Lỗi phân làn, giao thông ùn ứ

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
TP - Sáng 19/1, giao thông tại ngã tư Thủ Đức (xa lộ Hà Nội, TPHCM) bị tê liệt vì đèn tín hiệu mất điện. Ba ngày trước cũng trên xa lộ này đã xảy ra vụ kẹt xe kinh hoàng kéo dài hơn 6 giờ do xe tải bốc dỡ hàng hóa gây cản trở lưu thông.

Hai lần phân luồng vẫn tắc

Cuối năm 2014, TPHCM triển khai thi công nhà ga Rạch Chiếc (quận 2) thuộc gói thầu số 2, dự án tuyến đường sắt đô thị số 1. Để tránh khu vực công trường, Sở GTVT tổ chức lại giao thông, thay vì di chuyển trên xa lộ Hà Nội, luồng xe hai bánh từ ngoại ô vào trung tâm TPHCM được bố trí lưu thông vào các tuyến đường nội bộ khu đô thị phía sau cao ốc Vista rồi lại ra xa lộ. Đường nội bộ hẹp hơn, qua nhiều khúc quanh nên xảy ra ùn tắc nghiêm trọng. TPHCM buộc phải khôi phục lại giao thông như trước chỉ sau 3 ngày thực hiện.

Sở GTVT thay đổi phương án phân luồng giao thông. Đoạn từ cao ốc Vista đến đường dẫn từ cầu vượt Cát Lái xuống xa lộ Hà Nội được lắp thêm dải phân cách để bố trí xe hai bánh lưu thông trên một làn đường ô tô. Tại vị trí đường dẫn lên cầu vượt được lắp đèn tín hiệu, điều khiển giao thông cho luồng xe hai bánh và ô tô rẽ lên cầu vượt. Riêng ô tô đi vào trung tâm được phép đi thẳng khi đèn đỏ.

Theo một chuyên gia thuộc Hội Cầu - Đường - Cảng TPHCM, phương án đang thực hiện có nhiều bất cập. Cụ thể: Cầu vượt Cát Lái có nhiều khúc cong rất nguy hiểm, đường dẫn dốc cao, trong khi ô tô lên cầu chủ yếu là xe container rẽ sang đường Mai Chí Thọ để vào cảng Cát Lái nên bò như rùa.

Khi đèn tín hiệu cho phép xe máy lưu thông thì xe tải nặng, xe container vẫn nối đuôi từ cầu vượt xuống xa lộ, chặn đứng hướng di chuyển của làn xe hai bánh, gây ùn ứ nghiêm trọng.

Đường dành cho xe 2 bánh quá hẹp

Theo một số chuyên gia đô thị, nguyên nhân kẹt xe trên các cung đường huyết mạch, đặc biệt là các cửa ngõ ra vào thành phố còn do công tác phân làn xe chưa hợp lý. Hai tuyến đường Trường Chinh – Cộng Hòa, Trường Chinh - Âu Cơ hầu như ngày nào cũng kẹt xe vào giờ cao điểm bởi lượng xe hai bánh trên đường Trường Chinh quá đông nhưng làn đường dành cho xe hai bánh quá hẹp.

Trong khi đó, làn đường dành cho ô tô thì quá rộng, mỗi ngày vào giờ cao điểm chỉ lác đác vài chiếc ô tô, còn xe máy thì chật kín đường, kẹt xe kéo dài hàng cây số. Làn đường dành cho xe máy còn bị hàng rong lấn chiếm phần đường đã hẹp lại càng hẹp hơn.

Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, trên xa lộ Hà Nội nối TPHCM với các tỉnh Đông Nam bộ hằng ngày có hàng nghìn lượt xe tải, xe container nối đuôi nhau chạy vào các bến cảng, bến phà khiến nhiều nút giao thông luôn trong tình trạng căng thẳng.

Tại ngã tư MK, ngã tư Bình Thái, lượng xe container từ xa lộ tấp vào cảng container Trường Thọ bốc dỡ hàng nối đuôi nhau. Xe bên trong chưa kịp chạy thì nhiều xe khác từ ngoài đường bẻ cua vào cảng không có đường đi nên mắc kẹt ngay ngã rẽ giữa xa lộ và đường vào cảng.

Mỗi lần như thế, hàng trăm người đi xe máy phải luồn qua đầu xe container, chạy lấn sang làn đường dành cho ô tô cực kỳ nguy hiểm.

Theo một số cảnh sát giao thông đứng chốt, tại khu vực trung tâm TPHCM, tình trạng ùn tắc thường xuyên xảy ra trên trục đường Đồng Khởi, Lê Thánh Tôn, Lê Lợi, Pasteurs kể từ khi thi công nhà ga trước nhà hát Thành phố (dự án tuyến metro số 1). 

Hữu Huy

MỚI - NÓNG