Thi trượt Đại học lần 2, tôi không theo mấy đứa bạn cùng cảnh ra thành phố kiếm sống, mà quyết định quay về làng lao động cùng bố, mẹ để nhường những đồng tiền một nắng, hai sương của bố, mẹ cho cậu em trai ham học đang bước vào cấp III trường huyện.
19 tuổi toàn học là học, có nghỉ hè thì cũng chỉ quanh quẩn làm việc vặt trong nhà giúp bố, mẹ nên khi tôi quần xắn cao quá gối lội ruộng với đôi chân trần trắng nuột, đã nhận được nhiều ánh mắt tò mò của người làng và những lời bình phẩm không mấy thiện chí.
Nghỉ trưa mẹ tôi nhỏ nhẹ bảo tôi "thôi, tìm cách ra phố làm việc chứ cái ngữ ẻo lả như cô bới đất, lật cỏ ở làng chẳng kiếm được cái ăn đâu"!. Tự ái, tôi quyết bám trụ ruộng đồng, vừa theo mẹ đi làm hàng ngày, vừa tìm hiểu, học hỏi thêm ở sách vở, bạn bè cuối cùng sau 3 năm, khi em trai tôi đỗ vào Đại học cũng là lúc nhiều nhà trong làng có con gái lớn đã lấy tôi làm tấm gương để răn bảo con họ noi theo.
Rồi cũng chính những ngày đổ mồ hôi hột cùng bố, mẹ làm ra củ khoai, hạt thóc tôi đã có tình yêu của tôi. Đó là Lượng, một công nhân sửa chữa bảo dưỡng máy nông cụ hơn tôi 3 tuổi. Lượng ở cùng bố, mẹ làng anh cách làng tôi thật xa, vì tôi cuối huyện còn anh đầu huyện. Lượng dáng người vạm vỡ, khỏe mạnh, vào việc anh nhanh nhẹn, quyết đoán, nhận sửa máy nào làm bằng xong, mặc nắng, mặc mưa. Thế nhưng khi hoàn thành công việc anh là người hiền lành, thân thiện thật dễ gần, khiến ngay lần gặp đầu tiên tôi đã có cảm tình với anh.
Gái quê 22 tuổi mới yêu là muộn, nên khi Lượng giục bố, mẹ mang trầu cau sang dạm ngỏ, hai bên gia đình đã nhanh chóng thống nhất ngày cho chúng tôi thành vợ, thành chồng. Không biết Lượng có ý định ra riêng lâu chưa, nhưng tôi làm dâu nhà anh được 4 tháng thì Lượng xin phép bố, mẹ cho anh và tôi được mua nhà ở xóm bên, đúng lúc vợ chồng anh trai của anh đón bé thứ 2 ra đời.
Nghĩ hợp lí vì nhà bố mẹ Lượng không rộng lắm, lại một lúc thêm hai gia đình của anh ra đụng, vào chạm cũng bất tiện, vả lại Lượng đi nhiều quen nhiều nên chớp được thông tin hai vợ chồng già xóm bên muốn bán nhà để theo con vào Nam sinh sống, nên có giá vừa hợp với số tiền mừng cưới, tiền tích cóp bấy nhiêu nay của vợ chồng tôi.
Về nhà mới chưa kịp dọn dẹp, trang trí theo ý thích thì tôi đã ốm nghén vì có thai. Tôi sợ mùi cơm sôi, mùi thức ăn phải nêm mắm đến nôn mật xanh, mật vàng. Cũng may hàng xóm mới của vợ chồng tôi là hai bác đã lớn tuổi có tới năm người con nhưng bốn người làm việc, xây dựng gia đình trên phố còn mỗi cô út 19 tuổi tên Lệ ở nhà làm nông, lúc rỗi rãi lại chạy sang giúp tôi cơm nước.
Lệ lởi xởi, bộc trực, chẳng cần giữ ý có hay không có chồng tôi ở nhà, em cũng cứ xuýt xoa khen tôi tốt số, sinh gái lấy được chồng vừa khỏe mạnh vừa đẹp trai, lại có công việc nhàn nhã mà lắm tiền. Thỉnh thoảng thấy Lượng cũng xuống bếp làm cơm cùng Lệ rồi rủ rỉ chuyện trò, cười nói thân tình. Tôi không lấy làm khó chịu mà còn vui vì có cô hàng xóm tốt bụng như em gái mình vậy.
Tháng cuối thai kỳ tôi không được khỏe, Lượng bảo tôi nghỉ việc đồng ở nhà nhưng tham công, tiếc việc tôi cứ ra ruộng. Lượng giận lắm anh sắp xếp đồ đạc, quyết đèo tôi về bố, mẹ để tôi nghỉ ngơi chờ sinh. Ngồi không, ngứa ngáy tay chân tôi lại lần ra ruộng, Lượng bực mình không thèm sang thăm tôi nữa...
Đến khi tôi sinh con gái được nửa tháng anh mới ghé, nhưng ở không đầy ngày anh đã lẳng lặng ra về, gặp mẹ tôi ở cổng anh lí nhí chào rồi nói bận đi sửa máy cho khách nên nhờ mẹ chăm sóc cho tôi và con.
Lo cho chồng ở nhà, con gái chưa đầy tháng tôi đã gửi bà ngoại để ghé xem chồng ăn uống, ngủ nghỉ ra sao. Trưa nắng nóng mà rèm buông kín hai cửa sổ, lại khóa trong. Tôi đập cửa mãi mới thấy chồng mặt mày tái dại, quần đùi, áo cộc ra mở, sau lưng chồng là Lệ tóc tai rối bù, áo chưa cài hết khuy. Chồng ấp úng bảo tại Lệ thương anh vì giận vợ mà chịu cảnh cô đơn nên sang ... an ủi.