Luận bố già

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ta vào rạp thút thít xem Bố già (Việt) để khám phá tình cha con, thì thiên hạ đang tính chuyện phóng tinh trùng lên mặt trăng đào hầm cất giữ trên ấy đề phòng loài người dưới này... tuyệt chủng!

Vậy là không phải chỉ gia đình ông Noah được Chúa chọn để sống sót trước đại hồng thủy do chính ngài tạo ra vì nổi giận với loài người, mà thời nay nếu tận thế, hậu duệ của mỗi chúng ta có cơ may được chọn.

Hôm qua 20/3 là Ngày quốc tế Hạnh phúc. Việt Nam cũng tăng 4 bậc trong bảng xếp hạng hạnh phúc của Liên Hợp Quốc năm 2021 vừa công bố. Từ vị trí 83 lên 79 trong số 149 quốc gia, đứng đầu Đông Nam Á, trên cả Trung Quốc. Cách chúng ta đương đầu và kiểm soát đại dịch COVID tạo ra sự tin cậy, làm tăng lên cảm giác hạnh phúc của người dân. 

Bảng xếp hạng này không đề cập gì đến chỉ số hạnh phúc gia đình/cha con, tất nhiên. Để đối chiếu xem tình cha con/gia đình của ta “tụt hậu” với thiên hạ bao nhiêu năm, bao nhiêu thế hệ, mà giờ đây nhiều người mới “ngỡ ngàng” nhận ra?! Kinh tế thị trường đến muộn và có phần hoang dã đã phá hỏng và che mờ quá nhiều thứ, ít nhất đó là một trong những lý do dễ thấy để có thể vin lấy biện hộ.

Jared Diamond, trong cuốn “Thế giới cho đến ngày hôm qua”, đã chỉ ra "Ở loài người, sự quan tâm chăm sóc của người cha thấp hơn so với tiêu chuẩn của đà điểu và cao hơn so với khỉ và các loài linh trưởng khác, nhưng sự chăm sóc của người cha thì ít hơn so với người mẹ trong mọi xã hội loài người". Đó không hẳn là luân lý, mà thuộc về sự “phân công” vốn nguyên thủy của loài người.

Với hiệu ứng Bố già, quả thật người Việt “có vấn đề về tâm lý” (tình cảm gia đình, khoảng cách thế hệ) như bình luận của nam diễn viên chính. Nhưng không chỉ có vậy. Đâu chỉ người Việt mới nghèo, mới chịu áp lực đồng tiền? Những mâu thuẫn, bạo lực giữa các thế hệ trong hàng tỷ gia đình trên hành tinh này vẫn tồn tại, chưa một phép màu văn minh nào có thể xóa được. Nó giống như linh kiện của những thế hệ công nghệ khác nhau luôn khó ráp lại với nhau.

Tình người đâu phụ thuộc vào trình độ công nghệ, để xác định hơn nhau về đẳng cấp mấy chấm. Nên ý tưởng cất giấu dòng giống của mình lên mặt trăng ngõ hầu duy trì sự tồn tại, ở góc độ nào đó phản ánh tâm thế hoang mang thiếu niềm tin của con người vào kỹ năng quản trị đời sống, giải quyết những quan hệ, bảo vệ môi trường sinh tồn cho chính mình.

Một bộ phim gây sốt trong nước (dù với cái tên vay mượn thế giới) hay những con tàu Noah thời hiện đại không giải quyết được gốc rễ điều đó.

Cây bút lừng danh thế kỷ của văn chương Việt Nam Nguyễn Huy Thiệp vừa vẫy tay từ biệt đời sống này. Nhớ lão Kiền, một “bố già” trong cái gia đình “Không có vua” trong thiên truyện ngắn cùng tên của Thiệp. “Ai đồng ý bố chết giơ tay”, những người con trong nhà biểu quyết khi “bố già” ấy vừa ngã bệnh.

Tác phẩm ra đời cách nay đã mấy chục năm rồi. Không khó để thấy những gương mặt và nội tâm lấm láp “tranh tối tranh sáng” ấy, vẫn chập chờn quanh ta. 

MỚI - NÓNG
Đổ vật chất nạo vét lẫn đầy bùn thối, rác thải vào trường học, khu dân cư
Đổ vật chất nạo vét lẫn đầy bùn thối, rác thải vào trường học, khu dân cư
TPO - Hàng nghìn khối vật chất nạo vét lẫn đầy bùn thối, rác thải nhựa, đá tảng, bê tông thải loại từ khu vực đập La Ỷ (cạnh sông Hương đoạn qua phường Phú Thượng, TP. Huế) đổ vào sân bóng, khu dân cư, trường học, gây nguy cơ biến đổi hiện trạng sử dụng đất, làm ô nhiễm môi trường...