Càng chống, càng ngập
Trao đổi với Tiền Phong ngày 12/6, nhiều chuyên gia chỉ ra TPHCM đã quan tâm đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào các công trình chống ngập trên nhiều tuyến đường nhưng tình trạng ngập nước vẫn không giảm, thậm chí có nơi càng chống càng ngập nặng.
Đơn cử như dự án chống ngập đường Nguyễn Văn Quá (quận 12) với kinh phí nâng đường, thay cống hơn 163 tỷ đồng và dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Đỗ Xuân Hợp (quận 9) với kinh phí đầu tư hơn 136 tỷ đồng nhưng đến khi hoàn thành, đưa vào sử dụng thì tình trạng ngập nước càng trầm trọng hơn.
Kỹ sư Vũ Hải, người có hơn 50 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thoát nước cho rằng công tác chống ngập cho TPHCM chưa được nghiên cứu thấu đáo, có thể gây ra tình trạng lãng phí vì chi nhiều tiền nhưng hiệu quả không tương xứng.
Chẳng hạn như chống ngập cho sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Từ năm 2015, sân bay này thường xuyên bị ngập cục bộ tại khu vực đỗ máy bay mỗi khi mưa lớn. Để chống ngập cho sân bay, các đơn vị quản lý khai thác đã đầu tư hệ thống thoát nước nhưng tình trạng ngập nước không được cải thiện. Mới đây, khi thường trực HĐND TPHCM giám sát, nguyên nhân sân bay “càng chống, càng ngập” mới được làm rõ, đó là chống ngập theo kiểu mạnh ai
nấy làm…
Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình Hứa Quốc Hưng cho biết bên trong sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay đang có 10 đơn vị khai thác và quản lý sử dụng. Công tác chống ngập rất được quan tâm. Tuy nhiên, mỗi đơn vị xây dựng một hệ thống riêng và không kết nối với nhau nên hệ thống thoát nước trong sân bay không đồng bộ. Điều đáng nói, khi thực hiện các dự án chống ngập, cải tạo hệ thống thoát nước thì các đơn vị nói trên “quên” phối hợp với chính quyền địa phương.
“Trong quá trình các đơn vị thi công dự án thoát nước, cán bộ UBND quận Tân Bình và các cơ quan chức năng cũng không được vào bên trong để kiểm tra”, ông Hưng cho hay.
Hậu quả là sân bay Tân Sơn Nhất tuy có địa hình cao hơn so với khu vực bên ngoài hàng rào nhưng đáy cống thoát nước bên trong sân bay lại thấp hơn hệ thống cống thoát nước bên ngoài. Cao độ của hệ thống thoát nước giữa bên trong và bên ngoài sân bay bị chênh lệch làm giảm hiệu quả thoát nước nên mỗi khi mưa lớn, nước thoát không kịp. Sân bay này chỉ có thể hết ngập khi Bộ Giao thông vận tải triển khai dự án chống ngập đồng bộ bên trong và ngoài sân bay.
10.000 tỷ: muối bỏ bể
Vừa qua, làm việc với Đoàn giám sát HĐND TPHCM, ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam cho biết năm 2001, Chính phủ đã ban hành Quyết định 752 phê duyệt quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TPHCM đến năm 2020 (còn gọi là quy hoạch 752). Nhiều công trình, dự án nạo vét cống, kênh rạch, khơi thông dòng chảy, tiêu thoát nước đô thị thực hiện theo quy hoạch này.
Tuy nhiên trước tình trạng biến đổi khí hậu - nước biển dâng, đến năm 2008, Chính phủ đã có Quyết định 1547 phê duyệt quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TPHCM (quy hoạch 1547) với mục tiêu giải quyết tình trạng ngập lụt của TPHCM trong phạm vi vùng trung tâm 209.500 ha và một số vùng phụ cận. Dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1 thuộc quy hoạch 1547, nhiệm vụ chính là ngăn triều, hỗ trợ tiêu
thoát nước.
Cụ thể: Nếu trước đây triều cường đạt mức từ 1,5 m đến 1,7 m TPHCM sẽ ngập thì sau khi dự án đi vào hoạt động, vùng diện tích 570 km - khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TPHCM không bị ảnh hưởng dù triều cường dâng cao đến 3 m (hiện nay đỉnh triều kỷ lục là 1,7 m).“Ngoài nhiệm vụ kiểm soát triều, dự án chống ngập 10.000 tỷ còn giúp giảm mực nước, hỗ trợ thoát nước mưa nhưng TPHCM vẫn cần kết hợp với hệ thống thoát nước đô thị tốt, đồng bộ thoát trong, bơm ngoài mới có thể giải quyết bài toán ngập nước”.
Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng,
Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị
“Có nhiều người đặt câu hỏi dự án này hoàn thành thì thành phố có hết ngập không? Tôi xin nói là có thể hết hoặc có thể không vì trong đô thị thực hiện các dự án thoát nước theo quy hoạch 752. Nước phải thoát ra ngoài kênh, sông được thì mới phát huy được hiệu quả dự án trị giá gần 10.000 tỷ đồng này. Nếu như cống nghẹt, nước ngập trong tuyến đường nào đó thì không thể đổ lỗi cho dự án. Nhiệm vụ chính là ngăn triều, hỗ trợ tiêu thoát nước. Thoát nước ra kênh rạch trong thành phố được thì dự án mới phát huy hiệu quả bơm nước ra ngoài sông, giúp hạ mực nước trong kênh, rạch, hỗ trợ thoát nước trong nội đô”, ông Tiến cho hay.
Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị thuộc Sở Xây dựng TPHCM cho biết thêm: Do những hạn chế của quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TPHCM (quy hoạch 752) trước đây nên Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thủy lợi chống ngập úng (1547) cho thành phố. Dự án chống ngập gần 10.000 tỷ đồng là một phần việc khi thực hiện quy hoạch 1547. Tuyến đê bao và hệ thống cống ngăn triều giúp hỗ trợ giữ mực nước kênh, rạch trong thành phố nằm trong
vành đai.
Theo ông Dũng, Ban Quản lý khai thác hạ tầng kỹ thuật đang tham mưu cho TPHCM từng bước thực hiện hoàn thiện các dự án nạo vét kênh rạch, cống thoát nước, xây dựng các khu vực trữ nước nhằm giải quyết bài toán thoát nước mưa, nước mặt, đồng bộ cùng công trình kiểm soát ngập do triều. Các dự án thuộc quy hoạch 1547 và quy hoạch 752 đang được triển khai song song, đồng bộ, đảm bảo tương hỗ, bổ trợ cho nhau nhằm nâng cao hiệu quả thoát nước.
Theo ông Nguyễn Tâm Tiến, khối lượng thi công hoàn thành của dự án tính đến ngày 12/6 đã đạt 77%. Hiện nay, khó khăn lớn nhất của dự án là công tác giải phóng mặt bằng. Phần đê kè đã được điều chỉnh dịch chuyển, giảm số hộ phải đền bù xuống khoảng 50% (giảm 97 hộ so với 238 hộ theo dự kiến ban đầu) nhưng vẫn còn vướng một số tổ chức, hộ dân tại khu vực quận 4, quận 7, huyện Nhà Bè.
“Nếu các quận, huyện bàn giao mặt bằng vào cuối tháng 6/2019 thì nhà đầu tư cam kết sẽ hoàn thành vào đầu quý I/2019”, ông Tiến cho hay.
Nâng cao ý thức của người dân
Theo ông Nguyễn Văn Trực, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM, tình trạng ngập nước liên quan mật thiết đến vai trò và ý thức của người dân. Người dân cần nâng cao ý thức, không xả rác bừa bãi xuống kênh rạch làm tắc nghẽn cống thoát nước, dòng chảy của kênh rạch.