Lớp học đặc biệt nơi biên ải

Trung úy Trần Thế Mạnh hướng dẫn học viên viết chữ trong một buổi học. Ảnh: B.S.
Trung úy Trần Thế Mạnh hướng dẫn học viên viết chữ trong một buổi học. Ảnh: B.S.
TP - Lâu nay hình ảnh người lính quân hàm xanh dạy chữ cho các em nhỏ trên những vùng biên ải xa xôi đã trở nên gần gũi, thân quen. Thế nhưng ở xã biên giới Ia Lốp (huyện Ea Súp, tỉnh Ðắk Lắk) còn có một lớp học rất đặc biệt…

Ngày cuốc đất, tối “cày” chữ

Tôi có may mắn được “dự giờ” một buổi tối ở lớp học xóa mù chữ do Đồn Biên phòng Ea H’leo mở tại xã Ia Lốp. Cô giáo Hà Thị Quế (trường Tiểu học Cầm Bá Thước) với chất giọng lảnh lót bắt đầu buổi học bằng việc dạy viết chữ cái: “Các bác mở trang 132. Bây giờ, các bác viết chữ cái theo hướng dẫn trong sách nhé”…

Những học sinh của lớp học đặc biệt này đều là người dân tộc thiểu số, đã lên chức cha mẹ, thậm chí là ông bà. Cũng bởi học sinh lớn tuổi nên giáo viên đứng lớp không xưng hô “cô - em”, thay vào đó là “tôi và các bác”. Lớp học có 25 học viên, đa số là phụ nữ - những người cơ cực, khốn khó nhất ở xã Ia Lốp.

Trong khi các học viên khác đã viết được một dòng chữ G, chị Hà Thị Tăng vẫn loay hoay chưa biết bắt đầu từ đâu. Cô giáo Quế xuống tận bàn, cầm tay học trò 42 tuổi này dạy viết. Chị Tăng vẫn cứ lóng ngóng. Bàn tay thô ráp, đen đúa của chị run run, không chịu “nghe lời”. “Tay tôi cầm cuốc, cầm xẻng quen rồi, cứng lắm. Tôi không sao điều khiển được cái bút theo ý muốn trong đầu”, chị Tăng giãi bày, sau khi hoàn thành bài viết một cách khó nhọc.

Đối với những người lam lũ như chị Tăng, việc làm đồng áng quen tay hơn nhiều so với việc viết chữ. Thời gian đầu, chị Tăng nản lòng vì viết chữ nào cũng “cong queo” như cách nói của chị. Thử thách lớn hơn nữa là việc giải toán. Với sự giúp đỡ của cán bộ biên phòng, trung úy Trần Thế Mạnh, chị Tăng đã tìm được lời giải cho bài toán. “Nhờ các chú ấy giảng giải tôi mới làm được bài”, chị Tăng cười nói.

Vào học được 20 phút thì chị Sách mới hớt hả chạy vào lớp. “Hôm nay công ty cho nghỉ muộn quá” - chị nhoẻn miệng cười nói với cán bộ phụ trách lớp. Cuộc sống cơ cực hiện rõ trên khuôn mặt khắc khổ, rám đen và đôi bàn tay gân guốc của người phụ nữ có 2 con quê mãi tận huyện miền núi Thường Xuân, Thanh Hóa. Ngoài việc đồng áng, chị còn làm thuê cho công ty chế biến nông sản. Dù chăm chỉ làm lụng, gia đình chị vẫn cứ thiếu ăn, thiếu mặc. Cũng vì quá nghèo, chị không dám ước mơ biết đến con chữ trong suốt những năm qua. Rồi một ngày, nghe tin bộ đội biên phòng mở lớp học chữ vào buổi tối, chị lập tức đăng ký đi học.

“Tôi viết được tên mình rồi”!

Việc viết được tên mình đối với chị Chinh cứ như một giấc mơ vậy. Người phụ nữ 37 tuổi này có vẻ ngoài khắc khổ, nét mặt trầm tư, ít nói nhất lớp. Khi chúng tôi hỏi về việc học, chị hoạt bát, cởi mở hơn. Chị hồ hởi khoe: “Giờ tôi viết được tên mình rồi. Cứ nghĩ cả đời này mình sẽ sống trong cảnh không biết chữ. Bây giờ viết được như thế này là tôi mừng lắm rồi”.

Quá thấm thía nỗi khổ vì không biết chữ, chị Vi Thị Thương luôn gắng gượng để con mình không bị thất học dù thiếu thốn trăm bề. Chị không nề hà làm thuê, làm mướn để có đủ tiền trang trải cuộc sống. Lần lượt 3 người con của chị đều biết đọc, biết viết. Đó cũng là lúc chị nhìn lại mình. Quyết tâm học cái chữ, chị mang theo cậu con trai út mới 4 tuổi tới lớp bởi không nhờ được ai trông con.

Đại úy Phạm Văn Hiếu, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Ea H’leo, người khởi xướng phong trào xóa mù chữ ở Ia Lốp, chia sẻ: “Khi mới về đơn vị, tôi nhận thấy nhiều người dân không biết chữ, phải điểm chỉ vào các loại giấy tờ. Từ thực tế đó, tôi đề xuất ban chỉ huy đơn vị mở lớp học này với cam kết sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự thành bại của lớp học”.    

Trước đó, khi ở đơn vị cũ, đại úy Phạm Văn Hiếu và đồng đội đã tổ chức thành công 2 lớp học xóa mù chữ. Ðiều đó tạo động lực cho anh quyết tâm mở lớp học thứ ba này. Anh cùng đồng đội vận động người dân đi học, liên hệ giáo viên giảng dạy, mượn phòng học, chuẩn bị nước uống, sách vở, bút viết. Cuối tháng 10/2017, lớp học khai giảng, học 5 buổi tối một tuần. Ðể kịp thời động viên và “gỡ khó” cho học viên, Ðồn Biên phòng phòng Ea H’leo phân công 4 cán bộ luôn túc trực tại lớp.

MỚI - NÓNG