Luật An ninh mạng: Cần rõ ràng, tránh nguy cơ lạm dụng

ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu và đại biểu Phạm Thị Thanh Thủy. Ảnh: Như Ý.
ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu và đại biểu Phạm Thị Thanh Thủy. Ảnh: Như Ý.
TP - Cho rằng quy định, “khi có văn bản của lực lượng bảo vệ an ninh mạng thì các nhà cung cấp dịch vụ trên không gian mạng phải cung cấp tất cả các thông tin khách hàng của mình” dễ dẫn đến nguy cơ lớn bị lạm dụng, xâm phạm quyền tự do cá nhân mà Hiến pháp đã quy định, ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) đề nghị, cần quy định rõ ràng về văn bản của cấp nào, trong hoàn cảnh nào thì cơ sở cung cấp dịch vụ không gian mạng phải cung cấp toàn bộ thông tin.

Tăng chi phí, gây khó tiếp cận thông tin (?)

Thảo luận về Dự thảo Luật An ninh mạng, nhiều đại biểu bày tỏ sự băn khoăn trước quy định bắt buộc các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam phải đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam tại Việt Nam. “Quy định này khó khả thi, không phù hợp với tình hình thực tiễn, làm gia tăng chi phí của doanh nghiệp và gây khó khăn cho các hoạt động tiếp cận thông tin của người dân Việt Nam”, ĐB Phạm Thị Thanh Thủy (Thanh Hóa) nhận xét.

Theo phân tích của ĐB Thủy, hiện nay các máy chủ của các dịch vụ mà nhiều người Việt Nam sử dụng thường xuyên như Google, Facebook đều đặt tại nước ngoài. “Với công nghệ phát triển hiện nay máy chủ không phải là máy cụ thể mà theo thuật toán đám mây, máy chủ là máy ảo cho phép người sử dụng truy cập các dịch vụ công nghệ từ nhà cung cấp nào đó và xu hướng này là xu hướng của thế giới trong đó có nước ta”, bà Thủy nói đồng thời cảnh báo quy định trên không đúng với các cam kết của tổ chức quốc tế, thương mại thế giới, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU mà Việt Nam đã ký kết. Đồng thời, trong trường hợp doanh nghiệp nước ngoài không tuân thủ quy định sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đối với việc truy cập thông tin và sử dụng dịch vụ của người dân.

ĐB Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) cũng bày tỏ sự băn khoăn tương tự. “Khi Google hoặc Facebook họ không thực hiện thì giải pháp của chúng ta ở đây là gì, liệu có cho ngừng cung cấp dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam hay không? Vì vậy, cần phải có quy định phù hợp với thực tiễn Việt Nam cũng như những cam kết của Việt Nam với nước ngoài và pháp luật quốc tế”, ĐB Thưởng nói.

Lo dễ bị lạm dụng, xâm phạm quyền tự do cá nhân?

Cho rằng, trong cuộc sống hàng ngày, nhất là trên không gian mạng, nhiều khi đúng, sai ranh giới rất mong manh, ĐB Nguyễn Lân Hiếu đặt vấn đề: Ai là người quy định, đánh giá nội dung các thông tin được coi là vi phạm? “Một cá nhân, một phòng ban hay một cục, vụ của Bộ TT&TT, Bộ Công an quyết định việc này. Kinh nghiệm của Indonesia cho thấy, họ đã quy định rất rõ ràng là “người đưa ra phán xét thông tin xấu là Tòa án”, ông Hiếu thông tin.

Đối chiếu với các quy định trong dự thảo luật, ông Hiếu đề nghị cần phải quy định cụ thể hơn, chứ nếu viết chung chung là “khi có văn bản của lực lượng bảo vệ an ninh mạng thì các nhà cung cấp dịch vụ trên không gian mạng phải cung cấp tất cả các thông tin khách hàng của mình” có thể gây nguy cơ bị lạm dụng, xâm phạm quyền tự do cá nhân mà Hiến pháp đã quy định. Cần quy định rõ ràng về văn bản của cấp nào, trong hoàn cảnh nào thì cơ sở cung cấp dịch vụ không gian mạng phải cung cấp toàn bộ thông tin.

