2 lần họp phụ huynh/tháng
Chị Nguyễn Thị Thu Trang, phụ huynh học sinh lớp 9 một trường ở Hà Nội, chia sẻ, chỉ một tháng cuối năm học 2014-2015 mà trường này tổ chức 2 lần đi họp lớp. Mục đích cuộc họp lần thứ nhất nhằm thông báo kết quả học tập và đề nghị đóng các khoản tiền lên tới hơn 2 triệu đồng/học sinh. Cuộc họp thứ hai cũng không ngoài mục đích thông báo kết quả học sinh sau thời gian ôn tập và tiếp tục đóng phí. Theo chị Trang, trong các khoản tiền được giáo viên chủ nhiệm thông báo phụ huynh phải đóng góp mà chị không thể nhớ hết thì tiền phải đóng cho việc học thêm là chủ yếu. “Phụ huynh nào cũng được đề nghị cho con ôn tập thêm vì yếu môn này, sút môn nọ và đi kèm đó là khoản học phí trên trời”, chị Trang nói. Ngoài ra, ban phụ huynh còn thu nhiều khoản tiền khác để chi cho các cháu sinh hoạt hè, quà kỷ niệm thầy cô…
Cùng chung tâm trạng, một phụ huynh khác ở quận Thanh Xuân cũng bức xúc: “Ngoài học phí, đầu năm mỗi học sinh đã phải cõng rất nhiều thứ phụ phí khác, tưởng cuối năm con nghỉ hè là thoát, ai dè họp phụ huynh cuối năm cũng mất đến tiền triệu”. Một trong những khoản phí chị thấy không hài lòng nhất chính là phí tổ chức cho các con đi chơi dã ngoại.
“Theo chương trình giáo viên chủ nhiệm thông báo, “Ngày trải nghiệm” của các con bao gồm được lên xe hành trình 70km để tham gia các trò chơi như bắt cá dưới ruộng, cấy lúa, tự nướng cá, thổi cơm bằng củi…lại phải đóng đến 500.000 đồng/học sinh. Đó là chưa kể các loại phí học thêm khác”, vị phụ huynh này nói.
Phụ huynh kêu trời vì nhiều khoản thu thì đại diện Hội cha mẹ học sinh cũng kể có những nỗi khổ riêng. Chị Nguyễn Thanh Cúc có con đang học lớp 5 ở phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân chia sẻ, từ khi con vào học lớp 1 đến nay chị đều được bầu vào ban đại diện phụ huynh của lớp. Mỗi kỳ học, ban đại diện đều cân nhắc rất kỹ mới đưa ra mức thu phí khoảng 300.000 đồng/kỳ. Trong đó, hạch toán rất rõ các khoản chi như: phí tổ chức sinh nhật, quà tri ân thầy cô dịp lễ, quà khuyến khích các con đạt thành tích mỗi tuần, mỗi tháng, quỹ thăm hỏi… Chị Cúc nói thêm, với số tiền trên thậm chí còn không đủ, ban đại diện phụ huynh liên tục phải viết thư mời, ngỏ ý xin tài trợ của các phụ huynh mạnh thường quân hoặc bỏ tiền túi để chi.
Hiệu trưởng trường THCS Marie Curie Nguyễn Xuân Khang cho rằng, việc thu các khoản phí khiến phụ huynh không hài lòng là không nên. Ở trường dân lập, ngay từ đầu năm, hiệu trưởng trường đã gửi ngay thư tới tất cả phụ huynh với nội dung: Nhà trường không cần bất kỳ một khoản đóng góp nào khác. Ông Khang cho hay, việc đóng góp các khoản tiền ở trường dân lập tuy cao nhưng phải được công khai, minh bạch ngay từ đầu năm.
PGS Văn Như Cương cũng chia sẻ, khi đứng vai trò lãnh đạo một trường, dịp hè ông nhận được rất nhiều lời mời gọi phối hợp để tổ chức cho học sinh đi dã ngoại, đi học trải nghiệm. Lý do từ chối mà trường đưa ra là những chương trình đó không có một đơn vị nào đánh giá ý nghĩa, chất lượng nên có thể chỉ là cái cớ để trường thu tiền phụ huynh, học sinh. Vì thế, trường cũng quán triệt hội phụ huynh không được thu các khoản ngoài quy định. “Một đồng của học sinh cũng là công sức đáng quý của phụ huynh vì thế trước khi thu khoản gì phải tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng”, ông nói.
Lễ trưởng thành của học sinh THPT Lê Quý Đôn, TPHCM năm 2014.
Trường nào cũng tri ân, chụp ảnh
Tại TPHCM, anh Đặng Lâm Toàn (37 tuổi, có con đang học lớp 5 tại trường tiểu học Trần Quốc Toản, quận 5) cho biết, trong những ngày tới, lớp con anh sẽ thu 250 nghìn đồng, bao gồm tiền liên hoan, tiền thuê lễ phục và tiền thuê thợ chụp ảnh để tổ chức hoạt động tri ân và liên hoan cuối năm. “Vì đây là dịp con chuyển cấp vào khối THCS và đánh dấu bước trưởng thành của con, nên vợ chồng tôi rất sẵn sàng đóng tiền để cho con tham gia vào hoạt động này”, anh Toàn nói.
Chị Nguyễn Thị Kiều (phụ huynh em Nguyễn Nhật Trường- lớp 5 Trường tiểu học Âu Dương Lân, quận 8, TPHCM) cho biết, từ lúc họp phụ huynh vào đầu học kỳ 2, chị đã được thông báo về những khoản chi tiêu cuối năm. “Cụ thể, để tổ chức lễ tri ân thầy cô, cha mẹ và chụp ảnh lưu niệm ngày hoàn thành chương trình bậc tiểu học, mỗi học sinh phải đóng cho con 200 nghìn đồng. Riêng số tiền liên hoan cuối năm, do đã có quỹ lớp bù vào, mỗi học sinh đóng thêm khoảng 50 nghìn đồng để mua bánh kẹo…”, chị Kiều kể.
Trong khi đó, nhiều trường mầm non khác cũng đã thông báo việc chụp hình lưu niệm trong lễ tốt nghiệp, tổng kết cuối năm với giá mỗi tấm hình từ 100 ngàn đồng trở lên. Tại trường mầm non Rạng Đông, quận 6, ngay bảng thông báo của trường này cũng đã dán bảng quảng cáo với nội dung: “Nhân dịp mừng lễ tốt nghiệp niên học 2014 - 2015, Trung tâm ảnh màu kỹ thuật số PHLEDO chụp hình trạng nguyên cho bé yêu nhân kỷ niệm sau những năm học tại trường mầm non thân yêu và làm quà biếu cho gia đình và người thân gần xa. Quý phụ huynh cho bé chụp ảnh vui lòng đăng ký cho GVCN của bé. Giá mỗi bức ảnh từ 100 - 350 ngàn đồng tùy kích cỡ và chất liệu ảnh”.
Vừa đăng ký cho con chụp tấm hình với giá 180 ngàn đồng vào ngày lễ tổng kết, chị Lê Thị Kim Dung cho biết: “Mình đăng ký cho con chụp hình là để làm kỷ niệm, lại không thua kém bạn bè chứ thật sự con nhỏ quá, làm sao hiểu được gì?”.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, cho biết: “Sở khuyến khích việc các trường tổ chức làm lễ tri ân, trưởng thành cho các em học sinh cuối cấp, tuy nhiên, cần phải tổ chức nghiêm túc, có ý nghĩa, tránh gây lãng phí, tốn kém cho phụ huynh và học sinh”.