Lũ lịch sử chồng siêu bão

Lũ lịch sử chồng siêu bão
TP - Trong khi hậu quả của siêu bão số 10 chưa kịp khắc phục, người dân Quảng Bình lại phải hứng chịu hoàn lưu của cơn bão số 11, gây lốc xoáy và lũ lụt đặc biệt lớn, nhiều nơi vượt đỉnh lũ lịch sử 2010 trên 1m.

> Siêu bão, lũ lịch sử quần nát Quảng Bình
> Miền Trung thiệt hại trên 1.500 tỷ đồng vì bão số 11

Người chết, nhà sập do lốc xoáy

Ghi nhận của PV Tiền Phong, trong đêm 15 và rạng sáng ngày 16, trên địa bàn Quảng Bình xuất hiện gió to kèm theo mưa lớn trên diện rộng. Đặc biệt, ở hai xã Quảng Minh và Quảng Sơn, một trận lốc xoáy kinh hoàng xảy ra lúc 2 giờ sáng, quần thảo chừng 30 phút, làm 3 người chết, 13 người bị thương nặng, 73 nhà bị sập hoàn toàn và hơn 700 ngôi nhà bị tốc mái. Ngay sau khi lốc xoáy xảy ra, lực lượng cứu hộ của xã, huyện có mặt kịp thời nhưng do nước lũ lên nhanh, nên công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn.

Trong lúc đó, 9 xã vùng Nam Quảng Trạch cũng bị cô lập trong lũ. Qua điện thoại lúc 10 giờ sáng, ông Nguyễn Thái Mãn, trưởng thôn cồn nổi Minh Hà, xã Quảng Minh cho biết: Trời vừa rạng sáng, nước lũ từ đâu tràn về rất nhanh, chỉ trong vòng 30 phút đã làm ngập toàn bộ xóm làng. Hầu hết nhà dân bị nước lũ chạm mái. Công tác cứu hộ, cứu nạn gần như tê liệt vì lực lượng bên ngoài không thể vượt sông để ứng cứu. Người dân giờ chỉ biết ngồi lên gác xép hoặc mái nhà chờ nước rút.

Tại rốn lũ Tân Hóa, huyện Minh Hóa, ông Cao Thanh Bình, Bí thư Đảng ủy xã cho biết, có hơn 50% nhà ở đây bị ngập nóc. Tuy nhiên, do rút kinh nghiệm từ những năm trước, ở đây hầu hết nhà dân đều có bè tránh lũ nên vẫn an toàn về người và lương thực dự trữ được vài ba ngày. Một trận lũ quét cũng đã xảy ra ở xã Xuân Hóa vào 10 giờ sáng cùng ngày làm trôi 2 nhà dân và làm ngập hàng nghìn ngôi nhà tại đây.

Vượt đỉnh lũ lịch sử trên 1m

Nhà bà Hoa giờ chỉ còn lại chiếc đồng hồ treo tường bám đầy bùn đất (ảnh to). Nhà bà Hoài bức tường phía sau giờ chỉ còn lại giằng bê tông lõi thép treo lơ lửng (ảnh nhỏ)
Nhà bà Hoa giờ chỉ còn lại chiếc đồng hồ treo tường bám đầy bùn đất (ảnh to). Nhà bà Hoài bức tường phía sau giờ chỉ còn lại giằng bê tông lõi thép treo lơ lửng (ảnh nhỏ).
 

Lúc 7 giờ sáng, ông Nguyễn Văn Hiền, Bí thư Đảng ủy xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch điện cho PV Tiền Phong thông báo, nước lũ ở đây đã vượt đỉnh lũ lịch sử năm 2010 trên 1m, nhiều làng mạc bị cô lập, nặng nhất là thôn Thành Sen. Để tiếp cận hiện trường vùng lũ, PV Tiền Phong đã gọi điện cho lãnh đạo Trung tâm Du lịch Sinh thái và Văn Hóa Phong Nha - Kẻ Bàng, nhờ thuê giúp thuyền du lịch của dân để tác nghiệp. Tuy nhiên, hơn 300 chiếc thuyền du lịch ở đây đều từ chối vì sợ nguy hiểm.