Khẳng định, đây là điều luật có thể thay đổi rất nhiều môi trường hoạt động kinh doanh, đầu tư của nền kinh tế Việt Nam, một nền kinh tế đang hòa nhập rất mạnh với thế giới, ĐB Hiếu lưu ý cần hết sức thận trọng, tránh những ví dụ không tốt đã xảy ra trên thế giới. Cụ thể, như Indonesia vừa ra một điều luật về quy định hệ thống thông tin và giao dịch điện tử năm 2017, ngay lập tức đã tạo ra một số hậu quả và hiện nay đang phải chuẩn bị sửa chữa, bổ sung cho thời gian trước mắt. “Dự luật mới trình Quốc hội được một kỳ là kỳ trước còn rất nhiều ý kiến tranh luận, đóng góp của các đại biểu Quốc hội và trong dư luận xã hội rất nhiều ý kiến trái chiều. Vì vậy, tôi rất mong Quốc hội thận trọng xem xét, trước khi quyết định thông qua tại kỳ họp này”, ông Hiếu tha thiết đề nghị.

Luật An ninh mạng: Cần rõ ràng, tránh nguy cơ lạm dụng ảnh 1 Việc ban hành luật An ninh mạng là cần thiết trước thực trạng hiện nay. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Nhiều chuyên án “bế tắc” vì doanh nghiệp không hợp tác

Trái với những lo ngại trên, Trung tướng Bùi Mậu Quân, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục An ninh (Bộ Công an) cho hay, trong những năm gần đây xuất hiện ngày càng nhiều các vi phạm pháp luật trên không gian mạng, gây bức xúc trong xã hội. “Chúng ta thử hình dung xem hệ thống mạng máy chủ của các hãng hàng không quốc gia, của hệ thống tài chính ngân hàng của các cổng thông tin điện tử của Đảng, Chính phủ mà bị tấn công, chiếm quyền điều khiển mà bị phá hoại thì hậu quả sẽ như thế nào. Vì vậy, tôi cho rằng việc ban hành Luật An ninh mạng hết sức cần thiết và phù hợp, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi cấp thiết của tình hình thực tiễn hiện nay”, tướng Quân nói.

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh trấn an các đại biểu rằng, quy định về cơ quan, tổ chức nước ngoài cung cấp dịch vụ trên không gian mạng không vi phạm các hiệp định đã ký kết. Ông thông tin thêm, hiện nay có nhiều doanh nghiệp đã thuê và đặt máy chủ ở Việt Nam. Theo số liệu thống kê là có 8 doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đang cung cấp máy chủ cho Google và Facebook. Đối với việc kiểm tra, tướng Hồng khẳng định “chỉ kiểm tra những trường hợp có vi phạm về an ninh mạng”.

Báo cáo thêm về nội dung trên, Thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho biết, lâu nay do không có quy định trong luật, cho nên việc cung cấp theo kiểu “tùy thích, ưng thì cung cấp, không ưng thì không cung cấp, dẫn đến bó tay trong xử lý vi phạm”. “Nhiều chuyên án, vụ án bế tắc cũng từ việc này. Tại sao mình không quy định để có cơ sở pháp lý buộc các doanh nghiệp phải chấp hành tốt. Nếu mình quy định bản thân các nhà doanh nghiệp, các nhà làm dịch vụ này cũng có ý thức, người công dân tham gia cũng có ý thức, đó là điều tốt”, ông Việt nói và đề nghị Quốc hội “cho xin giữ như dự thảo”.

“Trong cuộc sống hàng ngày, nhất là trên không gian mạng, nhiều khi đúng, sai ranh giới rất mong manh. Vậy ai là người quy định, đánh giá nội dung các thông tin được coi là vi phạm? Một cá nhân, một phòng ban hay một cục, vụ của Bộ TT&TT, Bộ Công an làm việc này. Kinh nghiệm của Indonesia cho thấy, họ đã quy định rất rõ ràng là “người đưa ra phán xét thông tin xấu là Tòa án”.

 ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu

MỚI - NÓNG