Lời tiễn biệt họa sĩ Nguyễn Thụ

TPO - Đông đảo bạn bè, đồng nghiệp, học trò của NGND, họa sĩ Nguyễn Thụ có mặt tại Nhà tang lễ Quốc gia (5 Trần Thánh Tông, Hà Nội) để tiễn đưa, nói lời từ biệt họa sĩ một đời tâm huyết với tranh lụa.

Họa sĩ Nguyễn Thụ - đại thụ tranh lụa - trút hơi thở cuối cùng lúc 21h14 ngày 24/6. Ông hưởng thọ 94 tuổi. Lễ tang của ông được tổ chức sáng 29/6 tại Nhà tang lễ Quốc gia (5 Trần Thánh Tông, Hà Nội).

Họa sĩ Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam thay mặt Hội Mỹ thuật Việt Nam tới viếng họa sĩ Nguyễn Thụ. Ông có mặt từ sớm để nói lời tiễn biệt người thầy đáng kính trong giới mỹ thuật Việt Nam, người tạo nên phong cách vẽ tranh lụa rất riêng biệt.

Lời tiễn biệt họa sĩ Nguyễn Thụ ảnh 1

Họa sĩ Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh tiễn đưa NGND Nguyễn Thụ.

"Ông xử lý kỹ thuật rất cao tay, sử dụng lụa Việt Nam, với kỹ thuật màu nước, tạo nên những tác phẩm tinh tế, mịn màng, óng ả, lên được từng thớ lụa, sợi lụa. Ông có phương pháp giảng dạy rất hay, không bao giờ áp đặt ý kiến chủ quan, luôn gần gũi, tâm tình, gợi mở để sinh viên khai thác, phát huy được tới tận cùng cái tôi sáng tạo nghệ thuật", họa sĩ Vi Kiến Thành chia sẻ.

Họa sĩ Hồ Trọng Minh cũng có mặt để nói lời tiễn biệt người thầy yêu quý. Anh theo học họa sĩ Nguyễn Thụ từ những năm 1990 khi anh mới bước chân vào đại học và sau đó học cao học năm 2009. Họa sĩ Hồ Trọng Minh không thể quên hình ảnh người thầy với mái tóc bạc dưới ánh nắng thu xuyên qua tán cây roi ở sân trường Yết Kiêu (Đại học Mỹ thuật Việt Nam - PV) tận tuỵ chỉ dạy, hướng dẫn sinh viên.

Lời tiễn biệt họa sĩ Nguyễn Thụ ảnh 2

Lễ tang họa sĩ Nguyễn Thụ được tổ chức sáng ngày 29/6 tại Nhà tang lễ Quốc gia (5 Trần Thánh Tông, Hà Nội).

"Thầy nói nhỏ nhẹ, chậm rãi nhưng rất rõ ràng. Từng lời góp ý đều mang tính gợi mở và tạo cảm xúc cho sinh viên. Chúng tôi học ở thầy nhiều điều từ nghề nghiệp tới cách sống", họa sĩ Hồ Trọng Minh cho biết.

Họa sĩ Nguyễn Thụ sinh ngày 12/12/1930 tại xã Đắc Sở (huyện Hoài Đức, Hà Nội) trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Trong kháng chiến chống Pháp, ông tham gia vẽ tuyên truyền. Họa sĩ Nguyễn Thụ là một trong 15 học viên khóa I (1957 - 1962) của trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (sau này là trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội và nay là trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam).

Sau khi tốt nghiệp, ông ở lại và giảng dạy tại trường. Ông giữ chức Hiệu trưởng Đại học Mỹ thuật Hà Nội từ năm 1985 đến năm 1991. Ông đã được phong học hàm Phó Giáo sư, danh hiệu Nhà giáo nhân dân.

Sự ra đi của ông để lại nhiều tiếc nuối cho giới họa sĩ. Nói đến họa sĩ Nguyễn Thụ phải nhắc đến tranh lụa của ông với nhiều tác phẩm giá trị. Tuy nhiên tác phẩm để đời của ông lại là bức tranh cổ động Bác vẫn đang cùng chúng cháu hành quân được thực hiện cùng họa sĩ Trần Huy Oánh vào năm 1970.

Lời tiễn biệt họa sĩ Nguyễn Thụ ảnh 3

Bức tranh cổ động Bác vẫn đang cùng chúng cháu hành quân nổi tiếng của họa sĩ Nguyễn Thụ thực hiện cùng họa sĩ Trần Huy Oánh vào năm 1970.

Trong điếu văn, TS. Đặng Thị Phong Lan - Phó hiệu trưởng phụ trách Đại học Mỹ thuật Việt Nam cho rằng họa sĩ Nguyễn Thụ là người nhiệt huyết trong công tác, là người thầy bình dị, gần gũi mà chân tình. Song ông cũng là người luôn trao đi những kiến thức, những điều hay trong học thuật và cuộc sống cho thế hệ học trò và những người muốn học hỏi ở ông. Vì lẽ đó mà ông được học trò và nhiều đồng nghiệp nể phục và trân quý

"Những gì ông sống và làm việc cũng xứng đáng để ông bình thản, yên nghỉ thảnh thơi ra đi vào cõi hư vô của thế giới vĩnh hằng và tin rằng hình ảnh của ông luôn trong tâm khảm của mọi người", TS. Đặng Thị Phong Lan gửi những lời cuối cùng đến họa sĩ Nguyễn Thụ.

Họa sĩ Nguyễn Thụ giành được nhiều giải thưởng lớn của nhà nước, ngành mỹ thuật như Huân chương Lao động hạng Nhì, Huân chương Chiến thắng hạng Ba, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật (2001), Giải thưởng trong Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc: Giải Nhất (1980), Giải Nhì (1990, 1976), Giải Ba (1960). Ông cũng đạt nhiều giải thưởng nước ngoài và tham gia triển lãm, giảng dạy tại nhiều nước như Bulgaria, Nga, Đức, Pháp, Thái Lan… Tác phẩm của ông được lưu giữ trong nhiều bảo tàng quốc gia, bộ sưu tập cá nhân trong và ngoài nước.

Tin liên quan