Lời cầu hôn

Minh họa: Phong Nhi.
Minh họa: Phong Nhi.
TP - Ngoại tôi và bà trẻ, mà mọi người vẫn hay gọi là Dì Bé, có một sở thích rất ngộ. Họ thích mối mai, cứ như thể điều đó có thể bù trừ cho quá nhiều bi kịch hôn nhân trong gia đình tôi vậy. 

Là con gái duy nhất của cô con gái vô dụng của ngoại, tôi đành phải sống cùng mấy bà già là ngoại và bà trẻ, trong khi mẹ tôi cứ thế thay chồng và người tình như thay áo. Trò giải trí ưa thích của tôi là tưởng tượng ra mọi hình ảnh thông qua những câu chuyện gẫu trong ngôi nhà tỉnh lẻ rộng lớn ấy. Qua những lời bàn tán của người giúp việc, những bình luận của họ hàng đến chơi nhà, và cả những tấm ảnh cũ kỹ đã ngả màu nhưng còn rõ nét, tôi khám phá ra chuyện tình của Dì Bé. Bà quản gia Jossy thì dường như chuyện gì cũng biết, cả những câu chuyện bí mật giữa ông Edward và Dì Bé nữa. Dì Bé có một cuốn kinh thánh chữ vàng bìa bọc da mà người đề tặng nó là “Edward thân yêu”. Ngày tặng là mùng 7 tháng 1 năm 1918. “Edward thân yêu” đã bỏ sang Anh luôn rồi, bà Jossy bảo vậy.

- Ông ấy đã quên biến tiểu thư Charlotte ngây thơ, ngọt ngào của chúng ta chỉ vì bị một ả da trắng rẻ tiền bỏ bùa mê và lừa cho cưới.

Hồi ấy tôi đi học bằng xe bò. Từ nhà ra phố mất gần 8 cây. Xe buýt thì chẳng sẵn đấy, vả lại từ tỉnh nhà đi thêm 5 cây nữa đường sá vẫn hoang vu. Chủ nhật nào cũng vậy, cả ba bà cháu lại đi lễ ở nhà thờ giáo phái Anh trong thị trấn. Còn thì cuộc sống chỉ xoay quanh thêu thùa, ren gối, đan móc và lập kế hoạch mối mai cho các nhà bạn bè, họ hàng khi có người đến tuổi thành hôn. Họ làm mối cho từ những người đang học tập và làm việc ở nước ngoài đến những thường dân khiêm tốn ở tỉnh nhà.

Một ngày nọ Dì Bé nhận được một bức thư từ bà Hazel. Họ từng học cùng nhau trong tu viện và Dì Bé cũng đã từng làm phù dâu cho bà bạn Hazel. Thị lực của ngoại tôi vẫn còn rất tốt nhưng Dì Bé rất thích giành lấy phần đọc thư, thường đọc nhấn những chữ quan trọng và thi thoảng dừng lại để giải thích hoặc chêm vào vài lời bình luận.

“Charlotte thân mến, mình biết rằng cậu và chị Daisy sẽ cùng đọc bức thư này. Cuối cùng thì thằng cháu Parakum nhà mình cũng đã sẵn sàng lấy vợ. Con bé xinh đẹp trường Luật đã bỏ rơi nó để đi lấy một anh bác sĩ giàu có. Từ đầu mình đã biết ngay thế rồi. Giờ thì nó bảo không thiết con gái Colombo1 nữa. Thằng Parakum đúng là gánh nặng cho bọn mình. Ông Rodney nhà này thì chẳng phiền muộn chút nào hết về những chuyện ấy. Ông ấy kêu mình đã phá hỏng đời mẹ thằng Parakum bằng cách ép nó lấy người chồng theo đúng ý mình. Nhưng dù sao ông ấy cũng bảo đang rất muốn được gặp mấy đứa chắt tương lai trước khi bước sang thế giới bên kia. Cứ nghĩ sẽ có dăm thằng nhỏ dễ thương giọng lanh lảnh chạy loăng quăng trong ngôi nhà gỗ rộng lớn này mình lại vui làm sao”.

Dì Bé chỉnh lại chiếc kính nạm vàng.

- Chị à, em nghe nói thằng bé Parakum này có những tư duy chính trị nguy hiểm.

- Thế thì nó cần một người phụ nữ mạnh mẽ đồng hành. Con bé Priyanthi thì sao nhỉ? Tuổi tác, địa vị, tôn giáo, nền tảng gia đình. Tất cả đều môn đăng hộ đối.

