Loạt công trình không phép ven sông Hương 'bẻ' quy hoạch Thủ tướng phê duyệt?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trong Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Huế được Thủ tướng Chính phủ phê quyệt năm 2014, khu vực Cồn Nhỏ ven sông Hương là đất "cây xanh, công viên, thể dục thể thao". Tuy nhiên, chủ đầu tư dự án Go Green Farm lại cho xây dựng loạt công trình nhà cửa bê tông quy mô, cao tầng không phép, có nguy cơ đi ngược quy hoạch được duyệt.

Thời gian gần đây, dự án Go Green Farm, do Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ sinh thái (HTXNN&DVST) Go Green Farm (Huế) làm chủ đầu tư, triển khai thi công ồ ạt loạt công trình bê tông kiên cố, cao tầng ven trục cảnh quan sông Hương - nơi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch là đất chức năng "cây xanh, công viên, thể dục thể thao", khiến dư luận bức xúc.

Loạt công trình không phép ven sông Hương 'bẻ' quy hoạch Thủ tướng phê duyệt? ảnh 1

Công trình không phép đua nhau mọc lên tại dự án Go Green Farm, nơi được quy hoạch chức năng đất "cây xanh, công viên, thể dục thể thao"

Nơi đây mới chỉ được cấp chủ trương đầu tư, chưa có giấy phép xây dựng các hạng mục nhà cửa, đường sá, hạ tầng kỹ thuật…

Trước đó, vào tháng 12/2020, trên cơ sở đề nghị thỏa thuận phương án quy hoạch của Dự án khu sản xuất nông nghiệp và dịch vụ sinh thái Go Green Farm, Sở Xây dựng TT-Huế khi tham gia góp ý kiến đã chỉ rõ: Về quy hoạch sử dụng đất, theo Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP Huế đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê quyệt tại Quyết định 649/QĐ-TTg ngày 06/05/2014, khu đất có chức năng là đất cây xanh, công viên, thể dục thể thao. Như vậy, rõ ràng khu đất dự án Go Green Farm là đất quy hoạch "cây xanh, công viên, thể dục thể thao", không phải để xây dựng tổ hợp nhà cửa cao tầng không phép, dạng giống biệt thự hay công trình hàng quán dịch vụ ven sông như hiện nay.

Loạt công trình không phép ven sông Hương 'bẻ' quy hoạch Thủ tướng phê duyệt? ảnh 2

Đây liệu có phải là công trình mô phỏng dạng nhà vườn, nhà rường Huế?

Về bản đồ quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất, Sở Xây dựng TT-Huế cho rằng, nên điều chỉnh sử dụng thống nhất tên gọi chung là "đất cây xanh" trong đồ án quy hoạch, trong đó gồm "đất cây xanh cảnh quan" và "đất cây xanh nông nghiệp" để thuận lợi thiết kế quy hoạch sử dụng đất cho đồ án quy hoạch. Tránh gọi “đất sản xuất và trải nghiệm” hiểu nhầm là đất sản xuất trong khu quy hoạch…

Trên cơ sở đề nghị và tham mưu, đến ngày 28/5/2021, UBND tỉnh TT-Huế ban hành quyết định chủ trương đầu tư điều chỉnh Dự án Dự án khu sản xuất nông nghiệp và dịch vụ sinh thái Go Green Farm.

Loạt công trình không phép ven sông Hương 'bẻ' quy hoạch Thủ tướng phê duyệt? ảnh 3

Loạt công trình cao tầng không phép nguy cơ băm nát cảnh quan bờ sông Hương

Điều đáng nói, trong lần điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án “sản xuất nông nghiệp và dịch vụ sinh thái” tại khu đất chức năng "cây xanh, công viên, thể dục thể thao" theo quy hoạch năm 2014 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỷ lệ đất cây xanh cảnh quan trong tổng thể quy mô dự án Go Green Farm chiếm diện tích rất nhỏ, với 1.640,2m2.

Trong quyết định chủ trương đầu tư (điều chỉnh) vẫn gọi đây là “đất sản xuất và trải nghiệm nông nghiệp” (gồm nhà kho, khu kỹ thuật, khu vệ sinh, vườn cây, nhà ươm giống, vườn thí nghiệm), với tỷ lệ diện tích “áp đảo” lên đến 17.089,4m2. Bên cạnh đó là đất công trình, đón tiếp dịch vụ: 1.986,4m2; đất dịch vụ du lịch (nhà mô phỏng nhà vườn Huế): 5.967,2m2…

Mặc dù vậy, UBND tỉnh TT-Huế yêu cầu giới hạn tổng diện tích xây dựng tại dự án Go Green Farm là 1.507m2, mật độ 5%.

Loạt công trình không phép ven sông Hương 'bẻ' quy hoạch Thủ tướng phê duyệt? ảnh 4

Mật độ xây dựng các công trình không phép như thế này có bảo đảm giới hạn tỷ lệ 5% và giới hạn trong tổng diện tích được phép xây dựng công trình là 1.500m2?

Mật độ và tổng diện tích xây dựng giới hạn là vậy, tuy nhiên, kể từ tháng 3/2020 đến tháng 3/2021, chủ đầu tư dự án Go Green Farm đã liên tiếp cho xây “chui” 18 công trình nhà cửa, đường sá, kiến trúc cao tầng dạng giống biệt thự ven sông…

Hiện vẫn chưa cơ quan chuyên môn nào tại TT-Huế tiến hành kiểm tra, đánh giá, đo đếm, thống kê các công trình không phép này có vượt diện tích, vượt tỷ lệ 5% mật độ xây dựng hay không theo quy định của UBND tỉnh TT-Huế, tại khu đất đã được Thủ tướng Chính phủ phê quyệt tại Quyết định 649/QĐ-TTg ngày 06/05/2014 với chức năng "đất cây xanh, công viên, thể dục thể thao".

Loạt công trình không phép ven sông Hương 'bẻ' quy hoạch Thủ tướng phê duyệt? ảnh 5

Công trình xây không phép ồ ạt được giải thích là do nhà đầu tư nôn nóng, muốn sớm hoàn thành dự án

Sở Kế hoạch & Đầu tư TT-Huế cho biết, theo báo cáo của nhà đầu tư, do mong muốn triển khai thực hiện dự án sớm hoàn thiện và đưa vào hoạt động, nên sau khi được UBND tỉnh TT-Huế cho thuê đất và UBND thị xã Hương Trà thống nhất phương án tổng mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật dự án, trong thời gian làm thủ tục điều chỉnh dự án, nhà đầu tư đã tự ý triển khai xây dựng một số hạng mục công trình trên thực địa, mặc dù chưa được cấp giấy phép xây dựng.

Đối với việc triển khai dự án trên đất có chức năng là đất "cây xanh, công viên, thể dục thể thao", Sở Kế hoạch & Đầu tư TT-Huế cho rằng, sau khi rà soát lại chiến lược phát triển không gian kiến trúc cảnh quan hai bên bờ sông Hương được phê duyệt tại Quyết định 649/QĐ-TTg ngày 06/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan chức năng TT-Huế đã kiến nghị nhà đầu tư điều chỉnh mục tiêu và quy mô của dự án để làm tăng diện tích trồng cây xanh, tăng diện tích sản xuất nông nghiệp… nhằm phù hợp chiến lược phát triển không gian, kiến trúc cảnh quan theo quy hoạch được phê duyệt.

Loạt công trình không phép ven sông Hương 'bẻ' quy hoạch Thủ tướng phê duyệt? ảnh 6

Những công trình không phép quy mô, cao tầng như thế này liệu có phù hợp với chiến lược phát triển không gian, kiến trúc cảnh quan ven sông Hương theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt, hiện vẫn là dấu hỏi lớn

Tuy nhiên, với sự hiện hữu của loạt công trình bê tông kiên cố, cao tầng thuộc dự án Go Green Farm xây không phép trên đất chức năng "cây xanh, công viên, thể dục thể thao" ven sông Hương như một “sự đã rồi”, thực trạng đó có phù hợp với chiến lược phát triển không gian, kiến trúc cảnh quan theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt hiện là dấu hỏi lớn cần sớm được làm rõ, quy trách nhiệm cá nhân, tổ chức buông lỏng quản lý để xảy ra vi phạm và đòi hỏi phải xử lý nghiêm, dứt điểm.

Trước đó, như Tiền Phong liên tục thông tin, bờ sông Hương qua xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà (nay là TP Huế, tỉnh TT-Huế) phía cuối nguồn vừa xảy ra tình trạng xây dựng công trình trái phép ồ ạt, bất chấp các quy định pháp luật, có nguy cơ phá vỡ cảnh quan đôi bờ sông Hương và quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.