> Quyết định tái cơ cấu nền kinh tế
Sau đó, chuyện vỡ nợ của Tập đoàn Vinashin vỡ lở, thành chủ đề để Chính phủ đặt ra yêu cầu phải tái cấu trúc, trước tiên là hệ thống doanh nghiệp Nhà nước (DNNN). Tuy nhiên, đến nay, vấn đề tái cấu trúc DNNN gần như vẫn dẫm chân tại chỗ.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tại Hội nghị T.Ư 3 vừa qua, đã có những chỉ đạo rất cụ thể, khi đặt ra 3 nội dung phải tái cấu trúc: Đầu tư công, thị trường tài chính tiền tệ và DNNN. Không chỉ có vậy, T.Ư còn đưa ra những cảnh báo trước, để thực hiện thành công ba nội dung trên, cần phải ngăn chặn được lợi ích nhóm, cục bộ và tư duy nhiệm kỳ.
Những nội dung trên, sau khi được loan báo ra công chúng, ngay cả các chuyên gia được coi là khó tính, cũng bày tỏ sự đồng tình và nhất trí cao.
Như vậy, chủ trương cũng như nội dung cần thực hiện đã có. Vấn đề còn lại là triển khai thực hiện thế nào mà thôi, nhưng đây chính lại là vấn đề khó nhất, nhất là trong hoàn cảnh ở Việt Nam.
Trả lời báo Tuổi trẻ, cựu Bộ trưởng KH&ĐT Trần Xuân Giá, nói: “Kinh nghiệm điều hành của tôi khẳng định, nếu không chống được ba điều trên (lợi ích nhóm, cục bộ và tư duy nhiệm kỳ) thì tái cấu trúc không thể thành công”.
Vì sao lại như vậy? Chỉ soi vào lĩnh vực đầu tư công lâu nay ở Việt Nam thấy những biểu hiện trên khá rõ nét. Do Việt Nam chưa có luật đầu tư công, nên lâu nay, căn bệnh xin-cho đã bám rễ, ăn sâu trong lĩnh vực đầu tư công. Trên thực tế, tồn tại không ít doanh nghiệp có quan hệ rộng, chuyên đi xin dự án đầu tư vốn ngân sách, về hoặc làm chủ thầu công trình hoặc bán lại cho doanh nghiệp khác thực hiện.
Chính quyền địa phương gần như chỉ phải làm mỗi việc ký hồ sơ, còn chuyện gõ cửa nào để dự án được duyệt, doanh nghiệp bao luôn. Lợi ích nhóm, trong lĩnh vực này, chính là những người có thẩm quyền ký duyệt. Nên có không ít dự án, khi cơ quan thanh tra vào cuộc, phát hiện tỷ lệ thất thoát tới 30%...
Cũng chính từ lợi ích nhóm, cơ chế xin-cho, nên việc đầu tư công lâu nay thể hiện rõ tính cục bộ địa phương, mạnh ai nấy làm. Bởi thế, dọc các tỉnh ven biển, tỉnh nào cũng xin đầu tư cảng biển, còn tỉnh biên giới thì xin làm khu kinh tế... Muốn bịt lỗ hổng này, cần có Luật Đầu tư công.
Không biết rồi đây, từ nghị quyết của Đảng, đến khi nó vào cuộc sống mất bao lâu. Nhanh hay chậm, còn do nhiều yếu tố, trong đó phụ thuộc vào ý chí của những nhà lãnh đạo. Nhưng nó cũng không thể chậm hơn được nữa, vì cả ba lĩnh vực mà Đảng đặt ra cần phải tái cơ cấu, đều đã tích tụ những trọng bệnh từ nhiều năm trước.