Tạm dừng đến trường nhưng không ngừng học
Về ý tưởng tổ chức lớp học trực tiếp trong khu cách li tập trung, ông Hoàng Văn Phúc, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tuyên Hóa, cho biết, chiều 1/11, Phòng nhận được thông báo từ bên y tế, tại lớp 1C, Trường Tiểu học Sơn Hóa có một cháu dương tính với SARS-CoV-2 do lây nhiễm từ người nhà. Ngay lập tức, lớp 1C bị phong tỏa, còn nhà trường cho tất cả học sinh nghỉ học để chờ chỉ đạo từ Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 của huyện.
Đến 19 giờ cùng ngày, toàn bộ 29 học sinh lớp 1C cùng 5 giáo viên được xác định là F1 và đưa đi cách li tập trung tại trụ sở cũ của Ban Chỉ huy Quân sự huyện. “Nhìn các cháu nhỏ rụt rè, ngơ ngác bước lên những chiếc xe chuyên dụng trong đêm tối mà lòng chúng tôi quặn thắt. Các cháu quá nhỏ để có thể hiểu chuyện gì đang xảy ra, trong bối cảnh vừa bước vào năm học mới chưa quen trường, quen lớp. Vì đảm bảo phòng dịch, nhiều phụ huynh chỉ kịp mang đến các đồ dùng thiết yếu nhất đứng ngoài hàng rào nhà trường gửi vào cho các con”, ông Phúc nói.
Bữa ăn của các cháu trong khu cách li |
Thương các cháu, một ý nghĩ loé lên trong đầu ông Phúc: “Tại sao không tổ chức dạy học trực tiếp trong khu cách li tập trung, trong lúc cô và trò đều có mặt đông đủ?”. Ngay lập tức, ông Phúc báo cáo lãnh đạo huyện và được đồng ý ngay. Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 của huyện còn trực tiếp chỉ đạo lãnh đạo xã Sơn Hóa huy động lực lượng giúp nhà trường vận chuyển bàn ghế, đồ dùng học tập của lớp 1C từ Trường Tiểu học Sơn Hóa đến khu cách li tập trung.
Lớp học được bố trí ở hội trường chính của Ban Chỉ huy Quân sự huyện để đảm bảo độ thông thoáng, rộng rãi. Sáng 3/11, lớp học đặc biệt này chính thức được khởi động. Lớp học được chia thành 2 ca, mỗi học sinh 1 bàn và cách nhau 2m. Nhà trường lắp thêm hệ thống wifi, chuẩn bị phòng để các giáo viên bộ môn đi cách li tập trung dạy online cho học sinh đang ở nhà, đảm bảo việc học cho tất cả các cháu không bị gián đoạn.
“Ngày đầu tiên tổ chức lớp học trong khu cách li, tôi cũng rất hồi hộp, lo lắng đủ thứ. Nhưng khi nghe anh em báo cáo lại, đặc biệt thông tin từ các giáo viên trong khu cách li, tôi thấy rất an tâm. Cả cô và trò đều rất hào hứng. Tôi tin lớp học này sẽ thành công cả về mặt chất lượng giáo dục và cả mặt phòng chống dịch. Nếu sau này có thêm nhiều lớp phải đi cách li tập trung, tôi nghĩ vẫn có thể tổ chức dạy trực tiếp được. Phòng sẽ tham mưu trưng dụng các trường học làm khu cách li tập trung và giáo viên, học sinh ở đó vẫn dạy, học bình thường”, ông Phúc chia sẻ.
Ông Đặng Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Bình, cho rằng, đây là một sáng kiến rất đáng khuyến khích. Ông Tuấn chỉ đạo, ngoài việc đảm bảo chất lượng dạy và học, giáo viên, học sinh trong khu cách li cần quan tâm đặc biệt đến công tác phòng chống dịch, tránh lây nhiễm chéo.
