Loài vật từng 'vắt ra tiền' nay thành gánh nặng của người nuôi

0:00 / 0:00
0:00
Nhiều hộ nuôi bò sữa ở huyện Củ Chi (TPHCM) đã bỏ nghề do giá bán sữa thấp. Địa phương đang hỗ trợ chuyển đổi nghề nhằm ổn định thu nhập cho bà con nông dân.
Loài vật từng 'vắt ra tiền' nay thành gánh nặng của người nuôi ảnh 1

Nông dân huyện Củ Chi nuôi bò sữa. Ảnh: T.Đ

Từ chỗ là con "xóa đói, giảm nghèo", giúp nông dân vươn lên khá giả, giàu có, con bò sữa đang trở thành gánh nặng cho cả người dân và chính quyền huyện Củ Chi liên quan đến môi trường và việc làm trong chương trình làm nông thôn mới.

"Làn sóng" bỏ nghề nuôi bò sữa

Theo UBND huyện Củ Chi, năm 1988, Củ Chi chỉ có mấy trăm con bò sữa. Nhưng 7 năm sau, huyện Củ Chi đã có khoảng 70.000 con bò. Tuy nhiên, đến năm 2018, đàn bò sữa bắt đầu giảm sút chỉ còn khoảng 60.000 con, với 8.500 hộ nuôi. Và đến năm 2023, huyện này còn 39.000 con bò sữa.

Ông Lê Đình Đức - Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi đánh giá, trước đây đàn bò sữa có tác động đến đời sống bà con nông dân khá lớn. Con bò sữa giúp xóa đói, giảm nghèo, làm tăng hộ giàu, khá trên địa bàn. Tuy nhiên, những năm gần đây đàn bò sữa trên địa bàn giảm sút nhanh do quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa và giá giảm mạnh.

Trại chăn nuôi bò sữa của bà Lê Ngọc Mỹ (xã An Phú), từ chỗ là trang trại nuôi bò sữa được xây dựng quy mô, áp dụng công nghệ cao giờ thưa thớt bò sau thời gian thua lỗ.

Anh Liêu Chia - người chăm sóc bò của trang trại cho biết, trước kia trang trại có hơn 100 con bò sữa, kể từ sau Tết 2023 trại đã giảm đàn, giờ chỉ còn khoảng 50 con. Lý giải nguyên nhân trang trại phải bán bò, anh Chia cho biết, trước đây giá sữa bò mười mấy nghìn 1kg, trong khi giá thức ăn chăn nuôi khá rẻ. Giờ giá cám lên gấp đôi mà giá sữa vẫn vậy nên nuôi bò không có lời.

"Xung quanh đây, nhiều hộ chăn nuôi bò sữa nhỏ lẻ cũng bán hết bò, bỏ nghề rồi" - anh Chia bộc bạch.

Theo ông Lê Đình Đức, bà con nuôi bò sữa trên địa bàn đang bỏ nghề và chuyển dần sang nghề khác. Dự kiến, huyện sẽ giảm đàn bò còn khoảng 30.000 con và chủ yếu nuôi bán giống chứ không bán sữa. Các xã Tân Phú Trung, Bình Mỹ, Tân Thạnh Đông… trước đây là những nơi chủ lực nuôi bò sữa của huyện, giờ trại nuôi bò sữa khá thưa thớt.

Một số trại bò từ các xã này đang dịch chuyển ra các xã Phước Thạnh, Trung Lập Hạ, Trung Lập Thượng, Nhuận Đức, Phạm Văn Cội, An Nhơn Tây, Phú Mỹ Hưng… "Củ Chi muốn chấm dứt đàn bò sữa cần phải có quá trình" - ông Đức chia sẻ.

Loài vật từng 'vắt ra tiền' nay thành gánh nặng của người nuôi ảnh 2

Nỗ lực chuyển đổi

Ông Đức cho hay, giờ chính quyền huyện Củ Chi phải lo đào tạo nghề cho bà con nông dân bỏ nghề nuôi bò sữa để duy trì chỉ tiêu thu nhập của người dân trong quá trình làm nông thôn mới. "Phải tạo công ăn, việc làm tại nhà, hoặc hỗ trợ kinh phí học nghề phi nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp hoặc làm nông nghiệp đô thị cho bà con" - ông Đức cho biết.

Nhìn lại chặng đường 10 năm thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (2010 - 2020) tại huyện Củ Chi đã có bước cải thiện đáng kể, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng thu nhập cho người dân và phát triển kinh tế địa phương. Trong 10 năm đó, toàn huyện đã có 17.288 lao động nông thôn được tư vấn học nghề. Cùng với các nghề nông nghiệp phát huy hiệu quả thì các mô hình nghề phi nông nghiệp đang ngày càng phát triển và mang lại hiệu quả tích cực trong việc đào tạo nghề của huyện.

Ngoài ra, huyện Củ Chi còn phối hợp Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố - Cơ sở 2 (tại xã Trung An) tổ chức 32 phiên giao dịch việc làm miễn phí cho người lao động và các hội thảo định hướng giáo dục nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên, nhằm góp phần đảm bảo tỷ lệ có việc làm sau học nghề đạt 85% theo quy định.

Theo Trần Đáng/Dân Việt
MỚI - NÓNG