Kinh hoàng
Sau hơn 24h bị lũ cô lập, cắt đứt liên lạc với bên ngoài, sáng hôm qua đường từ Mường Xén vào Tà Cạ đã được nối lại. Mây đen xám xịt, lũ vẫn rình rập đâu đó trên núi, trong lòng thung lũng. Nước khe suối vẫn cuồn cuộn chảy, nhưng một chiếc cầu tạm ghép bằng mấy cây tre đã hình thành, đưa hàng trăm cán bộ, chiến sĩ bộ đội, công an và cán bộ huyện Kỳ Sơn vào tiếp cận bản Hòa Sơn, bản Sơn Hà (xã Tà Cạ) và xã Tây Sơn, nơi bị thiệt hại nặng nhất.
“Một lực lượng 300 người đã lên đường vào vùng bị lũ cô lập. Hơn 60 học sinh cấp 3 bị lũ bao vây, đã di chuyển an toàn ra thị trấn vào sáng 2/10. Sau trận lũ, đất đá ngổn ngang, trước mắt phải khẩn trương ổn định nơi ở giúp các hộ dân mất nhà, khôi phục đường vào bản”, ông Nguyễn Hữu Minh, Chủ tịch huyện Kỳ Sơn cho hay.
Bà Vang Thị Bình (bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ) nức nghẹn bới bùn tìm tài sản Ảnh: Cảnh Huệ |
Từ sáng sớm, chúng tôi liên lạc được với ông Mùa Nỏ Xử, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, trưởng bản Sơn Hà. Ông Xử kể: “Khoảng 3h sáng 2/10, lũ đổ xuống ầm ầm, cả bản hốt hoảng tỉnh dậy, hô nhau tháo chạy lên chỗ cao hơn tránh nạn. Lũ rút, dân bản trở về nhà, gia đình tôi đang ngồi ăn cơm thì bất ngờ trận lũ thứ 2 lao thẳng từ núi xuống, lúc 7h sáng. Lại hô nhau chạy tán loạn! Lũ quét diễn ra trong khoảng 3 giờ đồng hồ, cuốn phăng những ngôi nhà hai bên khe suối, có nóc nhà lũ đẩy lên tận ngọn cây, bản làng tan tác”.
Trưởng bản Sơn Hà cho biết, bản ông có 4 ngôi nhà trôi theo dòng nước, số nhà bị lũ đánh sập một phần hoặc ngập nặng, đất đá vùi lấp “chưa đếm hết”. Chắt nội 4 tháng tuổi của trưởng bản Mùa Nỏ Xử không may bị lũ cuốn, tử vong.
Trời biên viễn từng cơn mưa nặng hạt khiến việc tiếp cận hiện trường khu vực lũ quét trở nên khó khăn. Đất đá, cây cối theo dòng lũ phủ lấp đầy đường, nước suối Huồi Giảng vừa rút rồi bỗng dâng cao, chảy xiết. Dẫm lội bùn lầy ngang đầu gối khoảng 4km, tiếp tục vượt cầu tạm bằng tre bắc qua suối, chúng tôi tìm đường vào bản Hòa Sơn (xã Tà Cạ).
Hai bên đường là những ngôi nhà tan hoang sau lũ, người dân ngấn nước mắt bới bùn bòn mót tài sản còn sót lại. Đứng trên nền ngôi nhà chỉ còn hai cái cột, chị Và Y Dờ nức nghẹn gọi tên con. Đứa con thơ bé 4 tháng tuổi đã tuột khỏi vòng tay mẹ.
Lũ quét kinh hoàng tràn qua bản làng rẻo cao Kỳ Sơn |
“Khoảng 7 giờ sáng, hai ngôi nhà hàng xóm bị lũ quét qua nên em nhờ đứa cháu học lớp 5 trông con rồi chạy vội sang giúp họ vận chuyển đồ đạc. Khi em gần tới nơi, lũ ồ ạt tràn về, em quay lại tìm con nhưng không kịp”, Và Y Dờ nói trong nước mắt. Những đợt sóng hung dữ tới tấp tấn công, bé trai lớp 5 bồng em vùng chạy ra khỏi căn nhà nhưng đã muộn. Bé gái sơ sinh văng khỏi đôi tay của người anh, mất hút.
Hơn một ngày qua, chính quyền địa phương, bộ đội biên phòng vào giúp Và Y Dờ dọn dẹp nhà cửa. Bà con dân bản Hòa Sơn, nhiều nhà bị lũ cuốn đi hết tài sản nhưng họ cũng đến động viên chị vượt qua nỗi đau mất mát. Lập gia đình năm 2020, chồng cùng bố mẹ đi làm ăn xa, Dờ ở nhà chăm nom con cùng vợ chồng em trai. Lũ ập đến, Dờ mất nhà, mất con.