Ngoại cắm mấy cây kim vào chiếc gối đang làm ren rồi xoay cái suốt gỗ trong tay khiến nó kêu lách cách. Âm thanh hòa cùng tiếng chim hót và tiếng gió nhẹ đang xào qua những ngọn tre. Lần hồi những bông hoa thêu tuyệt đẹp hiện dần lên chiếc gối ren.

- Em nghĩ chẳng hợp đâu. Em nghe nói con bé cũng là người rất độc lập và bố mẹ nó cũng đang phải lo ngay ngáy về con mình. - Dì Bé phản đối.

- Nếu thằng bé muốn dấn thân vào chính trường thì con bé là người rất phù hợp với nó. Những cô nàng cứng tuổi là ăn nói tốt lắm. Thấy nó bảo còn đang theo học một bằng nữa kia.

- Vấn đề chính là ở đó đấy chị ạ. Em không nghĩ nó sẽ bằng lòng kết hôn chỉ thông qua một lời cầu hôn đơn giản thế đâu. - Dì Bé bĩu môi.

Priyanthi là chị họ con bác, anh trai của cha tôi. Việc cha mẹ tôi ly hôn chẳng ảnh hưởng gì đến việc này. Gia đình hai bên vẫn cứ giữ liên lạc với nhau. Một điều tôi rất thích ở bên đằng nội là họ chẳng bao giờ trách cứ mẹ tôi lấy một lời. Chị Priyanthi học đã cừ lại còn giỏi cả thể thao. Gia đình bác nói rằng chị cứng đầu không theo ngành khoa học và khiến giấc mơ bác sĩ của bác tôi tan thành mây khói.

Tôi cực khoái ngồi hóng hớt những câu chuyện tác hợp kiểu này, cứ y như được đọc truyện cổ tích ấy. Tôi sẽ được trôi nổi trên những con sóng cảm xúc cho đến khi nó cập bến an toàn hoặc giữa chừng đã vỡ. Đấy thực là một trò chơi thú vị. Nhưng tôi lo lắng khi chị Priyanthi bị cầu hôn. Tôi hình dung chị sẽ trở thành một bà nội trợ, lọ mọ đứng nướng bánh và làm kẹo. Hãn hữu mỗi lần đến thăm nhà bác, tôi chả bao giờ thấy chị đứng bếp cả.

- Con bé Priyanthi từ nhỏ đã bướng rồi.

- Nhưng nó sẽ dạy cho thằng Parakum cách bảo vệ thân chủ.

- Rồi chị sẽ thấy ông chồng Parakum tội nghiệp trở thành đầy tớ cho con bé thôi. Có lần nó còn bảo mẹ nó rằng nếu mẹ mà ích kỷ thế thì thôi mẹ đi mà làm theo cách của mẹ đi. Ôi Trời, một đứa con gái mà ăn nói thế đấy.

Khi tôi kể lại chuyện này cho bà Jossy, bà lập tức cũng tuôn ra một rổ chuyện xung quanh và các kế hoạch tương lai.

Ngoại đúng là nhà kế hoạch chỉ tay năm ngón. Còn Dì Bé sẽ lĩnh nhiệm vụ viết thư, và sẽ tự mình đến gặp các bên liên quan nếu cần thiết. Đối với Dì Bé thì một lời cầu hôn cũng y như một sự kiện lớn đối với bà. Các phí tổn đều được rút từ tiền túi của bà mà ra. Cả hai đều nói rằng đó là tất cả những gì họ có thể giúp cho các cặp đôi đi đến đích cuối cùng. Trong các lời cầu nguyện trước khi đi ngủ, cả ba chúng tôi đều nhắc đến các cô dâu và chú rể tương lai. Tuy nhiên bất cứ khi nào Thượng đế lờ đi sở nguyện của họ thì cả hai bà đều trở nên cực kỳ phiền muộn.

Rồi cũng đến một hôm, bà Hazel và anh cháu trai đến nhà chúng tôi trên một chiếc Peugeot màu xanh. Đẹp trai và bảnh chọe, Parakum bước vào nhà như một hoàng tử bước ra từ trang sách. Anh đến để tham dự một cuộc hội thảo ở Ratnapura trong vai trò diễn giả.

- Lại đây cô bé. Có nhớ anh không nào? Anh Parakum đây. - Anh trò chuyện với tôi một cách bình đẳng.

Anh là người khách duy nhất để mắt đến tôi. Đa phần khách đến thăm ngoại toàn cố trêu tôi bằng những lời đùa cợt ngốc nghếch và vô duyên. Nhưng Parakum thì hỏi về những cuốn sách tôi đang đọc. Tôi kể ra vài cái tên sách “bổ ích” bằng ánh mắt ngây thơ. Nếu ngoại không có mặt ở đó thì hẳn tôi đã tiết lộ anh nghe về nội dung mấy cuốn tiểu thuyết tiếng Sinhala mà tôi lén mượn lại của mấy cô gái làm ở xưởng dệt. Anh dường như rất dịu dàng và thấu hiểu. Parakum cũng kể tôi nghe câu chuyện về một nhân vật nữ trong truyện tên Rosa Luxemburg.

- Anh có thích xem mấy con thỏ nhà em không? - Tôi hỏi.

- Có chứ, tại sao không. Tên chúng là gì vậy?

- Nhà em nuôi thôi... chứ chưa đặt tên.

- Thế cho anh niềm vinh dự được đặt tên cho mấy con thỏ ấy được không?

- Hay quá... nhưng em thích chúng phải có tên đàng hoàng kia, chứ không phải tên thỏ con, thỏ nhóc.

Thế là anh đặt tên cho con thỏ đen là Goethe còn con thỏ trắng là Shakespeare. Lần đầu tiên tôi nghe thấy hai cái tên ấy.

- Xem Goethe và Shakespeare chia nhau mớ rau cải kìa.

Anh cười phá lên. Tôi thì chẳng thấy có điều gì đáng buồn cười ở đây cả. Tuy nhiên tôi cũng cứ cố cười theo để anh vui.

Chẳng mấy chốc sau bữa ăn, chúng tôi phải chia tay nhau. Anh muốn cho tôi đi cùng đến cuộc hội thảo nhưng ngoại bảo tôi không được khỏe, trong khi sức khỏe của tôi rất tuyệt vời và tôi sẵn sàng đi cùng họ. Nếu ngoại mà đã muốn nói dối thì chẳng ai có thể phản đối được. Sau lần ấy, tất cả chúng tôi đều mong cho anh lấy chị Priyanthi. Tối ấy Dì Bé đã hành động ngay rồi. Bà viết một bức thư dài cho mẹ chị Priyanthi. Hẳn là bà đã ca ngợi về các đức tính tốt đẹp của anh bao gồm cả việc quan tâm đến trẻ con và trăm thứ vụn vặt khác nữa. Tối hôm đó, chúng tôi nghe nói có cả một đám đông lớn đã có mặt để nghe bài diễn văn của anh Parakum.

- Tôi chỉ lo nhất vấn đề tư tưởng chính trị của thằng bé này. Nó giao du với những kẻ rất thấp kém.

Trông ngoại có vẻ không vui. Ngoại nói phe mà thằng bé đang theo đã sát hại rất nhiều nhà truyền giáo.

- Không chị ơi, em nghĩ thằng bé biết giới hạn của nó. Hazel bảo rằng nó không bao giờ dẫn mấy gã đó về nhà, và những người kia cũng rất tôn trọng nó. Từ ngày tên tuổi nó xuất hiện thường xuyên trên báo thì tự nhiên những hợp đồng thương mại cũng đến nhiều hơn.

Mấy hôm sau thì chị Priyanthi, chị Sumedha và hai bác cũng đến nhà tôi chơi. Chị Priyanthi mặc một chiếc quần cotton rất lịch lãm. Chị mang cho tôi mấy quyển truyện, còn hai bác thì cho tôi một con búp bê rất xinh. Chị Sumedha còn may cho tôi và con búp bê hai cái váy giống hệt nhau. Chị là chị họ của Priyanthi nhưng bên đằng ngoại. Bà Jossy bảo bố mẹ chị đã chết trong một tai nạn xe hơi khi chị còn bé tí. Từ ấy, hai bác tôi đã nuôi dưỡng chị trong nhà mình. Dì Bé nói rằng Sumedha không thích học lên cao, còn họ hàng nhà tôi nói rằng chỉ cần một tay thôi chị cũng có thể nấu được cả một bữa tiệc cưới. Chị mới chính là người quản lý cho gia đình nhà Priyanthi. Sumedha tội nghiệp thì chẳng được một nửa vẻ xinh đẹp, hài hước và sắc sảo như Priyanthi. Nhưng sự mộc mạc của chị và đầu óc tinh tế của cô em họ Priyanthi lại rất phù hợp với nhau.

- Con bé tội nghiệp. Không nhan sắc. Không tiền bạc. Giản dị. Dễ bảo. - Bà Jossy nói thế.

Chị Priyanthi muốn xuống suối tắm trong khi ngoại thì không bao giờ cho phép tôi ra suối trừ phi nhà có khách. Chị Priyanthi bơi giỏi như một con cá vậy.

- Bà chẳng bao giờ cho em bơi ở đây.

- Em phải phản kháng một chút. Hãy đấu tranh vì quyền lợi của mình chứ.

Chị Priyanthi giữ tay để cho tôi nổi lên mặt nước.

- Vì bà thương em lắm đấy, cho nên bà mới giữ em thế. Khi nào em lớn thì bà sẽ cho em bơi thôi. - Chị Sumedha hơi cau mày nhìn Priyanthi, rồi chị xát xà phòng lên người tôi như tắm cho em bé, bắt tôi phải nhắm mắt lại.

Lúc này tôi không thể thôi nghĩ về anh Parakum. Người phụ nữ bé nhỏ trong con người tôi bắt đầu muốn quảng cáo anh.

- Hôm nọ anh Parakum đến nhà em chơi. Anh ấy đặt tên cho mấy con thỏ đấy. Một con là Goethe còn con kia là Shakespeare - Tôi cố giữ cho giọng nói được bình thường.

- Thật ư. - Chị Priyanthi cười phô cả xương sườn.

Chị Sumedha thì ngồi trên một phiến đá phẳng và tự kỳ cọ bằng một viên đá kỳ nhỏ. Chỉ một nụ cười mỉm thoát ra từ đôi môi mỏng dính.

- Bác trai con bà Jossy bảo là mỗi lần Parakum lên sân khấu là khán giả lại nhiệt liệt hoan hô anh ấy một hồi lâu. Nếu mà bà cho em đi thì hôm ấy em cũng được đến hội thảo rồi.

- Anh ta dường như gây ấn tượng được với tất cả mọi người trừ chị hay sao ấy.

Priyanthi nói rồi nhảy xuống nước từ thân cây khế đang chìa ra bờ suối. Tôi tự hỏi không biết liệu mình có đi quá xa không. Dẫu sao mối mai cũng là chuyện nghiêm túc và là việc của người lớn chứ. Từ lúc ấy, chúng tôi yên lặng một chốc, mãi sau mới cười đùa trở lại nhưng không nhắc một lời nào đến anh Parakum nữa.

Tối muộn hai chị mới ra về, không quên mời chúng tôi đến nhà họ chơi ít bữa. Tối ấy tôi bắt đầu suy nghĩ về câu nói của Priyanthi. Điều gì khiến chị chẳng coi anh Parakum ra gì cả? Tôi cố gắng tìm ra câu trả lời bằng cách dán mắt vào những vệt sáng trăng đang xiên qua vườn. Những bông cúc trắng rụng đầy lên chiếc ghế băng bằng gỗ. Đôi mắt hai con thỏ lấp lánh trong chuồng. Chúng ngủ hết cả rồi ư? Một ông say rượu nào đó đang ngân nga một khúc dân ca ngắt quãng phía bên ngoài bờ dậu. Tôi tần mần vẽ hình chiếc váy yếm lên mặt cát bằng một cái que bẻ từ cây hoa mận.

Một tuần sau, chúng tôi nhận được một bức thư từ bà Hazel.

“Charlotte à, mình nghĩ chúng thích nhau rồi, bởi vì cả hai đứa đều rất ngạo mạn về kiến thức. Chúng tranh luận về đủ thứ chuyện vớ vẩn xảy ra ở Cuba cho đến những nước tận đẩu đâu ấy. Dù sao đấy cũng là dấu hiệu tích cực. Tối qua Parakum cũng đi ăn cùng cả hai chị em đấy”.

