Về kiểm tra công tác bầu cử tại Quảng Ninh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị tỉnh tổ chức thực hiện cuộc bầu cử theo đúng quy định, phát huy cao nhất quyền làm chủ của người dân, công khai, minh bạch và đảm bảo tuyệt đối an toàn, để ngày bầu cử thực sự là “ngày hội của toàn dân”. Chủ tịch Quốc hội lưu ý làm tốt công tác xử lí đơn thư khiếu nại tố cáo; dự báo một số địa bàn phức tạp, nhất là khi công bố danh sách ứng cử viên.
Kiểm tra tại Hải Phòng, Chủ tịch Quốc hội lưu ý địa phương phải có kế hoạch, chủ động trong phòng, chống dịch COVID-19 và những tình huống phát sinh trong quá trình bầu cử.
Đảm bảo an ninh trật tự, kiên quyết đấu tranh với hành động phá hoại bầu cử là vấn đề được Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Tiểu ban An ninh trật tự và y tế đặc biệt nhấn mạnh khi giám sát tại TP. HCM. Theo ông Tỵ, TP. HCM là địa bàn trọng điểm, dự báo tình hình an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội trong thời gian diễn ra bầu cử có thể diễn biến phức tạp, khó lường. Chính vì vậy, ông đề nghị TP. HCM làm tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo kịp thời, thấu tình đạt lý, đúng pháp luật.
Đấu tranh chống lại những luận điệu sai trái
Chiều 20/4, Đoàn công tác Hội đồng bầu cử Quốc gia do ông Trần Cẩm Tú, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ủy viên Hội đồng bầu cử Quốc gia làm trưởng đoàn có buổi làm việc với Ủy ban Bầu cử tỉnh Tây Ninh.
Đánh giá cao công tác chuẩn bị bầu cử của Ủy ban Bầu cử tỉnh Tây Ninh, ông Trần Cẩm Tú lưu ý lãnh đạo tỉnh từ nay đến ngày bầu cử chỉ đạo theo đúng các quy định của Trung ương, đảm bảo đúng yêu cầu, đúng pháp luật, công bằng, công khai, dân chủ, tiết kiệm, đạt tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cao nhất để bầu chọn những người đủ đức, đủ tài và xứng đáng.
“Tỉnh cần tăng cường công tác tập huấn cho từng địa phương, cơ quan nắm chắc quy trình bầu cử, tránh những sai sót không đáng có xảy ra; tổ chức tốt hội nghị người ứng cử gặp gỡ cử tri, vận động bầu cử, báo cáo dự kiến chương trình hành động sau đắc cử… Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời giải quyết những đơn thư, khiếu nại phát sinh theo đúng quy định” - ông Tú nhấn mạnh và yêu cầu kiên quyết đấu tranh chống lại những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, tăng cường tuyên truyền, nêu cao ý nghĩa bầu cử đến mọi tầng lớp nhân dân.
Ông Trần Cẩm Tú cũng đề nghị, Ủy ban Bầu cử tỉnh Tây Ninh cần chú trọng công tác phòng chống dịch COVID-19 trong suốt quá trình diễn ra bầu cử; chuẩn bị các phương án dự phòng phù hợp với những tình huống phức tạp khi có dịch bệnh xảy ra.
H.Chi-T.Châu
Đồng thời, cần ngăn chặn mọi hành vi lợi dụng dân chủ, lợi dụng khiếu nại, tố cáo để can thiệp, phá hoại bầu cử; kiên quyết đấu tranh chống mọi luận điệu xuyên tạc, âm mưu, hành động phá hoại cuộc bầu cử; tiếp tục chỉ đạo chặt chẽ việc xây dựng các phương án bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Bên cạnh đó, cần thực hiện cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, xử lý nghiêm việc lợi dụng khiếu nại, khiếu kiện để gây rối, lợi dụng mạng xã hội để chống phá bầu cử. Cùng với đó, chủ động xây dựng các phương án, kịch bản nhằm kịp thời ứng phó khi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra.
Ngày 20/4, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, Ủy viên Hội đồng bầu cử Quốc gia cùng đoàn giám sát làm việc với Ủy ban bầu cử tỉnh Quảng Ngãi. Đại tướng Tô Lâm đề nghị địa phương thực hiện tốt việc đảm bảo an ninh trật tự, lưu ý vấn đề người nhập cảnh, ngư dân làm ăn xa bờ, khách du lịch; tập trung đấu tranh phản bác các luận điệu chống phá bầu cử của các thế lực thù địch. Đồng thời quan tâm đến vấn đề phòng chống dịch bệnh COVID-19 và những tình huống thiên tai có thể xảy ra trong ngày bầu cử.
“Mục tiêu kép” trong bầu cử
Trao đổi với PV Tiền Phong, TS. Bùi Đức Thụ, nguyên Phó Trưởng Ban công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhìn nhận, từ kinh nghiệm trong dịp Đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng toàn quốc vừa qua cho thấy, các thế lực thù địch luôn lợi dụng vào các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, tung ra rất nhiều chiêu trò, thông tin xấu độc. Các thế lực thường nhằm vào người này, người kia, đưa thông tin sai lệch để công kích, hạ bệ và gây mất đoàn kết.
“Qua theo dõi công tác bầu cử mấy khóa gần đây, chúng tôi đều thấy xuất hiện tình trạng này. Trong điều kiện mạng xã hội phát triển mạnh như hiện nay, các thế lực luôn triệt để lợi dụng, kích động, rồi tung các tài liệu xấu độc về bầu cử. Do vậy, cần phải có hệ thống tuyên truyền, đấu tranh hiệu quả. Các cơ quan chuyên trách cần vào cuộc xử lý triệt để, ngăn chặn tình trạng xuyên tạc, vu khống, nhằm phá hoại bầu cử”, ông Thụ nói.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Phó Trưởng Đoàn Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, công tác chuẩn bị trong thời gian từ nay đến ngày bầu cử là rất quan trọng, quyết định đến thành công của bầu cử. Trong đó, việc đảm bảo trật tự an toàn, an ninh trong thời gian trước, trong và sau bầu cử rất quan trọng.
Cũng theo ông Hòa, kỳ bầu cử lần này chúng ta còn phải đối phó với dịch COVID-19, nên phải thực hiện tốt “mục tiêu kép”: đảm bảo an ninh trật tự và an toàn trong phòng, chống dịch.
“Điều này vô cùng quan trọng, bởi nếu tình huống xấu xảy ra thì công tác bầu cử sẽ gặp nhiều khó khăn. Tôi được biết, một số địa phương đề nghị phải có khai báo y tế với từng cử tri, có thuốc sát khuẩn, đo thân nhiệt đầy đủ… Các đơn vị, địa phương cũng đang tính toán, có kế hoạch cụ thể, phù hợp với tình hình thực tiễn diễn biến dịch bệnh, đưa ra giải pháp hữu hiệu nhất”, ông Hòa cho hay.
Ủy viên Ủy ban Pháp luật cũng lưu ý các địa phương cần quan tâm, giải quyết tốt vấn đề khiếu nại, tố cáo. “Là thành viên Ủy ban Bầu cử tỉnh, đến giờ phút này, chúng tôi chưa nhận được trường hợp khiếu nại, tố cáo nào về công tác bầu cử và các ứng cử viên. Đây là một tín hiệu rất tốt khi hội nghị hiệp thương vòng ba đã hoàn tất, tạo tiền đề tốt cho đợt tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử tới đây”, ông Hòa nói thêm.