Loay hoay bảo tồn kiến trúc Pháp cổ: Không để nhà đầu tư chi phối quy hoạch

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trao đổi với PV Tiền Phong về bảo tồn kiến trúc Pháp cổ tại nhiều tỉnh, thành phố, nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Ngọc Chính đề nghị các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc, có giải pháp cụ thể trước khi quá muộn.

Ông Trần Ngọc Chính cho biết: Kiến trúc Pháp cổ có giá trị nhiều mặt trong phát triển đô thị tại Việt Nam. Tại Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng, Đà Lạt, Sa Pa, Tam Đảo, Ba Vì, Mẫu Sơn… người Pháp xây dựng và để lại rất nhiều công trình kiến trúc có giá trị. Tiêu biểu như Nhà hát lớn Hà Nội, Phủ Chủ tịch, Bảo tàng Cách mạng, phố Tràng Tiền, Ngân hàng nhà nước… Những kiến trúc mới có thể hoành tráng hơn nhưng không thể thay thế được những công trình Pháp cổ...

Loay hoay bảo tồn kiến trúc Pháp cổ: Không để nhà đầu tư chi phối quy hoạch ảnh 1

Biệt thự Pháp ở Hà Nội bị làm biến dạng

Sau vụ phá dỡ công trình tại 61 Trần Phú (Ba Đình, Hà Nội) và nhiều ý kiến dư luận thời gian qua về việc bảo tồn công trình kiến trúc Pháp, ông có nhận xét gì?

Khoảng 10 - 15 năm nay, khi mở rộng Thủ đô Hà Nội thì Hà Đông trước đây so với bây giờ tốc độ phát triển nhanh không thể tưởng tượng được. Trong sự quá nhanh đó vẫn cảm nhận được Hà Nội có phát triển, mở rộng thì trong quy hoạch vẫn có khu vực đô thị lịch sử là khu phố cũ, phố cổ. Ngoài 36 phố cổ thì phố cũ gồm có Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng…

Loay hoay bảo tồn kiến trúc Pháp cổ: Không để nhà đầu tư chi phối quy hoạch ảnh 2
nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Ngọc Chính

Khu đô thị lịch sử từ những năm 1954 trở về trước do người Pháp quy hoạch xây dựng, gây dấu ấn nhất là biệt thự, khu đô thị cũ với quy hoạch là ô vuông, chia ra để xây dựng các công trình. Công trình xây cách đây cả trăm năm rồi, tất nhiên xuống cấp. Nhà nước quản lý, tư nhân quản lý, rồi nhà nước tư nhân cùng quản lý, nhiều gia đình trong cùng một biệt thự, cơi nới, xây thêm làm mất đi hình dáng ban đầu.

Để tránh những tranh luận, những bức xúc của người dân, theo tôi phải khẩn trương lập danh mục, tiêu chí minh bạch. Bảo tồn nguyên trạng hay cho phép xây mới đều phải được số hóa kèm hồ sơ để người dân dễ tiếp cận thông tin. Phải tạo ra cơ chế phù hợp cho bảo tồn.

Ông có thể góp ý cụ thể cho các địa phương về vấn đề này…?

Khi làm ở Bộ Xây dựng, họp với Thủ tướng tôi cũng báo cáo. Ví dụ như Tam Đảo, là vùng rất đặc biệt về khí hậu, người Pháp chọn Tam Đảo là nơi nghỉ mát quan trọng nhất cho khu vực Hà Nội. Công trình Pháp cổ ở Ba Vì cũng bị phá nhiều. Quần thể biệt thự rất đẹp và cổ kính, nhưng bây giờ không còn. Tam Đảo trước là đô thị nghỉ mát với nhiều hạng mục công trình, nhưng giờ chỉ còn nhà thờ đá. Những năm gần đây làm thêm hàng loạt biệt thự sơn trắng muốt. Người giàu có tranh thủ chỗ đẹp làm nhà để nổi tiếng, nhưng những công trình ấy rất xa lạ với Tam Đảo và làm mất đi không gian ký ức của Tam Đảo.

Về giải pháp, theo tôi Tam Đảo phải được quy hoạch lại, chỉ đạo phục hồi xây dựng những kiến trúc cũ thì Tam Đảo rất đẹp, giá trị hơn rất nhiều. Nhưng giờ cứ có miếng đất nào thì lại làm nhà nghỉ, khách sạn mini, đưa khu vui chơi giải trí vào thì làm hỏng Tam Đảo.

Bảo tồn vẫn có thể đem lại hiệu quả kinh tế lớn

Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, nhiều người hiểu nhầm là bảo tồn không đem lại hiệu quả kinh tế nhưng nếu nhà nước có sự quan tâm, tổ chức có quy hoạch, có kế hoạch thì bảo tồn vẫn đem lại hiệu quả kinh tế cho cả một khu vực chứ không riêng gì một vài căn biệt thự cổ.

Ông Sơn cho rằng, có một vấn đề mà Việt Nam chưa thực hiện được đó là quy hoạch các trung tâm lịch sử. Hiện nay các thành phố có lịch sử lâu đời như TPHCM (trên 300 năm), Hà Nội (trên 1000 năm) hay là Huế, Đà Lạt (trên 100 năm),… đều không có trung tâm lịch sử theo đúng nghĩa.

Theo ông Sơn, trung tâm lịch sử có nghĩa là khoanh vùng một khu vực có ranh giới mà cơ quan chức năng có quy hoạch cụ thể quy định khu vực này bảo tồn như thế nào. Khu Trung tâm lịch sử này sẽ tổ chức thành một điểm đến du lịch, văn hóa, có những hoạt động… để tăng giá trị cho khu vực.

Dù không xây dựng nhà cao tầng nhưng vì giá trị văn hóa bù vào, cho nên giá trị các công trình trong trung tâm lịch sử vẫn rất cao.

Hữu Huy

Quan điểm của tôi về mặt quy hoạch là phải bình tĩnh lại, xem lại toàn bộ hiện trạng, kiểm tra lại toàn bộ thông tin phim ảnh, hồ sơ từ thời Pháp, quy hoạch lại thành khu du lịch núi nổi tiếng của vùng Thủ đô. Chấp nhận thương đau chúng ta sẽ có một Tam Đảo mới gắn với giá trị của lịch sử. Quy hoạch Tam Đảo không thể để cho nhà đầu tư chi phối được.

Về nguyên tắc quy hoạch trên thế giới, chỗ nào view đẹp nhất thì dành cho công cộng. Ví dụ hồ Hoàn Kiếm đẹp nhất thì làm phố đi bộ, không xây dựng công trình quá cao tầng xung quanh.

Dấu tích Pháp ở Sapa không còn nhiều. Không gian gần nhà thờ đá, khu chợ tình đã bị lấn át bởi công trình quá đồ sộ, quá khối tích, quy mô đó không hợp với Sa Pa.

Điều quan trọng nhất là cần những lãnh đạo địa phương đặt đúng giá trị của di sản, của công trình kiến trúc có giá trị để từ đó có biện pháp bảo tồn. Cần phải xem xét các quy định pháp luật, bịt các khe hở về lĩnh vực này.

MỚI - NÓNG
Lý do giá vàng thế giới biến động mạnh
Lý do giá vàng thế giới biến động mạnh
TPO - Dù đang trên đà giảm, giá vàng thế giới có mức tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày 24/4. Khi tình hình chính trị ở Trung Đông chưa có thêm căng thẳng thì dữ liệu kinh tế Mỹ, lộ trình lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ lại tác động giá vàng.