đắn, bởi thế kỷ 21 là thế kỷ vươn ra biển.

Về lâu dài cần phải có chính sách cụ thể, đầu tư xứng đáng đối với các ngành kinh tế biển để phát huy thế mạnh biển.

Với bờ biển dài, chúng ta có điều kiện mở cánh cửa vươn ra thế giới; đẩy mạnh giao thông vận tải hàng hải quốc tế, khai thác nguồn lợi hải sản phong phú, với trữ lượng 5-6 triệu tấn và khai thác 1-2 triệu tấn/năm.

Nhà nước thống nhất quản lý biển thông qua các bộ ngành liên quan bởi đây là lĩnh vực kinh tế tổng hợp, gắn với an ninh quốc phòng. Vì vậy cần có sự thống nhất chỉ đạo của Chính phủ và sự phối hợp tốt của các bộ ngành. Vì biển là “mặt tiền”, là cửa ngõ của quốc gia nên phải tăng cường bảo vệ.

Sau khi Việt Nam thông qua Luật Biển, Trung Quốc có hàng loạt động thái ở Biển Đông xâm phạm chủ quyền của Việt Nam. Cần làm gì để Luật Biển VN được tôn trọng cũng như góp phần giải quyết tình hình này?

Chúng ta đã đàm phán với Trung Quốc, phân định xong đuờng ranh giới trên Vịnh Bắc Bộ từ năm 2000. Theo thỏa thuận cấp cao hai nước, sau khi phân định xong biên giới trên bộ và ranh giới trong Vịnh Bắc Bộ, sẽ tiến hành đàm phán phân định đường ranh giới ngoài cửa Vịnh trên Biển Đông.

Hai bên đã tiến hành đàm phán cấp Chính phủ và cấp chuyên viên, đã đạt được một số thỏa thuận về nguyên tắc. Hiện nay, chúng ta đang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tuyên bố ứng xử trên Biển Đông, cũng như thỏa thuận ASEAN và Trung Quốc để cùng phát triển, khai thác tiềm năng biển trên cơ sở hòa bình, hợp tác, cùng có lợi.

Những hành động của Trung Quốc trong thời gian qua là đơn phương, đụng chạm đến chủ quyền và lợi ích chính đáng của VN. Đồng thời Trung Quốc cũng đụng chạm đến lợi ích của một số quốc gia trong khu vực, vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 cũng như luật pháp của các quốc gia này.

Chúng ta phải đấu tranh bằng pháp lý và đạo lý, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để thế giới hiểu rõ sự thật và đồng tình ủng hộ Việt Nam, phản đối hành động phi lý của Trung Quốc như việc thành lập cái gọi là “Thành phố Tam Sa”.

Một mặt, hai bên cần tiếp tục ngồi lại đàm phán trên cơ sở hòa bình, hữu nghị, hợp tác, cùng có lợi. Có như vậy, mới thực sự đem lại lợi ích cho nhân dân hai nước.

Nguyên tắc đó đã được hai bên thống nhất rồi. Vì vậy, hành động của Trung Quốc thời gian qua là rất đáng tiếc, đã đi trái lại những nguyên tắc mà lãnh đạo cấp cao hai bên đã thỏa thuận.

Tình hình căng thẳng trên Biển Đông sẽ bất lợi cho ngư dân VN nhưng cũng chẳng có lợi gì cho ngư dân Trung Quốc và công dân nước thứ ba hoạt động trên Biển Đông. Nếu hai bên ngồi lại với nhau để quyết vấn đề chắc chắn sẽ tốt hơn, không chỉ cho hôm nay mà cho các thế hệ con cháu mai sau.

Chúng ta có đủ bằng chứng lịch sử, có căn cứ pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình. Cùng với lẽ phải và luật pháp, chúng ta cần tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè, công luận quốc tế.

Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Tuấn

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG