“Dập dịch tuyệt vời, nhưng còn tâm lý chủ quan”
Đề cập đến thiên tai dịch bệnh, đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên Huế) cũng đánh giá cao những lỗ lực trong phòng chống dịch bệnh, thiên tai vừa qua. Nhiều mục tiêu đặt ra vẫn đạt kết quả tốt, điển hình như tình hình xuất khẩu với nhiều mặt hàng, hay lĩnh vực thể thao với nhiều thành tích mà nhiều năm rồi chúng ta từng mơ ước.
Đặc biệt về y tế, theo đại biểu, ngay các nước có nền y tế tiên tiến ở châu Âu, như Mỹ, Nga, Pháp… lâu nay chúng ta phải đi học hỏi họ, nhưng trong đại dịch COVID-19, chúng ta đã phòng chống “tuyệt vời”, dập dịch rất thành công.
Tuy nhiên, đại biểu Nghĩa cũng cho rằng, phải tìm ra kịch bản đối phó với COVID -19 một cách hiệu quả. Qua đó, cần đánh giá đúng mức, xem ảnh hưởng như thế nào, chẳng hạn lĩnh vực dịch vụ du lịch bị ảnh hưởng quá lớn, kéo theo hàng loạt các dịch vụ khác, như hàng không, khách sạn…
“Mức độ ảnh hưởng trải dài từ Quảng Ninh đến Cà Mau. Nhưng vẫn đang có cái gì đó hơi chủ quan và lạc quan. Dịch bệnh COVID-19 các nước vẫn tăng dần, còn chúng ta thế nào? Dịch bao giờ mới chấm dứt? Chính phủ cần có kịch bản chi tiết, rõ ràng về việc này. Dập dịch tốt rồi nhưng vấn đề kinh tế, an ninh, an toàn xã hội tôi vẫn lo ngại”, ông Nghĩa cho hay.
Theo đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam), thời gian qua, các tỉnh miền Trung liên tiếp phải hứng chịu lũ chồng lũ, bão chồng bão, cả vật chất và tinh thần đều thiệt hại lớn, thế nhưng chúng ta vẫn nỗ lực, đạt tăng trưởng dương. “Đó là nhờ vào sự đồng lòng trong lãnh đạo chỉ đạo, sự sẻ chia, và tinh thần yêu nước, thương nòi được khơi dậy”, ông Bình nhận định.
Cũng theo đại biểu đoàn Quảng Nam, mỗi lần bão lũ, việc di dời dân rất lớn, nhà cửa, trường học hư hỏng nặng. Theo ông, với hệ thống trường học, cần xây dựng một cách kiên cố, không chỉ để đảm bảo an toàn cho học sinh, nhưng đồng thời cũng có thể là nơi cư trú an toàn cho người dân khi phải di dời.
Tính toán lại an toàn hồ đập
Chia sẻ những đau thương mất mát ở miền Trung vừa qua, đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) đánh giá cao những nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong phòng chống thiên tai, dịch bệnh vừa qua. Trong khi các nước tăng trưởng âm, chúng ta lại có mức tăng trưởng dương, rất ấn tượng.
Tuy nhiên, đại biểu còn băn khoăn về việc đánh giá mức độ thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Ông đề nghị Chính phủ có tổng kết, đánh giá lại một cách cụ thể, chi tiết hơn, để trên cơ sở đó đưa ra sự điều chỉnh tăng trưởng sát với thực tế cho những năm tiếp theo.
Đặc biệt, lũ lụt ở miền Trung vừa qua, chúng ta đã phải chứng kiến nhiều hình ảnh rất đau lòng. Người mất nhà, con mất cha, mất mẹ… Đại biểu đề nghị cần đánh giá lại mức độ thiệt hại từ vật chất đến tinh thần, đồng thời xem tình trạng sạt lở vừa qua nguyên nhân từ đâu? Có phải do phá rừng không? Theo ông Hận “chắc chắn là có”.
“Tôi ủng hộ việc phát triển nhưng cũng mong muốn Chính phủ đánh giá lại việc lấy diện tích rừng để xây hồ, xây đập, làm sao vừa phục vụ phát triển kinh tế xã hội, nhưng đồng thời phải giảm nguy cơ tối đa thiệt hại”, đại biểu đoàn Cà Mau bày tỏ.
Cùng quan điểm, đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) cũng đề nghị cần có đánh giá sâu hơn, chứ không thể nhận định, đánh giá chung chung như vậy. Đại biểu dẫn dụ vấn đề an ninh nguồn nước, thời gian qua tác động đến đời sống của người dân như nào; rồi vấn đề an toàn hồ đập cũng cần phải tính toán lại…