Năm 2017, Dự án khu sản xuất nông nghiệp và dịch vụ sinh thái Go Green Farm, do Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ sinh thái (HTXNN&DVST) Go Green Farm (địa chỉ đóng tại phường Vĩ Dạ, TP Huế) làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh TT-Huế cấp quyết định chủ trương đầu tư số tại Quyết định số 1050/QĐ-UBND ngày 18/5/2017.
Khu đất dự án Go Green Farm luôn trong cảnh cửa đóng then cài, người lạ khó tiếp cận bên trong |
Dự án triển khai trên tổng diện tích đất rộng 3ha nằm ven sông Hương ở khu vực Cồn Nhỏ đoạn đi qua thôn Minh Thanh, xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà, với mục đích biến nơi đây thành khu nông nghiệp công nghệ cao, kết hợp dịch vụ du lịch và sinh thái.
Một công trình cao tầng xây dựng không phép bên trong dự án nông nghiệp sinh thái chỉ toàn cây dại bao phủ |
Kể từ lúc được cấp chủ trương đầu tư đến nay, dự án khu nông nghiệp và dịch vụ sinh thái chưa thấy đâu, có dấu hiệu trễ tiến độ; trong khi, nhiều công trình kiên cố bằng bê tông cốt thép cao tầng xây dựng không phép lại liên tiếp mọc lên. Nhìn từ trên cao, nơi đây chẳng khác một đại dự án bất động sản hay khu biệt thự, resort cao cấp.
Nhìn từ trên cao, khu đất Cồn Nhỏ với loạt công trình cao tầng, bê tông cốt thép xây không phép chẳng khác một dự án bất động sản, hay khu resort, nghỉ dưỡng |
Vi phạm xảy ra nhiều lần nhưng chủ công trình dự án lại không bị xử lý nghiêm khiến dư luận, người dân đặt nghi vấn: liệu có ai đứng đằng sau tiếp tay, “chống lưng” cho hàng loạt công trình không phép ngang nhiên xây cất trên trục cảnh quan sông Hương thuộc phạm vi ảnh hưởng của quy hoạch chi tiết do tổ chức KOICA (Hàn Quốc) hỗ trợ thực hiện đã được chính quyền tỉnh TT-Huế phê duyệt và công bố.
Với loạt công trình nhà cửa không phép, dư luận lo ngại dự án sẽ bị biến tướng và công trình vi phạm được hợp thức hóa |
Ghi nhận của phóng viên, dù được cấp chủ trương đầu tư từ lâu, nhưng công trình dự án nơi đây có dấu hiệu đi “chệch” mục tiêu ban đầu. Cuối tuyến đường bê tông dẫn vào Cồn Nhỏ ven sông Hương, khu vực dự án nông nghiệp sinh thái hiện luôn trong tình trạng đóng kín cửa, nội bất xuất ngoại bất nhập. Bên trong khu đất được rào kín, chủ đầu từ đã cho xây dựng hệ thống đường nội bộ, cùng hàng loạt công trình nhà cửa kiên cố, mái lợp ngói. Những khu đất khác phủ kín cỏ dại, không có bất kỳ sản phẩm nông nghiệp nào hiện hữu tại đây.
Với cây dại bao phủ xung quanh các công trình không phép thuộc dự án Go Green Farm, người lạ khó tiếp cận vào bên trong, nơi đây trông thật bí ẩn |
Theo bà Nguyễn Thị Thùy Dung, cán bộ địa chính - xây dựng xã Hương Vinh, Đội Quy tắc đô thị thuộc thị xã Hương Trà và UBND xã Hương Vinh từng nhiều lần kiểm tra khu vực dự án và có biên bản làm việc, xác định nhiều công trình xây dựng trái phép trên đất dự án nông nghiệp sinh thái này.
Sau kiểm tra và yêu cầu dừng xây dựng, các công trình không phép tại dự án Go Green Farm lại phình thêm |
Cụ thể, vào ngày 23/3/2020, qua kiểm tra hiện trường thuộc dự án, các cơ quan chức năng thị xã Hương Trà đã phát hiện 6 công trình xây dựng, trong đó có công trình đã hoàn thiện với kết cấu 2 tầng diện tích 110m2, trụ bê tông cốt thép, sàn bằng gỗ, tường xây gạch; khu nhà hàng xây dựng diện tích 100m2, móng cao 1,2m, 12 trụ bê tông cốt thép, tường xây gạch dang dở và 4 nhà vườn xây dựng trên tổng diện tích khoảng 208m2. Tất cả các hạng mục công trình này đều không có giấy phép xây dựng.
