Lỗi từ thiết kế, thi công đến vận hành đập

Lỗi từ thiết kế, thi công đến vận hành đập
TP - Đó là khẳng định của TS Bùi Trung Dung, Phó Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) tại buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Nam về việc rò rỉ nước ở đập thủy điện Sông Tranh 2.

Rò rỉ đập thủy điện Sông Tranh 2:

Lỗi từ thiết kế, thi công đến vận hành đập

>Đập thủy điện Sông Tranh có thể chịu động đất cấp 7
>Quảng Nam muốn mời tư vấn độc lập

Ngày 21-3, Đoàn công tác thuộc Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng, do TS Dung làm trưởng đoàn, đến huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) kiểm tra, khảo sát, đánh giá, tìm hiểu nguyên nhân ban đầu của việc đập chính lòng hồ Thủy điện Sông Tranh 2 xảy ra rò rỉ nước.

Cũng trong ngày, các sở ban ngành tỉnh Quảng Nam khảo sát đập thủy điện Sông Tranh 2 và có buổi làm việc với BQL Dự án Thủy điện 3. Lãnh đạo các sở và phóng viên đặt câu hỏi, liệu những vết nứt ở bờ đập có ảnh hưởng, liên đới quá trình động đất kích thích, Trưởng BQL Trần Văn Hải một lần nữa nhắc lại luận chứng có cơ sở khoa học đã được cơ quan chuyên môn kiểm chứng là công trình bờ đập đã được tính toán chịu được động đất cấp 7 (5,9 độ Richter); các đợt động đất kích thích vừa qua không đủ mạnh để gây ảnh hưởng bờ đập.

Về hướng khắc phục, theo BQL, sẽ bơm loại vữa đặc biệt có hóa chất vào khe nứt, trám chắc vết nứt, không cho nước rò rỉ ra ngoài và thu nước thấm về khe thu nước thấm ở bên trong. Việc khắc phục sẽ triển khai trong vài tháng tới mới có thể hoàn tất.

Tại hiện trường bờ đập ngày 21-3, bốn khe nứt nước vẫn chảy mạnh. Riêng tại khe nứt thứ 2 tính từ phía bờ trái, lượng nước chảy ra lớn nhất, đơn vị thi công đã trám nhét các vết nứt, thu nước về và bắc 6 ống dẫn nước nhằm phân tán dòng chảy ra nhiều hướng, tránh tình trạng nước chảy tập trung. Một số người dân địa phương tò mò rút một số ống dẫn nước phân tán, làm vòi nước phun cao hơn 2m.

Ông Hải nói: “ Đập Thủy điện Sông Tranh 2 đang có vấn đề”. Theo ông Hải, nguyên nhân vẫn là do nước rò rỉ theo các khe nhiệt, và thời gian gần đây, nước chảy ra nhiều hơn trước. Nước thấm qua các khe nhiệt số 28, 24, 21, 18, 16, 11. Theo báo cáo của lãnh đạo BQL, việc rò rỉ có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc hệ thống ống thu gom nước bị tắc.

“Chúng tôi đánh giá là hệ thống thu gom nước vào hành lang bị tắc nên nước không về hành lang mà chảy ra ngoài”, ông Hải nói. Giải pháp đưa ra theo BQL lúc này là kiểm tra toàn bộ các van chỗ khe thoát nhiệt, nếu van chắn nước nào bị tắc thì gia cố. Nếu nước vẫn còn thấm, bước tiếp theo là khoan các lỗ khoan sâu khoảng 1 m, bơm vào đó vữa cao su đặc biệt được nhập từ Hàn Quốc.

Ông Phạm Ngọc Sinh, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Nam, thắc mắc: “Thủy điện tích nước tháng 11-2011, theo thiết kế thông thường thì 2-3 tháng sau, mọi việc sẽ ổn. Nhưng tại sao hôm nay thủy điện mới bùng phát và vấn đề sâu xa hơn là gì? Động đất vừa qua có ảnh hưởng công trình này không? Giải thích thế nào cho hàng ngàn hộ dân vùng hạ lưu an tâm sinh sống?”. Ông Hải trả lời: “Tôi nói đây là vấn đề chứ không phải là sự cố. Chúng tôi cũng đã và đang làm hết sức mình”.

