Lòng tốt và đám đông

Lòng tốt và đám đông
TP - Tuần qua hơi nhiều tin tức không vui về giới trẻ: Học sinh ở Hà Nội văng tục chửi bậy tràn lan. Những đứa trẻ trong bụng được phụ nữ đang mang thai chúng ở TPHCM rao bán tràn lan trên Internet.

> Nhân dân nhiều nơi làm lễ tang cho bé Duyệt Duyệt

Ở Nigeria, một nhà máy sản xuất trẻ em bị phát hiện. Và tại Trung Quốc, đứa bé hai tuổi bị xe tải cố tình cán qua hai lần, 18 người đi qua không ai cứu giúp dù đã nhìn thấy.

Trong “Những người khốn khổ” của Victor Hugo, Myriel đã cứu Jean Valjean, Jean Valjean cứu nhiều người khác. Nay, cũng như cổ tích, người nhặt rác Trần Hiền Muội đã cứu bé Duyệt Duyệt trước sự thờ ơ vô cảm của 18 người khác. Nhưng bé đã chết trong viện hôm thứ sáu vừa rồi.

Ở vụ bà Trần, rút ra tỷ lệ người tốt là 1/19. Cái gì tốt, quý thì hiếm. Nhưng đáng nói là cái tốt, cái quý trong nhiều trường hợp có nguy cơ không nhân rộng được thêm nữa.

Người nhặt rác Trần Hiền Muội bị hàng xóm trắng trợn lục vấn “bà kiếm được bao nhiêu từ vụ này?”, đến mức bà phải đau đớn bỏ về quê. Lòng tốt của người khốn khổ luôn bị nghi ngờ, thời Victor Hugo phương Tây đã vậy, và thời nay phương Đông vẫn vậy?

“Lỗi” của bà Trần Hiền Muội có lẽ là đã tốt hơn, thiện hơn, do đó nổi bật hơn so với những người giàu có hơn bà, có học hơn bà, sạch sẽ hơn bà. Cái tốt, cái thiện của con người bình dị là bà Trần vô tình xúc phạm đám đông, chia rẽ bà với đám đông, trở thành đối trọng với đám đông.

Tâm lý đám đông thì luôn có ở mọi thời đại, mọi xã hội. Nhưng về mức độ, thời nay chắc là nhất. Đám đông lại hay chạy theo cái tầm thường, thậm chí cái xấu. Trong một số trường hợp dường như cái tốt tỏ ra ít ỏi và yếm thế?

Thiên hạ cho con vào đại học ngoài công lập, mình “nghèo cũng cho Tèo đi học”. Điểm thi thấp, học phí cao. Ra trường, chẳng nơi nào nhận. Càng khổ.

Kết quả điều tra của Tổ chức Hướng tới minh bạch và một trung tâm ở VN công bố tháng 8 vừa qua cho thấy: 50% thanh niên được khảo sát cho biết sẵn sàng tham nhũng hoặc hối lộ nếu mang lại lợi ích cho bản thân. Nhiều bạn trả lời rằng, xung quanh, nhiều người giàu lên, thăng quan tiến chức bằng cách ấy.

Ở Hà Nội, 90% học sinh trong một trường trung học coi nói tục chửi bậy là không thể đặng đừng, không văng thì thấy lạc lõng. Học sinh giỏi cũng chửi bậy nhem nhẻm, để hòa nhập với cả lớp.

Không dám nghĩ rằng cái xấu cái ác đang bị nhân lên.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG