Xanh mát cánh đồng chanh leo
Trên đường trở lại Đồn Biên phòng Cửa khẩu Lóng Sập, gần trưa, ánh nắng nhạt đầu mùa như tan biến dưới sắc xanh dịu mát của những vạt đồi chanh leo. Chiếc xe máy được thả ga trôi nhẹ xuống dốc, Thượng úy Mùa Láo Xuân vui vẻ giới thiệu: “Đến đây là hết đất bản Buốc Pát. Bên này là đất của bản Phiêng Cài. Trước đây, người dân trong Phiêng Cài chỉ quen với trồng ngô, khoai, sắn nhưng chẳng được bao nhiêu tiền, cứ thu hoạch xong thì nhà cũng trống trơn. Đói nghèo là nguyên nhân lôi kéo người dân bản “dính” vào tệ nạn, tiếp tay cho tội phạm ma túy. Năm 2017, chúng tôi có chương trình hỗ trợ một số hộ trong bản chuyển đổi từ trồng ngô sang cây chanh leo. Giờ nhiều hộ đã có kinh tế khấm khá hơn nhiều rồi”.
Cán bộ, chiến sĩ biên phòng hướng dẫn bà con kỹ thuật chăm sóc thu hoạch chanh leo |
Chúng tôi dừng chân tại vườn chanh leo lúc lỉu những quả ngay trục đường chính của xã. Thấy chúng tôi anh Tráng Láo Xi (36 tuổi) ngưng cuốc đất, miệng nhoẻn cười. Anh Xi cho biết, nương của gia đình anh trồng 160 cây chanh leo, năm ngoái thu hơn 3 tấn quả, thu về hơn 40 triệu đồng. “So với trồng ngô, chanh leo mang lại kinh tế lớn. Trước nhà tôi trồng ngô vất vả quanh năm chỉ đủ ăn thôi. Ở đây đất đai cằn cỗi, trồng ngô chỉ cho năng suất thấp, thu không đủ chi. Mấy năm nay có cây chanh leo, 3 người trong gia đình hằng ngày làm cỏ, chăm bón, thu nhập ổn định. Nhờ cây chanh leo, giờ nhà tôi đã có ti vi, giường, tủ mới rồi”, anh Xi khoe.
“Tình hình ma túy ở Lóng Sập cơ bản được kiểm soát. Trong thời gian tới, bộ đội biên phòng Sơn La tiếp tục nhân rộng các mô hình gần dân, thân dân, giúp người dân phát triển kinh tế địa phương”.
Thượng tá Nguyễn Đình Huân, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Sơn La
Cách nhà anh Xi vài trăm mét, ông Tráng Láo Tú (52 tuổi) cũng đang tất bật làm cỏ, buộc giàn cho mấy trăm gốc chanh leo mới trồng. “Năm ngoái, tuy dịch bệnh nhưng nhà tôi vẫn thu 15 tấn quả, mỗi tấn trung bình từ 15-20 triệu đồng. Nếu không bị ảnh hưởng của COVID-19, nhà tôi còn lãi thêm hàng trăm triệu đấy”, người đàn ông dân tộc Thái này cho hay.
Ông Tú cho biết, năm 2017, gia đình ông được đồn biên phòng hỗ trợ trồng 600 cây chanh leo giống trên 1ha đất dốc. Năm đầu tiên, có UBND huyện Mộc Châu hỗ trợ 1,2 tấn phân bón, 6,6 tạ dây thép. “Lúc đầu các anh ấy (bộ đội biên phòng) đến giúp tôi trồng cây. Sau một thời gian, anh em thường xuyên ghé thăm, nhắc nhở chăm sóc cây đúng kỹ thuật, bón phân đúng thời điểm. Nhờ thế mà qua 4 vụ, chanh leo vẫn cho thu hoạch quả đều như vụ đầu”, ông Tú chia sẻ và cho biết thêm, gia đình vừa trồng thêm 600 gốc chanh leo mới trên khu đất này. Dự tính cuối năm nay sẽ có quả, thu hoạch ước đạt thêm 10 tấn quả.