Rất may, anh Ngô Văn Tam, ở thôn Hạ Vàng, xã Sơn Trạch - người được mệnh danh là Anh hùng sông Son, khi cứu gần 400 người dân trong trận lũ lịch sử năm 2010 nhận lời đưa chúng tôi vào tâm lũ. Con thuyền nhỏ phải len lỏi trong những con đường làng cây cối đổ rạp trên mặt nước, vòng vèo bám theo triền núi đá đầy kiến và rắn rết, với hai lần vượt sông Son trong nước lũ đục ngầu, chúng tôi mới đến được thôn Thành Sen. Những dấu hiệu để lại cho thấy nước lũ ở đây đã rút hơn 1m, tuy nhiên nhiều nhà dân nước vẫn còn chạm mái, mọi người đều phải lên mái nhà trú ngụ.

Ngồi trên mái nhà, bà Nguyễn Thị Đông cho biết, nước lũ lên lúc 5 giờ sáng, rất nhanh và chảy mạnh chưa từng thấy. “Tui năm ni gần 60 tuổi rồi mà chưa thấy trận lụt mô ghê gớm như ri. Đang thấy nước ngoài đường, chưa kịp ăn hết gói mì tôm, thì nước đã vào nhà. Hắn chảy nghe ào ào như thác. Chồng mất, con cái đi rừng không về kịp, tui chỉ đủ sức bê nửa thùng nước và nửa bao gạo lên tra (gác xép của nhà cấp 4).

Chưa kịp quét dọn chỗ ngồi, thì nghe rầm một tiếng, ngôi nhà rung lên, bức tường phía sau bị sập. Nước ào vào, sóng xô lên cả tra. Hoảng quá, tui dỡ ngói chui lên kêu cứu. May mà nhà hàng xóm bắc cho cái thang nên thoát được. Toàn bộ của cải trong nhà giờ trôi hết, chỉ có mấy chiếc giường, vướng cây cối nên còn nằm ở sân” - bà Đông nói.

Hàng xóm của bà Đông là nhà bà Phạm Thị Hoài (73 tuổi), bức tường phía sau mặc dù có đổ bê tông dằng thép nhưng cũng bị sập vì không chịu nổi sức nước. Bà Hoài cho biết, gia đình bà và cả bà Đông nữa là gần chục người nhưng không có gì ăn vì gạo cơm, xoong, nồi trôi sạch.

“Đói thì còn chịu được chứ khát nước đúng là khổ. Chum lu, thùng chảo chi trôi hết không có cái để mà hứng nước mưa. Từ sáng tới chừ cả nhà không có giọt nước mô, khát khô cổ” - bà Hoài than vãn.

Cách đó không xa là một ngôi nhà bị sập toàn bộ 4 bức tường. Nước rút xuống, thuyền chúng tôi đi lọt được vào trong nhà. Ngôi nhà trống hoác, cỏ rác bám đầy nhà, thứ còn lại duy nhất là chiếc đồng hồ treo tường bám đầy bùn đất. Ông Phạm Đức Lịch, hàng xóm cho biết, đó là nhà bà Nguyễn Thị Hoa, chồng chết, nhà chỉ có 3 mẹ con.

“Thấy lũ lên bất thường, tui chạy chiếc xe máy đi gửi cách đó hơn trăm mét. Khi quay về, nước ngập ngang ngực. Tui nói ba mẹ con sang nhà tui trú cũng được. Tiếc của, bà Hoa cứ nấn ná dọn dẹp mà không chịu sang. Đến khi nước to, tui nghe tường nhà bà ấy đổ ầm ầm mà không biết mần răng. May có chiếc thuyền đi qua, nghe tiếng kêu cứu, ghé vào đón mẹ con bà ấy đi. Nếu ở lại, chắc là trôi hết rồi” - ông Lịch cho biết.

Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão Quảng Bình, toàn tỉnh bị phong tỏa do lũ lụt, nặng nhất là các huyện Bố Trạch, Quảng Trạch, Tuyên Hóa và Minh Hóa. Hàng chục nghìn ngôi nhà bị ngập sâu trong nước. Giao thông bị chia cắt trên nhiều tuyến đường. Đã có 4 người chết và hai cô giáo ở xã Liên Trạch, huyện Bố Trạch bị lũ cuốn trôi mất tích trên đường đến trường.
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.