Ngày 10/10/2010, ông Lý Quang Diệu đã làm rung động bao trái tim khi đọc điếu văn tiễn đưa bà Kha Ngọc Chi, đệ nhất phu nhân tài năng một thời của Singapore qua đời hôm 2/10 trước đó.
Trong những ngày này, khi ông Lý đang nằm viện, phải thở bằng máy vì bệnh viêm phổi cấp, câu chuyện dài về sự nghiệp và tình yêu của ông dành cho người vợ quá cố càng thu hút sự quan tâm. Trang Asia One cũng là cho đăng tải lại bài điếu văn “Lời chào cuối cùng gửi vợ tôi” hôm 25/2, như một sự hồi tưởng dành cho tình yêu đẹp của vị Thủ tướng đầu tiên trong lịch sử Singapore.
Chinh chiến và yêu đương
Ông Lý Quang Diệu và bà Kha Ngọc Chi gặp nhau, yêu nhau và cùng trở thành những nhân vật được người Singapore quý mến, nhưng đó không phải một dạng “thanh mai trúc mã” như nhiều người vẫn nghĩ về việc một cặp đôi gặp nhau trong lúc du học và kết hôn. Câu chuyện của họ là hình mẫu cho sự hy sinh cao cả trong tình yêu.
Ông Lý là người đã chiến đấu hết mình, theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng để chinh phục bà Kha. Tất cả khởi đầu từ khi họ gặp nhau tại Học viện Raffles.
Ông Lý Quang Diệu và bà Kha Ngọc Chi thời trẻ. Ảnh chụp màn hình Asia One.
Trang web lưu trữ quốc gia của Singapore vẫn còn giữ các đoạn phỏng vấn xung quanh bà Kha Ngọc Chi, vốn dự kiến sẽ công bố vào ngày 3/10/2015. Trong đó cho biết, ông Lý đã từng rất muốn “đánh bại” bà Kha trước khi họ nảy sinh tình cảm.
Maurice Baker, Cao ủy của Singapore ở Ấn Độ và Malaysia, nhớ lại ấn tượng của ông về bà Kha khi cả hai nghiên cứu tại Học viện Raffles: “Cô ấy rất, rất tươi sáng. Cô đến Raffles với thành tích học tập tuyệt vời. Tôi nhớ anh ấy (Lý Quang Diệu) đã rất quyết tâm đánh bại cô Kha trong các kỳ thi. Nhưng khi bảng điểm đưa ra, cô ấy luôn đứng đầu”.
“Anh Lý lúc ấy thực sự tức giận. Không phải quá trớ trêu rằng sau đó, anh đã yêu cô ấy và sau chiến tranh, anh tán tỉnh và cuối cùng kết hôn với cô ấy sao? Đó là quyết định khôn ngoan. Nếu bạn không thể đánh bại một người phụ nữ, tốt hơn hết là cưới cô ta”, ông Baker nói thêm.
Sau “chinh chiến” là yêu đương, sau yêu đương lại phải "chinh chiến". Ông Lý trong bài điếu văn kể lại những ngày đầu yêu nhau ông đã gánh chịu áp lực cực lớn từ gia đình bà Kha.
“Là một chàng trai trẻ và không được học hành trọn vẹn tại Raffles, không có việc làm ổn định hay nghề nghiệp gì cả, cha mẹ cô ấy nghĩ tôi không phải mẫu con rể họ mong đợi. Nhưng cô ấy đã tin tưởng tôi”, ông Lý Quang Diệu nói.
Sau khi hẹn thề cùng nhau năm 1946, ông Lý rời Raffles để sang London học luật. Thời điểm ấy học bổng Raffles chỉ được Nữ hoàng trao một suất duy nhất cho Singapore, và ông Lý chấp nhận ra đi, hẹn bà Kha sau khi giành được phần thưởng sẽ tái ngộ.
Mọi thứ êm xuôi khi bà Kha hoàn thành nhiệm vụ. Bất chấp sự phản đối của gia đình, họ tự kết hôn với nhau năm 1947, trước lúc làm lễ chính thức vào 1950 để làm hài lòng cha mẹ.
Ông Lý và bà Kha đã có quãng đời rất đẹp bên nhau. Ảnh: AFP.
Lời chào cuối cùng
Trong “Lời chào cuối cùng gửi vợ tôi”, ông Lý nói rằng đáng ra ông đã là “người khác” nếu không có bà Kha, BBC trích dẫn.
Từ những ngày trên giảng đường đến lúc lập nghiệp, bà Kha đã là mục tiêu để ông Lý phấn đấu và là “trợ thủ” số 1 cho ông. “Chúng tôi biết rằng chúng tôi không thể lúc nào cũng nhìn nhau trìu mến như ánh mắt của hai người yêu nhau trong suốt cuộc đời. Chúng tôi hiểu rằng cuộc sống là một thách thức đang diễn ra với những vấn đề mới để giải quyết và quản lý”, ông Lý nói.
Bà Kha, với nghề luật sư, đã là “trụ cột gia đình” theo cách nói của ông Lý, vì chính bà đã đứng ra kiếm tiền nuôi con để chồng thoải mái tập trung cho sự nghiệp chính trị. Sau này, chính bà cũng là người soạn thảo văn bản pháp lý khi ông Lý lên làm thủ tướng, và là người được ca tụng về “những đóng góp to lớn trong 50 năm từ ngày Singapore độc lập”, theo BBC.
Nói cách khác, họ đã gần như sống cả đời vì nhau, cùng hy sinh cho nhau, cùng vun đắp tương lai cho gia đình và đất nước Singapore. Ông Lý từng nói vào năm 2010 rằng ông “không thể ngã quỵ” dù rất đau buồn sau khi bà Kha mất, vì phải trân quý những gì bà đã làm.
Ở tuổi 91, ông Lý trước khi lâm bệnh vẫn làm việc đều đặn với tư cách Bộ trưởng Cố vấn nội các Singapore. Công việc và khát vọng giúp ông trụ vững sau nỗi đau tạm biệt người vợ và người đồng hành cả cuộc đời mình. Và giờ đây dẫu ông Lý ra sao, có chăng ông cũng đã không phụ niềm tin của bà Kha, không phí hoài tình cảm họ đã dành cả đời cho nhau, như ông đã nói trong lời chào cuối cùng...