Chiều 27/4, trả lời phóng viên về việc rà soát các ứng viên để tránh những trường hợp không đủ tiêu chuẩn lọt vào danh sách bầu cử, đặc biệt đối với các trường hợp có 2 quốc tịch, bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng Ban công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định: Lần này Hội đồng Bầu cử Quốc gia có nhiều kinh nghiệm từ Quốc hội khóa XIV.
“Trong khóa trước có trường hợp ứng viên có 2 quốc tịch trúng cử. Lần này, chúng tôi yêu cầu rất rõ, các ứng viên khai hồ sơ chỉ một quốc tịch Việt Nam. Chúng tôi phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an khi hiệp thương lần 2; phối hợp Cục An ninh chính trị nội bộ của Bộ Công an rà soát hồ sơ, loại trừ những hồ sơ chưa thật trung thực, chính xác", bà Thanh nói.
Có 101 Ủy viên Trung ương ứng cử
Cũng theo bà Nguyễn Thị Thanh, trong số 868 ứng viên được công bố, có 101 Ủy viên Trung ương.
Trong đó, có 39 Ủy viên Trung ương Đảng ở khối Trung ương được phân bổ về địa phương, còn 62 Ủy viên Trung ương Đảng ở tại địa phương.
Theo danh sách được công bố, có 17 Ủy viên Bộ Chính trị ứng cử đại biểu Quốc hội khóa mới. Trong đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ứng cử tại Hà Nội; Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ứng cử tại TP.HCM; Thủ tướng Phạm Minh Chính ứng cử tại Cần Thơ; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ứng cử tại Hải Phòng; Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng ứng cử ở Đà Nẵng.
Về nguyên tắc phân bổ, bà Thanh cho biết, nơi ứng cử của các lãnh đạo cấp cao do Bộ Chính trị phân công trên cơ sở nguyên tắc phù hợp vùng miền và những địa phương, thành phố quan trọng.
Cùng với đó, các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khác cũng được bố trí ở địa bàn có tính chất lan tỏa của vùng, yêu cầu về chính trị, an ninh quốc phòng, phù hợp chuyên môn, chức năng nhiệm vụ, vị trí mà họ đang phụ trách.
“Việc này nhằm đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc tham gia Quốc hội, phản ánh việc đại diện vùng miền, phản ánh nguyện vọng của cử tri cả nước đến với Quốc hội”, Trưởng Ban công tác đại biểu cho hay.
Bà Thanh cũng cho biết thêm, đối với các đại biểu khác, Nghị quyết 158 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu nguyên tắc phân bổ nơi ứng cử, hài hòa giữa các địa phương. Qua đó, mỗi tỉnh chỉ có 2 - 3 đại biểu Trung ương, nhiều nhất là Hà Nội, TP.HCM, Thanh Hóa, Nghệ An.