"Bắc Trà My là vùng nhạy cảm, vì trước đó đã xảy ra động đất khiến dân hoang mang. Đối với nhà chuyên môn, có thể bình thường, nhưng với nhân dân là cả một vấn đề lớn. Vấn đề không chỉ là an toàn đập mà an toàn vùng hạ lưu rộng lớn. Thủy điện phải nhìn nhận thấu đáo quan trọng nhất vẫn là an dân, an toàn cho nhân dân vẫn phải đặt lên hàng đầu. Nếu cần hạ mức nước thì phải làm ngay"

Ông Nguyễn Đức Hải – Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam

Chiều 21-3, Đoàn công tác Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng có buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Nam, UBND huyện Bắc Trà My, báo cáo sơ bộ về chất lượng công trình Thủy điện Sông Tranh 2 sau khi kiểm tra, khảo sát đập thủy điện Sông Tranh 2. TS Bùi Trung Dung cho biết: “Phát hiện có cả lỗi thiết kế, thi công, xây dựng và vận hành đập thủy điện Sông Tranh 2. Nguyên nhân đầu tiên là do thiết kế. Việc xì nước ra vỏ đập là do thiếu đường ống thu nước trong đường hầm rãnh phía trái hạ lưu. Trong thiết kế, xây dựng thiếu mất đường ống này nên nước bên trái đọng lại, nước chảy qua các khe co giãn. Trong quá trình khai thác, sử dụng, có nước đọng trong đường hầm nhưng không tìm cách tháo nước. Nhà thầu thiếu tích cực cùng chủ đầu tư khắc phục sự cố, chỉ sau khi có tiếng nói của báo chí và bức xúc của dư luận lên án mới cuống cuồng tìm cách xử lý”. Theo ông Dung, cách khắc phục đang đi đúng hướng.

Theo đoàn công tác, thống nhất 8 ý kiến của các chuyên gia trong đoàn: Hoàn toàn không có vết nứt ở thân đập cũng như 3 đường hầm, chỉ có 2 khe biến dạng phát hiện 2 vết nứt 2,2mm và 3mm.

“Lưu lượng nước rò rỉ qua khe co giãn 30 lít/s là lưu lượng khá lớn. Theo tiêu chuẩn ở Việt Nam, lượng nước này không rõ ràng lắm, chúng tôi đánh giá lượng nước này là lớn. Cần kiểm tra vỏ bề ngoài thân đập xem các khả năng nước thấm. Mạng chống thấm của đập nhiều khả năng không tốt”, ông Dung nói.

Theo đoàn công tác, độ an toàn đập thủy điện Sông Tranh 2 vẫn đảm bảo.

Kỹ sư Nguyễn Minh Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Quảng Nam, nói: “Hiện nay lượng nước rò rỉ qua mắt thường có giảm. Tuy nhiên, lượng nước tích ứ trong thân đập cụ thể thế nào? Giải thích của BQL và đoàn vẫn chưa thỏa đáng”. Theo ông Tuấn, tháng 11-2011 có động đất, vài tháng sau có rò rỉ nước ở thân đập; giữa 2 hiện tượng này có liên quan nhau hay không? Có chính xác là tắc nước hay không? “Cần có quan trắc khảo sát bên trong thân đập có đứt gãy vì động đất hay không. Cần khẳng định không có đứt gãy thì mới an tâm được”, ông Tuấn nói.

Theo ông Đặng Phong, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, cách khắc phục hiện nay chỉ mang tính chắp vá, và mối quan tâm lớn nhất của địa phương vẫn là kết cấu bên trong thân đập liệu có ảnh hưởng từ động đất. “Phải đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân vùng hạ lưu. Cần thiết, tôi đề nghị ngừng vận hành, xả nước để kiểm tra tổng thể, xử lý dứt điểm, tạo niềm tin trong nhân dân để ổn định sản xuất”, ông Phong nói.

Nước chảy thành dòng dưới chân đập
Nước chảy thành dòng dưới chân đập.

Đoàn công tác cho biết đã yêu cầu nhà thầu ngay trong ngày và đêm 21-3 khẩn trương tìm cách giảm mức nước rãnh bên trái trong thân đập xuống mức bằng 0, đào lắp ống thu nước thiếu trong thiết kế để hạn chế lượng nước rò r ra ngoài. Khuyến cáo không bơm hóa chất vào thân đập như cách xử lý hiện nay. Tuy nhiên, thời gian khắc phục xong sự cố trong bao lâu vẫn chưa rõ.

Theo TS Dung, Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN đã cho phép nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 chạy hết công suất để giảm nhanh lượng nước ở lòng hồ để sớm kiểm tra, khắc phục sự cố.

Khẩn trương kiểm tra, khắc phục

Hà Nội (TP) - Ngày 21- 3, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Hội đồng Nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng khẩn trương kiểm tra, có giải pháp khắc phục việc thấm nước qua đập thủy điện Sông Tranh 2, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

l Ngày 21-3, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát có chỉ thị, yêu cầu các địa phương, triển khai biện pháp đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, phòng chống úng ngập trong mùa mưa bão 2012. Ông Phát yêu cầu kiểm tra hiện trạng, đánh giá mức độ an toàn các công trình thủy lợi, đặc biệt là hồ chứa, sớm phát hiện sự cố, xử lý kịp thời; rà soát quy trình vận hành hệ thống thủy lợi, liên hồ chứa… Các công trình đang sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới, phải bảo đảm cao trình chống lũ trước ngày 15-5 với các tỉnh Bắc bộ, Bắc Trung bộ, Đông Nam bộ và Tây Nguyên; trước ngày 30-8 với các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, và Tây Nam bộ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG