Gấp chục lần vốn điều lệ
Công ty CP Bách Hưng Vương có vốn điều lệ chỉ 200 tỷ đồng nhưng vừa phát hành xong 2.980 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn 12 tháng. Bách Hưng Vương là doanh nghiệp do bà Đinh Thị Ngọc Thanh-Chủ tịch HĐQT Bông Sen Corp làm Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật và sở hữu 75% vốn tại thời điểm thành lập. Đáng nói, các thông tin về lãi suất, mục đích phát hành, tài sản đảm bảo, trái chủ, đơn vị thu xếp cho lô trái phiếu của Bách Hưng Vương không được công bố.
Hồi cuối tháng 8/2021, Bông Sen Corp phát hành hai lô trái phiếu có tổng giá trị 4.800 tỷ đồng để cơ cấu nợ. Trái chủ là 12 tổ chức trong nước, trong đó có một tổ chức tín dụng và hai công ty chứng khoán. Trong năm 2019, Bông Sen Corp đã phát hành 7.350 tỷ đồng trái phiếu cho các quỹ và công ty chứng khoán.
Hàng loạt doanh nghiệp tiếp tục phát hành trái phiếu với nhiều không. |
Tương tự, Công ty TNHH Phúc Khang Đông Sài Gòn có vốn điều lệ 250 tỷ đồng nhưng đã phát hành thành công lô trái phiếu trị giá 700 tỷ đồng. Trái phiếu được chào bán là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, được đảm bảo bằng tài sản và không phải là nợ thứ cấp của tổ chức phát hành. Tương tự, Công ty TNHH MTV Quản lý Đầu tư Phúc Khang (PKIM) cũng phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 4 năm nhưng danh sách trái chủ không được công bố. Trước đó Phúc Khang Corp đã thế chấp toàn bộ phần vốn góp thuộc sở hữu ở PKIM được định giá 374,5 tỷ đồng tại TPBank.
Từ năm 2019 đến nay, Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt cũng tích cực huy động vốn qua kênh trái phiếu với lãi suất cao. Trong năm 2021, Phát Đạt đã phát hành 9 đợt trái phiếu với tổng giá trị 2.305 tỷ đồng. Hầu hết các lô trái phiếu có lãi suất 12-13%/năm đáo hạn năm 2023.
Tương tự, Công ty CP Bamboo Capital công bố báo cáo tài chính quý 1/2022 với tổng vốn đi vay hơn 15.100 tỷ đồng, tăng khoảng 12% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ trái phiếu ngắn hạn và dài hạn của doanh nghiệp này hơn 9.097 tỷ đồng.
Một thành viên trong hệ sinh thái của Bamboo Capital là Công ty CP Tập đoàn R&H cũng liên tục phát hành 7 lô trái phiếu với tổng giá trị lên tới 8.150 tỷ đồng. Công ty CP Tập đoàn R&H được thành lập tháng 8/2019, có vốn điều lệ 1.450 tỷ đồng.
Trong quý 1/2022, Tập đoàn Đất Xanh ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.792 tỷ đồng, giảm 39,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Nợ phải trả của Đất Xanh vẫn duy trì ở mức 14.900 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh nghiệp này lại đang lên kế hoạch phát hành trái phiếu chuyển đổi có giá trị 300 triệu USD cho đối tác chiến lược với kỳ hạn 5 năm.
Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia cũng thông qua nghị quyết phát hành tối đa khoảng 300 tỷ đồng. |
Tương tự, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia cũng thông qua nghị quyết phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ năm 2022. Theo đó, tổng khối lượng phát hành tối đa khoảng 300 tỷ đồng. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có tài sản đảm bảo. Kỳ hạn trái phiếu là 24 tháng kể từ ngày phát hành.
Quá nhiều rủi ro
Theo thống kê của Hiệp hội trái phiếu Việt Nam, trong quý 1/2022 có 48 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với tổng giá trị khoảng 30.998 tỷ đồng và 9 đợt phát hành ra công chúng giá trị 8.696 tỷ đồng. Tổng giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng tăng 13,78% so với cùng kỳ năm trước và giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ giảm 24,17%, đạt 30.998 tỷ đồng. Nhóm bất động sản hiện dẫn đầu về giá trị phát hành với tổng khối lượng phát hành đạt 17.211 tỷ đồng, chiếm 43,36%.
Trong quý 1/2022 có 48 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với tổng giá trị khoảng 30.998 tỷ đồng và 9 đợt phát hành ra công chúng giá trị 8.696 tỷ đồng. |
Báo cáo mới đây về thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản không ngừng tăng trưởng trong vài năm trở lại đây khi các chủ đầu tư ưu tiên sử dụng hình thức huy động vốn qua phát hành trái phiếu hơn là các nguồn vốn từ ngân hàng hay nhà đầu tư, khách hàng. Tính đến giữa tháng 4/2022, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành đạt gần 40.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, điều khiến các cơ quan quản lý lo ngại về trái phiếu bất động sản là doanh nghiệp sử dụng trái phiếu không đúng mục đích, dẫn đến rủi ro cho trái chủ; doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, thông tin tới trái chủ không đầy đủ và minh bạch…
Trao đổi với Tiền Phong, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho rằng, những vụ việc vừa qua đã bộc lộ bất cập, đặc biệt cơ chế chính sách bị lợi dụng. Đó là sự thiếu minh bạch thông tin, điều kiện phát hành lỏng lẻo, sử dụng vốn sai mục đích, chuyển nhượng vốn lòng vòng, tỷ lệ an toàn tài chính, tiêu chí đánh giá xếp hạng... của doanh nghiệp phát hành đều không ổn. Cùng với đó là sự thiếu giám sát, kiểm tra, quản lý của cơ quan chủ quản và các cơ quan tổ chức liên quan và vẫn còn những khoảng trống pháp lý để quản lý, giám sát thị trường. Nhiều nhà đầu tư cá nhân chưa hiểu rõ về pháp luật trong đầu tư, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp.