Lộ thêm lỗ hổng trong quản lý thị trường xăng dầu

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tổng Cục Quản lý Thị trường cho biết, nhiều Sở Công Thương và Cục Quản lý Thị trường các địa phương đã có báo cáo về tình hình bán xăng dầu nhỏ giọt, bán theo số lượng hạn định, ngừng bán. Lý do được đưa ra là đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu bị cắt chiết khấu.

Theo phản ánh của nhiều đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu, trong vòng 2 ngày trở lại đây, tình trạng cắt chiết khấu, chiết khấu mức rất thấp với mặt hàng xăng, dầu xuất hiện trở lại ở nhiều địa phương khiến doanh nghiệp lại bị rơi vào cảnh bán hàng không đủ trang trải chi phí và bị lỗ. Cùng với đó là việc không bán thì bị rút giấy phép, mà càng bán thì càng bị mất vốn kinh doanh.

Các mức chiết khấu lại giảm về 0 đồng, đồng nghĩa doanh nghiệp lỗ từ 600 đồng đến cả nghìn đồng/lít xăng dầu bán ra. Mức chiết khấu 0 đồng được ghi nhận từ các cửa hàng bán lẻ thuộc các doanh nghiệp như Nam Sông Hậu (Cần Thơ), Xăng dầu Quân đội khu vực 4.

Lộ thêm lỗ hổng trong quản lý thị trường xăng dầu ảnh 1

Nhiều doanh nghiệp, cửa hàng xăng giở chiêu bán hàng đối phó

Tại Tiền Giang, Cục Quản lý Thị trường cho biết, đã giám sát, làm việc trực tiếp tại 4 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn đồng thời qua kiểm tra, phát hiện 1 cửa hàng có vi phạm về điều kiện kinh doanh. Thực tế có tình trạng một số cửa hàng kinh doanh xăng dầu ven sông Tiền bán giảm số lượng cho các tàu khi có nhu cầu và chỉ bán cho khách hàng quen.

“Để qua mặt các cơ quan chức năng, tránh bị mang tiếng là không có chiết khấu cho đại lý và cửa hàng bán lẻ, một số doanh nghiệp đầu mối, tổng đại lý vẫn để chiết khấu với mức thấp nhưng đồng thời áp dụng hình thức phụ thu cước vận chuyển với mức 200 đồng/lít. Với mỗi lít bán ra như này, cửa hàng bán lẻ chúng tôi lỗ xấp xỉ 1.000 đồng/lít”, một đại lý xăng dầu cho biết.

Để hạn chế việc bán hàng, nhiều đại lý bán lẻ xăng dầu đã tìm mọi cách đối phó với cơ quan quản lý bằng việc hạn chế lượng bán ra hoặc tạm dừng bán bằng việc đăng ký với cơ quan quản lý là Sở Công Thương, quản lý thị trường… với lý do sửa chữa bể chứa, máy bơm, cột bơm gặp sự cố, hỏng trụ hỏng do chập điện…

Xác nhận với PV Tiền Phong, đại diện lực lượng Quản lý thị trường cho biết có tình trạng nhiều cây xăng, đại lý xăng dầu ở các địa phương đang tìm cách đối phó với cơ quan chức năng để hạn chế lượng bán ra là có thật.

Trao đổi với PV Tiền Phong bên lề tọa đàm "Biến động giá dầu và kịch bản ứng phó cho ổn định và phát triển", do báo Đầu tư tổ chức ngày 8/9, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho biết, Chính phủ và Quốc hội cần nhanh chóng tiếp tục giảm nốt Thuế Bảo vệ môi trường đồng thời rà soát các sắc thuế có thể giảm để hỗ trợ chặn đà tăng giá tác động của giá dầu gây ảnh hưởng đến giá cả cũng như nền kinh tế.

Việc cơ quan quản lý đang để kéo dài nhiều bất cập trong điều hành cũng là nguyên nhân thị trường xăng dầu có những bất ổn. Cụ thể, theo Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, việc áp dụng cách tính chi phí định mức, tính giá xăng dầu hiện nay cũng có điểm bất cập. Trong quy định hiện hành, nhiều loại chi phí của doanh nghiệp 6 tháng vẫn giữ nguyên trong khi thị trường biến động, đặc biệt chi phí vận chuyển thay đổi hằng ngày với biên độ rất lớn. Việc áp dụng cách tính cứng về giá trong Nghị định 83 và 95 như vậy không còn phù hợp với diễn biến thị trường hiện nay, kéo theo giá không phản ánh kịp diễn biến của giá thế giới dù đã rút thời gian điều chỉnh giá xuống còn 10 ngày/kỳ điều chỉnh.

Một chuyên gia trong ngành xăng dầu cho biết, thị trường xăng dầu thời gian qua có nhiều thông tin và những "ẩn số bí hiểm" đặt ra về việc các doanh nghiệp đầu mối không đủ điều kiện về kho chứa, đại lý, thương nhân phân phối nhưng vẫn được cấp giấy phép hoạt động. Các doanh nghiệp đang sở hữu bao nhiêu thương nhân phân phối để người dân giám sát việc tuân thủ quy định đến giờ không mấy người biết. Việc thanh tra lại điều kiện cấp phép các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối cũng như cấp phép cho các thương nhân phân phối cũng cần làm rõ trong thời gian tới.

MỚI - NÓNG