Dự án nông nghiệp triển khai 4 năm nhưng không hề có sản phẩm nông nghiệp, khiến nhiều người nghi ngờ chủ đầu tư có thực sự chú tâm vào lĩnh vực đầu tư này, hay vì một mục đích khác? |
Đội Quy tắc đô thị Hương Trà, UBND xã Hương Vinh đã yêu cầu chủ đầu tư là HTXNN&DVST Go Green Farm ngưng thi công xây dựng công trình và phải tiến hành lập hồ sơ thủ tục trình cấp có thẩm quyền cấp phép. Lực lượng chức năng lưu ý, công trình chỉ được tiếp tục thi công khi được cấp có thẩm quyền cấp phép.
Đại công trình không phép thuộc dự án Go Green Farm nhìn từ bờ sông Hương lên |
Đến ngày 14/9/2020, UBND xã Hương Vinh tiếp tục kiểm tra hiện trường và mời đại diện chủ đầu tư làm việc. Sau lần kiểm tra đầu tiên vào tháng 3/2020, hiện trạng xây dựng trái phép tại dự án nông nghiệp sinh thái lại không ngừng “phình” to.
Cụ thể, nơi đây xây dựng 9 khu nhà vườn có tổng diện tích xây dựng 510m2, mái lợp tranh và ngói, tường bê tông cốt thép đã xây dựng xong; 1 dãy nhà trưng bày diện tích 200m2; 2 dãy nhà kho và sản xuất diện tích 150m2; nhà kỹ thuật và vệ sinh công cộng diện tích 120m2, mái lợp ngói, tường bê tông cốt phép, tầng lửng; nhà trung tâm và khu vui chơi trẻ em diện tích 200m2, mái ngói, tường bê tông cốt thép; khu ẩm thực 100m2 và 1 chòi nghỉ diện tích 20m2.
Đến ngày 16/3/2021, chính quyền địa phương tiếp tục kiểm tra dự án. Lần này, tại khu dự án của Go Green Fram đã có 18 công trình xây dựng trái phép "phình" thêm.
Theo tìm hiểu của PV, cơ quan chức năng tại TT-Huế đã có những đề xuất mang tính "tạo điều kiện", hợp thức hóa cho công trình không phép này tồn tại mà không hề có chủ trương cưỡng chế, tháo dỡ dù vi phạm mang tính hệ thống |
Chính quyền xã đã yêu cầu chủ đầu tư dừng thi công các công trình. Trong biên bản làm việc, chủ đầu tư cũng đã thừa nhận xây dựng một số hạng mục công trình trên đất dự án khi chưa được cấp giấy phép xây dựng.
Vi phạm ngang nhiên giữa thanh thiên bạch nhật và có dấu hiệu thách thức pháp luật là vậy, nhưng theo tìm hiểu của PV, công trình không phép ven sông Hương tại dự án của Go Green Farm không những bị xử lý nghiêm mà còn có dấu hiệu được các cơ quan chức năng “bật đèn xanh” hợp thức hóa để tồn tại.
Đồ án quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương do tổ chức KOICA, Hàn Quốc, hỗ trợ lập quy hoạch từ đồi Vọng Cảnh về phố cổ Bao Vinh (xã Hương Vinh), với chiều dài khoảng 15 km đã được phê duyệt. Theo ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế (giai đoạn 2018-2021), việc quy hoạch sông Hương là rất cần thiết để quản lý nghiêm ngặt, đem lại lợi ích cho người dân. Mỗi tác động đến hai bờ sông Hương, kể cả liên quan bố trí cây xanh, bờ kè, các thiết chế văn hóa đều được cân nhắc rất kỹ lưỡng...
Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến, với việc dự án Go Green Farm ngang nhiên xây dựng hàng loạt công trình không phép ven sông Hương, các nguyên tắc quản lý, bảo vệ đôi bờ sông Hương có nguy cơ bị phá vỡ và tạo nên tiền lệ xấu.