Dì và Năm

Minh họa: Minh Thu
Minh họa: Minh Thu
TP - Nửa đêm, dì kêu ú ớ, “Trạng, Trạng, cứu dì, cứu dì con ơi!”. Tôi xô cửa phòng bước vào. Dì ngồi gục đầu, mặt tái mét, không còn chút thần sắc. Dì kêu tôi đỡ dì nằm xuống, dì bị tuột máu. 

Trước giờ chưa từng gặp cảnh cứu người đột ngột, nên tôi hơi lập cập. Dì nói nhỏ như cơn gió, chỉ tôi, “lấy trà trong tủ, pha trà đường; lấy chai dầu dì để trong tủ…”. Tôi chạy lạc xạc trong nhà. Mấy người ở cùng nhà, là em, là cháu, là máu mủ ruột thịt của dì, cũng như tôi. Họ nhìn tôi, không nói. Nhưng họ hiểu chuyện gì đang xảy ra.

Như quán tính, tôi móc điện thoại gọi Năm. Năm nói chuyện tỉnh bơ, như Năm không ngủ, như Năm luôn đặt mình trong tư thế sẵn sàng nghe cuộc gọi của tôi, như Năm sẵn sàng cầm súng hồi kháng chiến. Năm chống cây nạng đi vào, tụi nhỏ gặp, không chào, im lặng. Năm lại kế dì, nắm tay dì, hỏi, “Bà đỡ chưa?”. Dì thì thào gì đó trong miệng, tôi nghe không rõ, nhưng Năm gật đầu. 

Năm lấy khăn lau mặt, có cả lau nước mắt. Rồi lấy hộp dầu cù là trong túi, thoa lên bàn tay lạnh ngắt của dì. Năm đi vào bếp lục đục nấu cháo. Như Năm quen lắm từng ngõ ngách cái nhà này. Như thuộc cả nơi để đường để muối. Cháo vừa chín, Năm mang ra, đỡ dì dậy, múc từng muỗng đút dì ăn. Tôi ngồi xuống đất, nhìn Năm, Năm lấy cây quạt, quạt cho dì, có chút gió bay đến mặt tôi, gió nhè nhẹ thôi, nhưng lạnh…

Mẹ tôi kể, hồi mẹ mới sinh, dì thoát li đi theo Giải phóng. Ông ngoại đang là sĩ quan Sài Gòn, nghe con gái theo quân Giải phóng. Ông nổi nóng, móc súng bắn lên nóc nhà, buông ra lời thề, gặp dì ở đâu, bắn nát sọ ở đó. Bà ngoại khóc hết nước mắt, lặng lẽ, giấu ông ngoại đi về Gò Công cúng giỗ cố. Thật ra đó là nỗ lực cuối cùng của ngoại, cố tìm lại đứa con, để nhìn nó. Chỉ nhìn thôi, không nói. 

Vì khi mấy ông em ruột của ngoại, là dân Giải phóng, chèo xuồng cho ngoại vào căn cứ gặp dì, ngoại đã khóc suốt cả đường đi. Như gửi những giọt nước mắt bưng biền kinh rạch vào đất đai trầm thủy để con mình lần theo đó mà nhớ từng bờ ao ngọn cỏ quê mình. Vào căn cứ gặp dì, hai mẹ con ôm nhau khóc, không nói được một lời. Đến lúc ra về, ngoại để lại cho dì đôi bông mù u, như của hồi môn. Và mấy chai dầu gió để phòng khi đau yếu. Ngoại bịn rịn, ngoại về!

Dì ở cùng đơn vị với Năm, Năm là Trung đội trưởng của dì. Sau ngày ngoại vào thăm, Năm giới thiệu dì vào Đảng. Trong đơn vị lúc này có người dị nghị, không đồng ý để dì đứng vào hàng ngủ Đảng vì “Diệu là con của sĩ quan Sài Gòn!” Nhưng đơn vị xem xét, thấy hợp lý, nên kết nạp. Từ ngày vào Đảng, dì và Năm sát cánh bên nhau, băng rừng vượt núi, hụt chết dưới tầm pháo giặc mấy lần. 

Trong chiến tranh, không ai đoán trước số mạng của mình, cái chết như kề bên, như bạn, như thù, thân quen từng giọng cười tiếng nói. Vậy nên cái chết trở nên bình thường. Vượt qua đạn bom, mạng sống được đem ra phơi trước mặt, đối diện sống và chết. Vượt qua nó, người ta quý nhau, yêu nhau thật hơn, bằng cả trái tim và nước mắt.

Ngoài sự tưởng tượng của mọi người. Năm không phải người dì yêu và dì cũng không phải người Năm yêu. Điều đó được đơn vị chứng minh bằng một buổi tiệc cưới nho nhỏ tại căn cứ. Đơn vị đứng ra làm đám cưới cho Năm với người yêu của Năm; dì với người yêu của dì. Đám vừa tan tiệc, bom đạn vô tình đánh xuống miệng hầm trú ẩn, tạo thành một cái hố to, như có bàn tay ác quỷ vừa nhận xuống đất, để lại lòng đất cái dấu tay hung bạo, lở loét, đau thương. 

Nhưng cái dấu hung bạo ấy, phá vào tim dì một vết thương to bằng bầu trời thăm thẳm. Người yêu của dì mở nắp hầm ra lấy xấp hồ sơ bỏ quên, bị miếng đạn vô tình xuyên qua tim, ngã vào lòng đất mẹ. Hơi thở vụt bay lên trời, vệt máu loang đỏ mặt đất trong ngày tân hôn còn ấm áp. Người yêu của dì hy sinh trước mắt dì. Con tim dì co lại, rồi lại đập liên hồi như muốn xé lồng ngực bay ra… Dì ngất đi rồi lại tỉnh không biết bao nhiêu lần…

Từ ngày đó, Năm hay tới lui, chăm sóc cho dì. Vợ Năm cũng vậy. Rồi miền Nam giải phóng. Đất nước bước vào giai đoạn khó khăn, dì và vợ chồng Năm chung tay cùng bà con trong xã may vá vết thương chiến tranh, xây dựng lại quê hương, kiến thiết đất nước. Họ cống hiến quên cả bản thân mình. Chính cái lúc bình yên này, không còn tiếng đạn bom, không còn phải sợ thình lình chết, người ta có khoảng thời gian rộng hơn. 

Chính cái thời gian rộng ấy làm người ta để ý, tưởng tượng và thầm thì với nhau về “mối tình tay ba” của dì, Năm và vợ Năm. Mặc kệ thiên hạ, họ vẫn bình tâm, sống và sống tốt. Nhưng cái “phụ nữ” trong vợ Năm trỗi dậy. Bà thủ sẵn dao phay, lưỡi lam, a – xít… Nhưng khi đến nhà dì, nấp bên ngoài nhìn vào căn nhà lá ấy, bà lại không có cái cớ gì để trút cơn ghen đang sôi ùng ục lên dì. 

Bà thấy lòng mình như rộng hơn. Rồi bà lặng lẽ ra về. Chắc khó khăn lắm mới nói lên được những điều kỳ lạ với luật đời mà trái tim đã kêu bà nói đi. Chắc nằm trằn trọc lắm, lương tâm và xã hội giằng co lắm trước khi bà mở lời với Năm:

- Ông à, hay là, ông cho cô Diệu một… đứa con. Dù sao, cổ cũng cần có một đứa con để khi tuổi già có người phụng dưỡng.

Năm nhìn vợ, không nói, nhưng lắc đầu, thở dài. Tiếng thở dài của Năm chất chứa biết bao điều, mà đớn đau nhiều hơn là hạnh phúc. Hơi thở như muốn bốc cháy, như muốn bay lên thật cao chứ không hề rơi xuống mặt đất quê hương nhiều vết thương bom đạn. Năm hút liền mấy điếu thuốc, vẩn vơ khói, ý nghĩ cũng ngoằn nghoèo, rối bời như khói, nắm lấy khói trong tay dễ ợt, thấy nhẹ hều vậy mà mù mờ, khó gỡ.

Từ đó, Năm dạy mấy đứa con, phải coi dì như mẹ ruột của mình. Không cần dạy, mấy đứa cũng đã coi dì là mẹ. Dì săn sóc, ẵm bồng từng đứa khi tụi nó còn đỏ hỏn. Dì thức trắng trong bệnh viện khi tụi nó bệnh. Rồi khi lớn lên, một tay dì kiếm nơi kiếm chỗ, dắt vợ Năm đi coi mắt, gả cưới đàng hoàng cho từng đứa. Dì lại tiếp tục cùng vợ chồng Năm chăm sóc con mấy đứa như chăm sóc cháu ruột của mình… Người đời nhìn thấy mà lắc đầu: “Kiếm được ba người như mấy ổng bả, cũng đâu phải dễ”.

Nghe đến câu nói đó của thiên hạ, là đám em của dì sôi máu. Tụi nó đua nhau ghét bỏ, chửi rủa dì và vợ chồng Năm. Thằng em út, đứa mà dì nuôi từ hồi bà ngoại mất, cậu mới ẵm nách tới lớn, tới già đầu. Vậy mà cậu vẫn nỡ dầm nát trái tim dì bằng những câu độc địa:

- Bà tối ngày lo cho thiên hạ, tới nữa bà già, bà đi cạp đất ăn. Bà làm thiên hạ cười trên đầu tui bà mới hả dạ hả?

Dì im lặng và chỉ biết khóc. Tiền hưu trí của dì, bao nhiêu dì cũng để dành cho cậu làm ăn, cho dì uống thuốc, đi chùa… Nhưng dì chưa để thừa ra một đồng nào để dì phung phí cho mát tay. Dân kháng chiến, quý từng hạt gạo, nắm muối. Cái tính đó đã ăn sâu vào máu của dì. Đến giờ, dì vẫn vậy. 

Nhưng vậy, có tốt hay không? Khi người đời vẫn hầm hầm, không chịu. Biết làm sao cho họ chịu. Dì đã dành hết cả tuổi thanh xuân để giải phóng quê hương, dành hết niềm vui, hạnh phúc gia đình cho những người thân yêu nhất của dì, dì dành cả những giờ phút nghỉ ngơi của người về hưu trí cho con cho cháu. Nhưng họ lại muốn dì theo một cái khuôn, cái khuôn thiên hạ vẽ ra, ngoằn ngoèo mà cứ nói là thẳng băng, có mấy ai làm được vẹn toàn. Họ không quan tâm dì, rồi đổ là dì không tròn vẹn.

Mấy lần Năm ra nhà, đem con cá lóc, nấu cháo cho dì ăn, nói “của bả gửi tặng bà”. Mấy cậu nghe, nói “nghe ổng nói, thấy chua tới bản họng, muốn dọng liền”. Nhưng trái tim tôi cảm nhận, thấy lời Năm nói ngọt làm sao, ngọt như vị cháo cá lóc đồng Năm nấu, có thêm vị gừng, giải cảm thiệt hay. Ghét Năm, không biết làm gì, cậu giấu cây nạng gỗ của Năm. 

Năm không có cái chân phụ đi, Năm lê chân đi cà nhắc một cách khó khăn về nhà. Nhưng Năm vẫn đi, không hề than vãn. Chiến tranh cướp mạng sống con người như cơn thác dữ vỡ bờ Năm còn không sợ, còn vượt qua. Lửa đạn na pan biến chân Năm thành cục thịt nướng khét đen Năm còn gắng bước qua năm tháng. Vậy thì chút ít đùa cợt vô tâm của cậu, có làm Năm hết thương, hết tình hết nghĩa được hay không?

Nhìn theo dấu lết của Năm trên con đường đất nóng đổ lửa. Tôi thấy trái tim mình đập thật mạnh, như bàn chân của đứa trẻ, không chịu, đạp vào lồng ngực thình thình. Nhưng Năm lại khác. Năm không nói gì cả, Năm chỉ im lặng. Cũng vì Năm im lặng, nên thiên hạ mặc sức mà vẽ rồng thêu phụng. Như trái tim cũng vậy, có bao giờ trái tim lên tiếng đâu. Nhưng trái tim lại là thứ thành thật nhất!

Tôi nghĩ, dì cũng cần có một chỗ dựa, cần có một tình yêu, cần có một người yêu, cần có một đứa con như bao người khác. Người ta, và có cả tôi đôi lần nghĩ dì với Năm là vợ chồng chắp nối. Nhưng cái ý nghĩ đó là điều ác nhất tôi từng đối xử với dì và với Năm. Ở tuổi tôi, kinh nghiệm đời của tôi, của một đứa con trai chưa kinh qua lửa đạn thì chưa thể biết tình yêu bao la đến cỡ nào…

*

*     *

Năm kêu xe chở dì lên bệnh viện, cả nhà bắt đầu rục rịch. Định đứng ra cản, nhưng cản rồi, lỡ dì đổ bệnh, ai nuôi. Họ im lặng, để Năm chở dì đi. Dì yếu ớt, Năm quọt quẹt kè nhau lên xe. Năm rút cây nạng lên xe, xe lao về phía bệnh viện tỉnh. Tôi xách xe máy chạy theo. Trên đường chợt nghĩ: Xin số kiếp hóa sao, cho dì, Năm, vợ Năm đến tuổi cưỡi hạc quy tiên cùng ngày cùng tháng cùng năm. Cùng nắm tay đi gặp mấy đồng chí đồng đội. Cho họ ở có nhau, đi có nhau, cho trọn tình trọn nghĩa, cho lòng mạnh mẽ vượt qua sóng bão cuộc đời… 

Dì và Năm ảnh 1

Viết về những điều tốt lành trong cuộc sống giờ hình như hiếm hoi? Lại viết nhuần nhị, giản dị và không lên gân, càng hiếm hoi hơn. Lê Quang Trạng đã làm được điều đó. Truyện ngắn đủ thấm thía, và đủ đau. Đau cái đau ngọt ngào của tình người, tình đồng đội. Và cả nỗi đau với những vô tâm, những suy diễn từ những cái đầu tầm thường, thấp kém.

Lê Quang Trạng, cây bút trẻ nổi bật ở An Giang. Anh làm thơ, viết truyện ngắn.

L.A.H

MỚI - NÓNG
Nhận định Man City vs MU, 23h30 ngày 15/12: Cơ hội cho Quỷ đỏ
Nhận định Man City vs MU, 23h30 ngày 15/12: Cơ hội cho Quỷ đỏ
TPO - Nhận định bóng đá Man City vs MU, vòng 16 Ngoại hạng Anh 2024/25 lúc 23h30 ngày 15/12 - thông tin lực lượng, đội hình dự kiến, phong độ, lịch sử đối đầu. Man City đang suy yếu, mang đến cơ hội tuyệt vời để MU tạo ra sự khác biệt sau những kết quả nghèo nàn ở các trận derby Manchester trước.
Pep đáp trả tin đồn thất thiệt trước trận derby Manchester
Pep đáp trả tin đồn thất thiệt trước trận derby Manchester
TPO - Pep Guardiola khẳng định ông "không đánh mất phòng thay đồ" tại Manchester City. Ông tuyên bố rằng ngay khi cảm nhận được các học trò không ủng hộ mình, vị HLV này sẽ rời đi ngay lập tức. Đây là thông điệp đanh thép của Pep nhằm phủ nhận những mâu thuẫn nội bộ tại Man City.