Theo quy định, 7 giờ 30 hôm qua, cán bộ coi thi phát đề thi Ngữ văn cho thí sinh. 7 giờ 35 bắt đầu tính thời gian làm bài, kéo dài 120 phút. Đề thi Tốt nghiệp THPT thuộc danh mục bí mật của Nhà nước dạng tối mật và quy chế quy định, hết 2/3 thời gian bài thi môn tự luận thí sinh mới được rời khỏi phòng thi, khu vực thi nhưng phải nộp lại đề thi và giấy nháp. Nhưng không quá lâu sau khi phát đề, mạng xã hội xuất hiện đề môn thi này.
Thí sinh trong phòng thi trước giờ thi môn Ngữ văn. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng |
Ngay sau đó, Bộ GD&ĐT thừa nhận, đề thi Ngữ văn xuất hiện trên mạng xã hội khoảng 8 giờ (tức chỉ 25 phút kể từ khi tính giờ làm bài). Bộ GD&ĐT lập tức chuyển thông tin cho Cục An ninh chính trị nội bộ - Bộ Công an vào cuộc xác minh. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cũng khẳng định: “Thông tin trên không ảnh hưởng đến kỳ thi vì khả năng tương tác chỉ ở một thí sinh. Bộ GD&ĐT chưa ghi nhận có thông tin giải đề hoặc hướng dẫn giải đề từ bên ngoài vào phòng thi”.
Chiều qua thi môn Toán, cũng có thông tin đề thi bị lọt ra ngoài nhờ người giải hộ. Bộ GD&ĐT cho biết, Ban Chỉ đạo đã nắm bắt thông tin và chuyển thông tin cho Cục An ninh chính trị nội bộ - Bộ Công an vào cuộc xác minh. Bộ GD&ĐT cũng cho biết, thông tin lọt đề thi không ảnh hưởng đến kỳ thi.
Trao đổi với phóng viên, TS. LS Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, đây là hành vi làm lọt đề thi ra ngoài, có dấu hiệu vi phạm quy chế thi và còn có thể là hành vi vi phạm pháp luật. Trường hợp kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy người làm lọt đề thi này ra bên ngoài là thí sinh thì thí sinh này vi phạm quy chế thi và sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật, mức cao nhất có thể là đình chỉ thi, huỷ bỏ kết quả thi. TS Cường nói, trong vụ việc này, cơ quan an ninh sẽ làm rõ nguồn thông tin qua tài khoản đăng tải đầu tiên để xác định ai là người làm lọt đề thi ra ngoài, đồng thời đánh giá mức độ hậu quả thiệt hại để giải quyết theo quy định pháp luật.
Nếu kết quả xác minh người làm lọt đề thi này là người có chức vụ, quyền hạn (cán bộ coi thi hoặc cán bộ khác) thì hành vi này là làm trái công vụ gây thiệt hại đến uy tín của Nhà nước nên người vi phạm có thể bị xử lý hình sự về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Trường hợp lọt đề thi ra bên ngoài mà không có lỗi của giám thị (giám thị không biết không thể biết do hành vi gian lận của thí sinh tinh vi, sử dụng phương tiện điện tử để truyền tin...) thì đây chỉ là hành vi gian lận thi cử. Thí sinh vi phạm sẽ bị kỷ luật theo quy chế thi, không bị xử lý hình sự. “Trường hợp giám thị không có lỗi trong việc đề thi bị lọt (không biết không thể biết) thì cũng không bị xử lý, có thể chỉ rút kinh nghiệm”, ông Cường nói.
13 thí sinh bị đình chỉ thi
Báo cáo cuối ngày của Bộ GD&ĐT cho biết: Toàn quốc có 63 Hội đồng thi, gồm 2.272 điểm thi và 43.032 phòng thi với trên 1 triệu thí sinh dự thi. Môn Toán và môn Văn số thí sinh đến dự thi đạt gần 100% so với số thí sinh đăng ký. Buổi thi môn Ngữ văn có 11 thí sinh bị đình chỉ thi, buổi thi môn Toán có 2 thí sinh bị đình chỉ thi do vi phạm quy chế.
Ban chỉ đạo thi quốc gia cho biết, cơ quan công an đã xác định được một thí sinh thuộc Hội đồng thi tỉnh Cao Bằng đã sử dụng điện thoại chụp ảnh đề thi Văn sau khi phát đề khoảng 15 phút và gửi cho người thân để nhờ giải bài. Hình ảnh đề thi Văn sau đó được đăng tải và lan truyền trên mạng xã hội. Đề Toán được xác định bị lọt tại Hội đồng thi tỉnh Yên Bái.
NGHIÊM HUÊ