Dì Bé cất lá thư vào trong chiếc hộp sơn mài đen của Trung Quốc có nạm mấy bông hoa nhũ vàng. Tôi cũng lén lấy bức thư ra đọc lại hai lần. Tôi biết mình đã quá tuổi để đi tung hoa cho đám cưới nhưng lại cũng chưa đủ tuổi để làm phù dâu. Tưởng tượng ra đám cưới của Priyanthi cũng là một trò giải khuây của tôi trong những buổi trưa dài dặc lười nhác khi mà tiếng lá cây xào xạc hòa lẫn tiếng tích tắc uể oải của chiếc đồng hồ ông ngoại để lại. Tôi bắt đầu vẽ những bức tranh đám cưới với rất nhiều bóng bay.

- Em không thể hiểu nổi tại sao chúng không định ngày ăn hỏi đi. - Dì Bé nói thế hết lần này đến lần khác.

Cả hai bà đang vui sướng vì kết quả đến quá dễ dàng. Rồi họ lại ngồi bình luận về Sumedha, nói rằng phải làm gì đó để giúp đỡ con bé tội nghiệp ấy.

Chúng tôi lên kế hoạch đi thăm bà Hazel vào kỳ nghỉ hè, cả đi sở thú và picnic trên bãi biển nữa. Dì Bé đã nghĩ ra vài ý tưởng cho các buổi dã ngoại này. Một tấm khăn phủ sẽ được trải ra nền đất với một giỏ bánh ngọt, kẹo, sandwich, trái cây, một bình cà phê lớn và cả bia gừng tự làm. Bà bảo sẽ mua hết mấy thứ này ở Ratnapura, và rằng một đứa trẻ nên được hưởng kỳ nghỉ đúng nghĩa.

Tôi thì chẳng quan tâm lắm đến đồ ăn, mà chỉ muốn được tham gia vào các câu chuyện cưới xin thôi. Bà Jossy đã làm thêm một ít kẹo sữa dẻo và cả món dưa chua mà bà Hazel rất thích. Nhưng rồi ngay sau đó lại có một tin tức từ trên trời rơi xuống. Bà Hazel viết vội viết vàng cho Dì Bé một bức thư ngắn.

“Charlotte thân yêu, mình không khỏe lắm nên không viết dài được. Nhưng mình nghĩ rằng rất nên thông báo cho cậu biết việc không hay này. Ngày hôm qua thằng Parakum và con Sumedha đã tự đi đăng ký kết hôn. Nó bảo Priyanthi là một người bạn rất tốt nhưng tuyệt đối không thể trở thành một người vợ được. Mình không thể hiểu nổi chuyện gì đang diễn ra nữa. Priyanthi đã ký tay tại lễ đăng ký kết hôn với tư cách người làm chứng. Mình không thể hiểu nổi bọn trẻ bây giờ nữa. Mình đã hỏi Parakum là liệu nó có quáng gà không. Ông Rodney thì phải bùa thằng cháu hư hỏng rồi. Ông ấy kêu thằng Parakum cần nhất là một người phụ nữ có thể làm cho gia đình êm ấm".

Dì Bé dừng đọc nửa chừng. Bức thư cứ ở yên trên lòng một lúc lâu. Chẳng ai nói câu gì. Cái chuông cổ của ông ngoại lại điểm 12 tiếng. Bà Jossy ra dấu rằng bữa trưa đã sẵn sàng rồi. Tôi ra ngoài tìm một mớ lá cải cho con Goethe và con Shakespeare. Tôi kể cho chúng nghe câu chuyện vừa rồi. Chúng gật gật đầu như thể đã hiểu hết. Ai mà biết được. Có khi chúng lại hiểu thật thì sao.

-----------

1 Colombo là thủ đô của Srilanka

Truyện ngắn của Sunethra Rajakarunanayake (Srilanka)

Lời cầu hôn ảnh 1Sunethra Rajakarunanayake (1954) là một trong những nhà văn nữ tiêu biểu nhất của văn học Srilanka. Bà cũng là nhà báo, nhà phê bình, dịch giả, và là tác giả của hơn 30 cuốn sách. Những áng văn của bà hé lộ sự nhạy cảm của tác giả đối với những chủ đề đa dạng. Truyện ngắn này được rút ra từ tập “Thời đại hoàng kim” được giải thưởng Văn học quốc gia năm 1999. Năm 2000, bà nhận giải thưởng Văn học quốc gia lần thứ hai. Bà cũng đoạt hai giải Sách Vàng năm 2009 và 2011 (là người đầu tiên hai lần giành được giải thưởng này). Sách của bà được nằm trong danh mục sách cần đọc của tất cả các trường đại học ở Srilanka.
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.