Cô giáo như mẹ hiền
Từ trong khu cách li tập trung, cô giáo Phan Thị Thảo Quyên, Chủ nhiệm lớp 1C thông tin qua điện thoại, ban đầu khi nghe tin trong lớp có cháu mắc COVID-19, tất cả các giáo viên rất hoang mang, các trò thì không hiểu chuyện gì đang xảy ra, mà hết giờ rồi không thấy bố mẹ đến đón. Các cô phải liên tục giải thích, nhưng nhiều cháu bắt đầu lo lắng, sụt sịt, có cháu khóc ré khi lên xe chuyên dụng đến để đi cách li tập trung. “Tôi đang nghĩ không biết làm gì cho hết 14 ngày trong khu cách li tập trung này thì nghe thông báo sẽ được dạy và học bình thường như ở trường mà vỡ oà sung sướng. Cả cô và trò ai nấy đều hào hứng”, cô giáo Quyên tâm sự.
Trong số 29 cháu phải đi cách li tập trung, có một số cháu có ba hoặc mẹ đi cùng vì họ là F1, còn lại đa số phải đi một mình. Các cô lúc đó phải thay mặt bố mẹ dỗ dành, chăm lo bữa ăn, giấc ngủ cho các cháu. “Khi mới vào khu cách li tập trung, các cháu hoang mang lắm, có cháu không chịu ăn cơm. Hầu hết các cháu đều lần đầu tiên xa gia đình, xa bố mẹ nên những tối đầu tiên có cháu đã khóc vì nhớ mẹ, nhớ nhà. Mỗi lần như vậy, chúng tôi lại phải thức dậy động viên, dỗ dành để không ảnh hưởng đến giấc ngủ của các cháu khác. Không có ba mẹ các cháu bên cạnh, chúng tôi ở đây đều xem các cháu như con của mình. Cũng may, cả ngày các cháu được lên lớp nên nỗi buồn chán, nhớ nhà, nhớ người thân cũng khuây khỏa, vơi bớt phần nào”, cô Quyên kể.
Cô giáo Quyên cho biết, nhờ sự quan tâm của các cấp lãnh đạo huyện Tuyên Hóa mà cơ sở vật chất phục vụ dạy, học trong khu cách li khá đầy đủ. Cả cô và trò đều cảm thấy thoải mái nên việc dạy, học rất thuận lợi. Việc đảm bảo phòng chống dịch cũng rất tốt, vì khu cách li thông thoáng, lớp học rất rộng rãi, thoáng mát. “Cô và trò chúng tôi cảm ơn lãnh đạo các cấp, lãnh đạo ngành, lãnh đạo nhà trường và các bậc phụ huynh đã quan tâm, động viên và tạo mọi điều kiện tốt nhất. Cô và trò chúng tôi hứa sẽ cố gắng dạy tốt, học tốt và phòng chống dịch tốt để sớm trở về với gia đình, với mái trường thân yêu của chúng tôi”, cô Quyên nói.
Cháu Nguyễn Thái Phong, có mặt trong lớp học đặc biệt, trả lời qua điện thoại: “Cháu đi một mình không có ba mẹ đi theo. Cháu rất nhớ nhà, nhớ ba mẹ, nhưng cháu vui vì có các bạn và cô giáo bên cạnh. Cháu hứa sẽ tuân thủ phòng dịch, chăm chỉ học tập để khỏe mạnh khi về với gia đình”. Trong khi đó, cô bé Nguyễn Hoài An hứa sẽ không khóc nhè nữa, sẽ ăn cơm và nghe lời cô giáo.
Từ ngày cô giáo Phan Thị Thảo Quyên trở thành F1 phải vào khu cách li tập trung, chồng của cô đang lái xe cho Hệ thống giáo dục Chu Văn An (TP Đồng Hới) phải về nhà chăm con nhỏ. Giọng cô Quyên như nghẹn lại: “Ngày lên đường vào khu cách li, tôi rất lo cho hai con nhỏ ở nhà. Cháu đầu mới 5 tuổi, cháu sau mới 20 tháng tuổi chưa xa mẹ dài ngày lần nào. Giờ tôi chỉ mong thời gian trôi qua thật nhanh và cô trò đều bình an để sớm trở về với gia đình, trở về với cuộc sống bình thường”.