“Nhờ có chanh leo, được tham gia những buổi tập huấn, học hỏi trao đổi kinh nghiệm mà bản thân tôi đã mạnh dạn thay đổi, bỏ bớt ngô, sắn đổi sang trồng chanh leo. Có thế, cuộc sống của 4 người trong gia đình tôi ngày một đổi thay, thu nhập ngày một ổn định, gia đình ngày càng khấm khá”, ông Tú háo hức khoe.
“Bí kíp” tránh xa ma túy
Người dân bản Phiêng Cài làm cỏ, chăm sóc vườn cây chanh leo |
Thượng tá Sa Trọng Thời, Chính trị viên Đồn Lóng Sập cho biết, qua thực tế tìm hiểu một số nơi, cộng với khí hậu ở Lóng Sập mát mẻ nên bộ đội biên phòng đã tham mưu cho UBND huyện Mộc Châu tạo điều kiện cho một số hộ gia đình triển khai mô hình trồng chanh leo. Vốn đầu tư ban đầu là 100 triệu đồng. Bộ đội biên phòng góp công góp sức, cách chăm bón, thu hoạch và tìm đầu ra, liên hệ với các nhà thu mua để bao tiêu sản phẩm. Đến nay, mô hình đã cho thấy tính hiệu quả, mỗi hộ đã có lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
“Lúc đó, đơn vị đã xây dựng đề án giúp 4 hộ nghèo, có đất rộng để trồng thử nghiệm chanh leo. Ban đầu chúng tôi tìm hiểu kỹ về loại cây này, cùng phối hợp với địa phương, doanh nghiệp đầu tư hỗ trợ vốn, chuyển giao kỹ thuật. Đặc biệt, chúng tôi tìm phương án giải quyết “bài toán” đầu ra ổn định cho bà con trước khi thực hiện trồng thí điểm. Cây chanh leo rất thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở Lóng Sập. Thời gian từ khi trồng cho đến lúc thu hoạch chỉ mất khoảng 5-6 tháng, 3 đến 4 năm sau mới phải trồng lại. Năm đầu tiên cho 30-40 tấn/ha, năm thứ hai đạt 70-80 tấn/ha/năm, người trồng chanh có thể đạt lợi nhuận từ 100 đến 200 triệu đồng/ha/năm”, Thượng tá Thời cho biết. Thượng tá Thời thông tin thêm, người dân ở đây sẽ nhìn vào đó để học nhau làm kinh tế. Có bận rộn sản xuất, thu nhập xứng đáng với công sức bỏ ra, có tiền, cuộc sống ổn định thì họ mới không nghe theo kẻ xấu xúi giục, thoát khỏi ma túy.
Không chỉ áp dụng tại chỗ, mô hình chanh leo của đồn đã được “xuất khẩu” sang nước bạn. Theo đó, sau hai năm, từ hiệu quả ở Phiêng Cài, cán bộ của đồn đã tham mưu cho UBND huyện triển khai tiếp mô hình trồng chanh leo với diện tích 1ha giúp người dân ở xã Pa Khum Nọi, huyện Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn (Lào). Hiện tại vườn chanh leo phát triển tốt và đã cho thu hoạch. “Hủa Phăn là tỉnh tiếp giáp với Mộc Châu, giúp đỡ nhân dân nước bạn phát triển kinh tế cũng là cách xây dựng mối quan hệ đoàn kết, xích lại gần nhau”, Thượng tá Thời cho hay.
Thượng tá Nguyễn Đình Huân, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Sơn La cho biết, bữa cơm ấm áp cho các em học sinh nghèo, con nuôi đồn biên phòng hay giúp dân chuyển đổi cây trồng là những mô hình hay, đạt được những kết quả được ghi nhận những năm qua. “Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói chung tiếng nói với người dân” là cách để bộ đội biên phòng gần dân, thân dân. Có giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, được nhân dân tin yêu bảo vệ thì phên dậu của Tổ quốc mới được giữ vững.
Khi tạm biệt Lóng Sập và những chiến sĩ ở đồn Biên Phòng Cửa khẩu Lóng Sập mù sương, chúng tôi mong ước ngày trở lại. Chúng tôi mong muốn được chứng kiến những đứa trẻ mẫu giáo lớn lên từng ngày khỏe mạnh, ngoan ngoãn. Và điều chúng tôi và những chiến sĩ biên phòng đều mong: Những con nuôi của đồn biên phòng sẽ được đi học xa rồi quay về vực dậy, làm chủ ở Lóng Sập.