Loạn nhà báo rởm

Mặt trong giấy giới thiệu của ông Mai Xuân Hữu được in như thẻ nhà báo
Mặt trong giấy giới thiệu của ông Mai Xuân Hữu được in như thẻ nhà báo
TP - Không bằng cấp, chuyên môn, chỉ cần các-vi-dít và tờ giấy giới thiệu giả, nhiều đối tượng “nhà báo”, tác oai, tác quái khắp hang cùng, ngõ hẻm. Dân lành, doanh nghiệp và thậm chí cả quan chức đều có thể là nạn nhân.

Oai như nhà báo rởm

Tỉnh lẻ Quảng Bình mấy năm gần đây hoạt động báo chí bỗng dưng sôi động hẳn. Ngoài những phóng viên do các cơ quan báo chí cử về hoạt động chính thức, không biết từ đâu ra rất nhiều người tự xưng là “nhà báo”, không cần đăng ký hoạt động với Sở Thông tin Truyền thông (TT &TT).

Để mọi người biết mặt, biết mũi nhằm dễ bề hoạt động, các “nhà báo” này rất chịu khó tham gia các hội nghị, họp báo... cho dù không được mời. Khi có cơ hội là họ tranh phần phát biểu, giới thiệu mình làm ở báo này, báo nọ. Thậm chí, có những người còn mặc trang phục ngành, có sao, có vạch hẳn hoi. Và ở những cuộc như vậy chẳng có ai yêu cầu họ xuất trình giấy tờ hợp pháp.

Sau những buổi “ra mắt” như vậy, khi danh tính, mặt mũi đã được mọi người biết đến, họ tỏa đi khắp hướng để “làm ăn”. Nạn nhân của những “nhà báo” này đủ mọi tầng lớp trong xã hội.

Câu chuyện có thật: Có anh bạn mở phòng mạch nho nhỏ, vậy mà suốt ngày hết báo rồi tạp chí gọi điện yêu cầu làm quảng cáo. Nếu từ chối, ngay lập tức bị dọa dẫm sẽ viết bài đăng trên báo. Thậm chí có bà bán quán cơm bình dân cũng bị các “nhà báo” suốt ngày hành hạ theo kiểu: “Chị mà đăng bài trên báo em chắc chắn quán chị sẽ đông khách, sau này lỡ có việc gì các cơ quan chức năng cũng không dám đụng đến”. Rồi các doanh nghiệp, cơ quan hành chính hàng ngày vẫn phải bất đắc dĩ tiếp không ít cái gọi là “nhà báo” đến mặc cả vì một thiếu sót nào đó, hoặc nhẹ hơn là ép đăng quảng cáo khi đơn vị họ không có nhu cầu.

Một nhà thầu đang thi công QL 1A, đoạn qua Quảng Bình tâm sự: Gần như ngày nào công trường của tôi cũng bị một nhóm vài ba người đến quấy nhiễu. Họ xông vào giữa công trường đang thi công để quay phim, chụp ảnh. Nhắc nhở mất an toàn là ngay lập tức bị lên giọng đe nẹt, dọa dẫm rằng: Nhà thầu cản trở “nhà báo” tác nghiệp, chống người thi hành công vụ...

“Mặc dù chẳng có gì sai phạm nhưng không muốn ồn ào, thôi thì “tránh “báo” chẳng xấu mặt nào” nên chúng tôi đành phong bì, phong bao cho họ với lí do thuốc nước. Tưởng vậy là yên, ai ngờ ngày hôm sau, rồi hôm sau nữa họ lại xuất hiện. Từ lần đầu một triệu, những lần sau tôi giảm dần xuống một trăm họ cũng lấy. Biết đội này không đàng hoàng, tôi kiên quyết không cho nữa và đợi xem họ sẽ viết về mình những gì trên báo. Nhưng đợi mãi không thấy báo nào đăng, người cũng biến mất tăm. Mới đây tôi nghe bên công trường của Công ty Thanh Bình có ẩu đả với “nhà báo”, có lẽ họ chịu không nổi nên mới rượt cho” - nhà thầu này nói.

