Gian nan giáo viên biên ải tìm trò sau Tết

Gian nan giáo viên biên ải tìm trò sau Tết
TPO - Vượt qua những con đèo cheo leo, các thầy cô giáo lại đi về phía bản làng xa. Những cú ngã lộn nhào, gượng dậy trong lạnh giá và cơn đau, thầy cô lại lên đường tìm trò về với trường. Năm nào cũng thế, đó là chuyện đầu xuân của giáo viên miền biên ải.

Gian nan tìm trò sau tết

Sau những ngày đón tết Nguyên Đán cùng với gia đình, các thầy cô giáo Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) trở lại với công việc dạy học. Từ sáng sớm, thầy giáo Cao Xuân Tuấn mặc áo mưa, đi chiếc xe máy tới trường. Mùng 6 (âm lịch), ngày đầu tiên dạy học sau kỳ nghỉ tết, sương mù dày đặc nhưng thầy Tuấn và các giáo viên vẫn có mặt ở trường từ sớm. Sau cái bắt tay, tiếng chúc tân xuân của đồng nghiệp mong cho năm mới nhiều an vui, các thầy cô lại cầm xẻng, chổi, dọn vệ sinh trong khuôn viên trường.

Đến 7h30, công việc dọn vệ sinh cơ bản được hoàn thành, lau giọt mồ hôi còn lấm tấm trên mặt, thầy Phạm Mạnh Hùng (Hiệu trưởng) đánh hồi trống vào giờ dạy và học. Tuy nhiên, trong các lớp, sỹ số học sinh còn quá ít, có mặt chủ yếu là các học sinh có nhà ở gần trường. Không ai bảo ai, ánh mắt của thầy cô lại nhìn về cổng trường và những bản làng khuất sau những ngọn núi điệp trùng. "Có lẽ học sinh ở xa nên đến muộn", đó là suy nghĩ chung của giáo viên trong trường. Hơn 20 phút sau, cuộc họp hội ý nhanh được thầy Hùng đưa ra.

Gian nan giáo viên biên ải tìm trò sau Tết ảnh 1

Con đường tới lớp tại xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An).

Hai nhóm thầy cô được phân công đến các bản xa để vận động học sinh. Dắt vội chiếc xe máy, các thầy cô lên đường tìm trò. “Toàn trường có 40 giáo viên, 432 học sinh. Trong đó 90% là học sinh người Mông, còn lại là Khơ Mú, Thái. Tục lệ của người Mông là ăn tết đến hết ngày mùng 10 âm lịch. Sau đó bố mẹ mới lên rẫy, con em tới trường. Chính vì vậy việc vận động học sinh đến lớp đúng ngày, giờ vào đầu năm mới trở nên quen thuộc”, thầy Hùng chia sẻ.

Gian nan giáo viên biên ải tìm trò sau Tết ảnh 2 Lớp học vắng bóng học sinh sau tết.

Theo chân thầy cô giáo Hoàng Đình Thành, Cao Xuân Tuấn, Đậu Thị Thìn, Nguyễn Thị Kim Huệ đến điểm bản Phù Quặc. Cầm tờ giấy ghi tên học sinh, phụ huynh trên tay, thầy giáo Thành cho biết: “Đây là một trong những bản xa và khó khăn nhất của xã Na Ngoi nên đường đi là rất vất vả. Băng rừng đến bản thì gần một ngày”.

Phần đông giáo viên Na Ngoi là những người ở các huyện miền xuôi, trung du. “Thầy Thành quê ở huyện Thanh Chương, tôi và cô Huệ, cô Thìn ở huyện Anh Sơn. Thầy Hùng cũng ở miết dưới mạn Hưng Nguyên. Chúng tôi lên trường từ mùng 5 tết, gia đình mọi người cũng ở xuôi cả”, thầy Cao Xuân Tuấn nói.

Giáo viên về bản

Trời bỗng đổ mưa. “Đường rất trơn, mọi người cẩn thận nhé”, thầy Thành nói. Những con đèo vắt vẻo lưng chừng núi, hun hút kéo dài trong mờ sương của rừng già. Xuống dốc, thầy Tuấn cho xe cài về số 1, men theo rãnh nước để đi. “Ầm”, chiếc xe phơi bụng, thầy Tuấn ngã chỏng vó. Dựng chiếc xe dậy, phủi bùn dính trên áo, nhặt chiếc gương vỡ, thầy Tuấn lại làm người tiên phong. “Quen rồi anh ạ, mỗi lần đi bản gặp trời mưa thì việc ngã xe là chuyện bình thường”, cô Thìn cho biết.

Nhìn thầy cô giáo lưng mang cặp sách, tay cầm dép, ngón chân bám đường dò dẫm từng đoạn tôi không khỏi lo lắng. Sau 4 giờ đồng hồ, các thầy cô cũng đến được trung tâm bản Phù Quặc. Theo tập tục của người Mông, những đỉnh núi cao nhất là nơi bản làng sinh sống. Bước chân vào bản, đập vào tai chúng tôi là tiếng nhạc rộn rã, tiếng hò reo ầm ĩ. Trên khoảng đất trống, trai gái nắm tay nhảy theo điệu nhạc, trẻ em đuổi bắt nhau, người già quây quần bên vò rượu. Không khí tết vẫn đậm đặc ở nơi này.

Gian nan giáo viên biên ải tìm trò sau Tết ảnh 3

Gian nan tìm trò đến lớp đầu năm.

Tới gần cậu học trò đang cầm Pao ném, thầy Thành nói: ”Hôm nay là ngày đi học rồi, sao em còn ở nhà ném Pao hả Bá Tu?”. Nghe thầy nói tới mình, cậu học trò nhanh nhảu đáp: “Đợi em ăn tết đã, mấy ngày nữa em lại cùng bạn đi học”. Vuốt đầu những học trò nhỏ nhắn, ngây thơ, cô giáo Huệ nhẹ nhàng bảo, “Phải đến lớp học các em mới theo kịp các bạn, ở nhà ném Pao, các sẽ không biết con chữ. Ở trường có thầy cô cùng các bạn, có thức ăn ngon, sẽ vui hơn”. Nghe cô nói thế, nhiều em nhỏ hứa ngày mai tới trường.

Tìm gặp các phụ huynh thì hầu hết họ không đồng tình, bởi theo họ, mùng 10 mới hết tết. “Ngày mai, nhà bố còn làm lễ cúng cho con nên nó không đi học được đâu thầy ơi”, một phụ huynh phân trần. Sau một lúc giải thích, già làng Hạ Bá Trừ gật gù. “Thế cũng được nhưng các thầy phải uống hết với ta hai vòng rượu thì ngày mai mới cho chúng nó đi học”. Rời bản Phù Quặc trở lại trường, hành trình trước mắt là núi cao, vực sâu. Mệt mỏi, lạnh giá bủa vây nhưng các thầy cô vẫn mỉm cười. Ngày mai, sỹ số học sinh từng lớp sẽ đông đủ hơn, tiếng ê a học bài sẽ xua đi cơn lạnh đại ngàn.

MỚI - NÓNG