Đêm chạy lũ
Đứng bên bờ suối Huồi Giảng, chị Nguyễn Thị Hoa (SN 1985, trú tại khối 1, thị trấn Mường Xén) thất thần nhìn về căn nhà của mình. Chồng chị, anh La Khăm Ỏn (SN 1982) đang cố tìm cách vào nhà khi cửa bị chắn ngang bởi đá và cành cây.
Anh Ỏn kể: “Rạng sáng, nước suối dâng ngấp nghé cổng nhà, tôi liền đưa con lên Trung tâm Chính trị huyện cho an toàn rồi trở về dọn dẹp, kê đồ lên cao. Trời mưa như trút không thể chuyển đồ ra ngoài, nhưng cũng chỉ nghĩ ngập lụt như mấy trận mưa trước. Đến khoảng 3h sáng, lũ ầm ầm, nước tràn qua đường, ập vào nhà. Hai vợ chồng đạp đổ cổng chạy thoát ra ngoài.
Đỉnh điểm của lũ là vào khoảng 7h - 8h sáng. Mực nước lên cao, cuốn phăng hết toàn bộ vật cản trên đường đi. Đất đá, cây cối cũng bị kéo theo, khung cảnh thật ghê rợn. Nhà tôi ở bên mép suối nên hứng trọn lũ quét. Bùn lầy tràn vào tới mái nhà, hiện vẫn chưa biết làm cách nào để khắc phục ”.
Hối hả múc nước dội rửa bùn đất, ông Lữ Thanh Tuấn (71 tuổi) nói, đây là trận lũ quét lớn nhất trong hàng chục năm qua.
“Thời điểm lũ về, trong nhà tôi có 13 người. Ở tầng một có bảy phòng trọ, toàn bộ là học sinh. Đồ đạc tầng một bị cuốn trôi, mọi người chạy tán loạn lên tầng hai nhưng vẫn bị ngập. Công an xã có mặt kịp thời, bắc thang giải cứu mọi người ra khỏi nhà”, ông Tuấn kể.
Rệu rã từng bước chân trong bùn lầy, bà Ngân Thị Biển (SN 1962, trú tại bản Hòa Sơn) tiến về ngôi nhà của mình. Xung quanh nhà bà, ruộng lúa đang trổ bông nhưng giờ đã chìm trong bùn nhão nhoét, đá núi ngổn ngang. Mọi vật dụng trong nhà đã bị lũ cuốn đi hoặc hư hỏng không thể sửa chữa.
Đã hơn một ngày trôi qua, bà vẫn chưa hết bàng hoàng: “Tôi vẫn còn sợ lắm, may là chồng, con được cứu. Khoảng 3 giờ sáng, nước cuồn cuộn đổ về, đá, cây cối ào ào trôi theo. Ông, bà cõng cháu chạy lên đồi. Ông quay lại lấy đồ thì trượt chân và bị nước cuốn, thấy vậy, con trai cả lao ra cứu bố cũng bị nước lũ cuốn theo luôn, hai bố con chới với chống chọi. May lúc đó có nhiều dân bản nên họ cứu được, chứ mất chồng, mất con, mất nhà cửa thì sao tôi sống được”.
Lau nước mắt và nói giọng thật bình tĩnh “bố, mẹ không sao” khi người con gái gọi điện thoại về, nhưng khi tắt máy, từng giọt nước mắt lại lăn dài trên khuôn mặt của bà Vang Thị Bình (SN 1960, trú tại bản Hòa Sơn).
Cúi người xuống nhặt nhạnh từng vật dụng bị lấp dưới bùn, bà Bình nghẹn ngào: “Mất hết rồi, có còn gì nữa đâu! Sống đến tuổi này, dành dụm được ít tiền sắm sửa trong nhà nhưng một trận lũ quét đã cuốn đi hết. Chiếc tivi mới mua, xem được một hai buổi cũng bị lũ kéo ra khỏi tấm gỗ, vỡ tung. Đàn gà, đàn vịt, cái xe cũng chẳng còn. Quần áo không có mặc, phải mượn nhờ nhà hàng xóm”.
Một người bạn ở Đài Khí tượng Thủy văn Bắc Trung bộ nói với tôi rằng, trận lũ ở Kỳ Sơn là diễn biến khó lường, đột biến về thời tiết. Đành rằng, mưa gió tại trời. Nhưng ngó qua con số nhà máy thủy điện dày đặc bủa vây miền sơn cước, xót thương nhìn những cánh rừng bị cạo trọc nhường chỗ cho thủy điện, không thể cứ mãi đổ lỗi do thiên tai...
Báo cáo nhanh của UBND huyện Kỳ Sơn ngày 3/10 cho thấy, 2 trận lũ quét liên tiếp ngày 2/10 đã làm 56 ngôi nhà bị cuốn trôi, sập đổ hoàn toàn; nhà bị ngập, sạt lở gây hư hỏng nặng: 141; nhà phải di dời khẩn cấp: 45 (xã Bảo Nam 6 nhà và 39 nhà ở Tà Cạ).