Ông Phạm Quang Hải, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Quảng Bình cho biết: Nhiều nhà thầu nâng cấp QL 1A đoạn qua Quảng Bình phản ánh với ông là có rất nhiều “nhà báo” vòi tiền. Chỉ cần một sai sót nhỏ trong điều hành thi công là y như rằng có ba, bốn “nhà báo” xông vào hoạnh họe và đương nhiên phải “tiền tươi thóc thật” họ mới chịu đi. “Có trường hợp, anh công nhân gác chắn phân luồng đường lơ là một chút, ngay lập tức có 3 người tự xưng là “nhà báo” xuất hiện, yêu cầu gặp giám đốc để làm việc. Và họ không ngần ngại cầm tiền ngay trong lán điều hành công trường giữa thanh thiên bạch nhật. Không dừng lại ở đó, nhiều trường hợp họ còn điện thoại yêu cầu gặp bằng được tôi để làm việc”- ông Hải kể.

Cuộc chiến thật - giả

Ngày 25/10, đại diện Sở Giao thông Vận tải, Sở TT&TT và Công an Quảng Bình phối hợp lập biên bản đối với ông Mai Xuân Hữu, do nghi ngờ làm giả giấy tờ nhà báo khi đến làm việc với ông Phạm Quang Hải, Giám đốc Sở GTVT Quảng Bình, liên quan đến việc nâng cấp QL 1A. Theo đó, ông Hữu xưng mình là PV báo điện tử Tầm Nhìn, nhưng khi xuất trình giấy tờ lại do báo Văn Nghệ Trẻ cấp. Đặc biệt, giấy giới thiệu của ông Hữu do Văn phòng Đại diện của báo Văn Nghệ Trẻ ở Nha Trang cấp, nhưng hình thức lại giống như thẻ nhà báo.

Tương tự, chiều ngày 20/10/ 2014, có hai người xưng là phóng viên báo điện tử Tầm Nhìn là Hà Tuấn Vũ và Phan Văn Dụng đến Công an huyện Quảng Ninh trình báo, bị người của nhà thầu Thanh Bình hành hung khi tác nghiệp tại vị trí mà đơn vị này đang thi công. Nhận được tin báo, Công an huyện Quảng Ninh đã vào cuộc và triệu tập một số người liên quan để xác minh điều tra.

Tuy nhiên, Công an huyện Quảng Ninh đã rất lúng túng khi giấy công tác của hai vị này lại do một người là Hồ Xuân Hoàng, không rõ chức vụ với ba chữ viết tắt (TTT Bắc Trung bộ) ký giới thiệu. Hiện vụ việc hành hung và sự chính danh của hai phóng viên này đang được cơ quan công an điều tra, xác minh làm rõ.

Nhằm cảnh báo trước những trường hợp mạo danh tương tự, một số tờ báo đã lên tiếng phản ánh sự việc. Ngay lập tức các “nhà báo” tự xưng này lên facebook chửi bới, mạt sát thậm tệ những người viết bài. Riêng “nhà báo” Hữu có nickname Quảng Bình, còn đăng status trên Diễn đàn nhà báo trẻ, công bố kiện các báo đăng về mình. Trên diễn đàn, xuất hiện những bình luận ủng hộ “nhà báo” Hữu, thậm chí còn bình chọn giải “kền kền” cho bài viết về việc ông Hữu bị lập biên bản.

Một số phóng viên đã bị tòa soạn yêu cầu viết tường trình về bài viết liên quan đến “nhà báo” Hữu. Sự thật dần được sáng tỏ, đến nay ông Hữu vẫn không cung cấp được giấy tờ chứng minh là nhà báo theo yêu cầu của cơ quan chức năng và biến mất khỏi địa bàn.

Những người hoạt động báo chí chân chính có chung nhận định rằng: Tiên trách kỷ hậu trách nhân. Đôi khi một số đồng nghiệp của chúng ta vẫn chưa thực sự chỉn chu trong cuộc sống, trong tác nghiệp. Tuy nhiên, nguyên nhân hàng đầu vẫn do nạn loạn “nhà báo” gây ra. Những người tự xưng là nhà báo này thường không nghề nghiệp, không thu nhập nên không có gì để mất. Họ bất chấp danh dự, nhân phẩm mạo danh để trục lợi bằng mọi giá…

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG