Lời từ biệt đẫm nước mắt của vợ người chồng là quân nhân hiến tạng

Chị Tạ Thị Kiều- người ngồi ở hàng hàng 2 thứ 2 từ phải sang, vợ của quân nhân thiếu tá Lê Hải Ninh cùng với người thân trong gia đình tại lễ tôn vinh.
Chị Tạ Thị Kiều- người ngồi ở hàng hàng 2 thứ 2 từ phải sang, vợ của quân nhân thiếu tá Lê Hải Ninh cùng với người thân trong gia đình tại lễ tôn vinh.
“Em không biết việc làm của em là đúng hay sai, em cũng không biết anh có giận em hay không nhưng em muốn anh cứu được nhiều người khác. Anh không thể ở lại, anh ra đi nhưng em muốn trái tim anh vẫn đập, phổi anh vẫn thở và đôi mắt của anh vẫn sáng ngời theo dõi thấy được mẹ con em sống như thế nào…”, những lời từ biệt đẫm nước mắt của chị Tạ Thị Kiều, vợ của cố quân nhân Lê Hải Ninh.

Chiều 28/3, Bệnh viện Trung ương Quân đôi 108 đã tổ chức sơ kết đánh giá thành công ca ghép phổi từ người cho chết não đầu tiên ở Việt Nam, với sự tham gia của lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ. Tại buổi sơ kết, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 để tổ chức Lễ tôn vinh bệnh nhân và gia đình bệnh nhân hiến tạng đồng chí thiếu tá Lê Hải Ninh.

Sau một phút mặc niệm tưởng nhớ thiếu tá Lê Hai Ninh, Trung tướng GS.TS Mai Hồng Bàng – Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 xúc động chia sẻ: những ngày qua câu chuyện cô bé Nguyễn Hải An, 7 tuổi, mạnh mẽ và tràn đầy nghị lực đã qua đời vì căn bệnh u não, bé và gia đình đã quyết định hiến tặng giác mạc để giúp đỡ những người có bệnh lý về mắt đã tạo ra sức lan tỏa, xúc động mạnh mẽ trong cộng đồng người Việt về một nghĩa cử cao đẹp, tuyệt vời. Ngay tiếp sau đó, gia đình thiếu tá Lê Hải Ninh, 45 tuổi, được bệnh viện tuyến trước chuyển tới Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 ngày 23/2/2018, với chẩn đoán: Trạng thái hồi sinh tim phổi do đột quỵ não xuất huyết dưới nhện lan tỏa, phù não nặng. Bệnh nhân tiếp tục được hồi sức và điều trị tích cực nhưng tình trạng bệnh ngày càng quá nặng, Hội đồng chuyên môn đã hội chẩn và đã kết luận bệnh nhân chết não (theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế).

Khi biết chồng mình không thể qua khỏi, với suy nghĩ anh ra đi thanh thản nhưng lại muốn anh góp phần cứu sống được nhiều người bệnh. Vợ anh, chị Tạ Thị Kiều, người đã luôn túc trực bên anh trong suốt những ngày bị bệnh đã thống nhất với gia đình tình nguyện hiến tạng của anh để cứu người chữa bệnh.

“Những giờ phút cuối cùng, trước khi tiễn biệt anh để các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đưa anh vào phòng phẫu thuật, chúng tôi còn nhớ chị đã chạm tay khẽ vào chồng mình và khẽ nói: Em không biết việc làm của em là đúng hay sai, em cũng không biết anh có giận em hay không nhưng em muốn anh cứu được nhiều người khác. Anh không thể ở lại, anh ra đi nhưng em muốn trái tim anh vẫn đập, phổi anh vẫn thở và đôi mắt của anh vẫn sáng ngời theo dõi thấy được mẹ con em sống như thế nào. Dường như anh cũng hiểu được những suy nghĩ và tình yêu thương vô bờ bến của chị đã dành cho anh nên đã đồng ý với quyết định đầy nhân đạo và cao cả của chị và những người thân trong gia đình” – GS.TS Mai Hồng Bàng bồi hồi nhớ lại.

“Nhờ quyết định đó mà giờ đây trái tim của anh đang đập trong lồng ngực của anh Nguyễn Quốc Hùng, 30 tuổi; hai lá phổi của anh đang thở trong lồng ngực của anh Trần Ngọc Hanh; hai quả thận của anh đang sống trong cơ thể của hai người khác nhau ở hai đầu Nam – Bắc; Hai giác mạc của anh đang ở trong hai đôi mắt của hai người khác và vẫn dõi theo cuộc sống của vợ con anh, gia đình anh. Hiện tại cả 6 người được anh cho tạng đều đang ổn định dần hồi phục sức khỏe, họ được cứu sống một cách kì diệu”

GS.TS Mai Hồng Bàng bồi hồi chia sẻ: “Hai câu chuyện của hai con người có hoàn cảnh hoàn toàn khác nhau nhưng đều chung một suy nghĩ với tấm lòng nhân ái với nhân loại đã khiến hàng triệu triệu trái tim phải lay động, một món quà tuyệt diệu, trong veo giữa cuộc đời với nhiều ước nguyện gửi gắm”.

Cũng theo GS.TS Mai Hồng Bàng, một ca hiến tạng thành công không chỉ là vấn đề kỹ thuật mà còn phải có yếu tố đầy đủ sự đồng thuận của tất cả các thành viên trong gia đình. Qua đây chúng ta mới hiểu được sự hi sinh cao đẹp của người thân trong gia đình thiếu tá Lê Hải Ninh.

“Từ hành động cao đẹp của thiếu tá Lê Hải Ninh và gia đình sẽ là tấm gương sáng ngời về sự hi sinh cao cả, sẽ là động lực làm lan tỏa tới hàng triệu triệu trái tim, lan tỏa khắp cộng đồng về tình yêu thương, trách nhiệm của mỗi người dân nói chung, mỗi quân nhân nói riêng, đối với gia đình, đồng chí, đồng đội và toàn xã hội” – GS.TS Mai Hồng Bàng nói.

Có mặt tại buổi lễ tôn vinh, bác Lê Tự - bố đẻ của thiếu tá Lê Hải Ninh tâm sự: Con chúng tôi mất đi là một sự tổn thất lớn của gia đình và không có gì bù đắp được. Dẫu có biết rằng, điều gì xảy ra sẽ xảy ra và cái gì mất đi thì không thể lấy lại được, tuy nhiên trong sâu thẳm tâm tưởng của gia đình chúng tôi vẫn còn day dứt với những nổi buồn khó tả. Mặc dù vậy được sự thông tin trực tiếp của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 về việc các ca ghép tạng lấy từ sự hiến tạng của con chúng tôi đã thành công, điều đó là nguồn an ủi, động viên, xen lẫn sự tự hào của gia đình, họ tộc chúng tôi.

“Qua buổi lễ tôn vinh này tôi cũng mong muốn phong trào hiến tạng sẽ trở thành một phong trào lan tỏa rộng rãi trong toàn xã hội chúng ta để giúp cho những người đang cần tạng ghép mà chưa có nguồn hiến có cơ hội được tiếp tục để sống” – bác Lê Tự nói.

Trước nghĩa cử cao đẹp của thiếu tá Lê Hải Ninh và gia đình, Bộ Y tế đã quyết định trao kỷ niệm chương vì sự nghiệp hiến mô, bộ phận cơ thể người cho thiếu tá Lê Hải Ninh.

Lời từ biệt đẫm nước mắt của vợ người chồng là quân nhân hiến tạng ảnh 1 GS.TS Mai Hồng Bàng trao thẻ bảo hiểm cho tứ thân phụ mẫu của thiếu tá Lê Hải Ninh, vợ anh, chị Tạ Thị Kiểu cùng hai con. Bên cạnh đó, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cũng trao bảng cam kết sẽ tuyển dụng con của thiếu tá Lê Hải Ninh nếu cháu đi theo học nghề y và có nguyện vọng.

Bệnh viện 108 cũng quyết định gửi tặng thẻ bảo hiểm y tế khám chữa bệnh ban đầu ngay tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho toàn thể tứ thân, phụ mẫu của thiếu tá Lê Hải Ninh, vợ anh là chị Tạ Thị Kiều cùng hai con; Trao bảng cam kết sẽ tuyển dụng con của thiếu tá Lê Hải Ninh vào làm việc tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 nếu sau này cháu đi theo con đường ngành y để tiếp tục sự nghiệp chữa bệnh, cứu người và mong muốn được làm việc tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

“Dẫu biết rằng tất cả việc làm của chúng tôi là quá nhỏ bé trước nghĩa cử cao cả của thiếu tá Lê Hải Ninh và gia đình nhưng đó là tình cảm và trách nhiệm của chúng tôi đối với đồng chí và gia đình” –Trung tướng, GS.TS Mai Hồng Bàng bày tỏ.

Theo Theo Dân trí
MỚI - NÓNG