Để đội ngũ người lao động Việt Nam thích ứng với điều kiện mới của Cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4 là vấn đề không hề dễ dàng. Việt Nam cần thay đổi phương thức đào tạo lao động và phải dám thay đổi để có sự bứt phá. Đó là những vấn đề được đặt ra ở hội nghị về đào tạo nguồn nhân lực diễn ra tại Hà Nội, ngày 26/2.
Lo robot chiếm việc làm của con người
Tại Hội nghị khoa học Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 do Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội tổ chức ngày 26/2, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho hay, các ngành nghề bộ đang quản lý đóng góp đến 70% GDP trong 2018. Tuy nhiên, những cơ sở đào tạo trong hệ thống của ngành công thương hiện chưa đáp ứng được yêu cầu, phương thức đào tạo vẫn theo kiểu cũ, thiếu gắn kết với thực tiễn dẫn đến chất lượng nguồn nhân lực sau đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của xã hội. Vì vậy, những năm tới sẽ chịu tác động lớn của cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4 (CM 4.0).
“Một số ngành công nghiệp chế biến chế tạo, mũi nhọn hiện nay của chúng ta như dệt may, da giày sẽ chịu tác động lớn của CM 4.0, nhất là khi robot dần thay thế con người. Các ngành này đã và đang góp phần giải quyết việc làm, đóng góp cho ngân sách nhà nước, góp phần ổn định chính sách kinh tế vĩ mô. Chúng ta phải chủ động có biện pháp để ứng phó với CM 4.0, nhất là chính sách với lực lượng lao động”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Theo TS Kiều Xuân Thực (Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội), trong thời kỳ CM 4.0, thị trường lao động phân hoá mạnh, robot được sử dụng rộng rãi thay con người. Lao động kỹ năng thấp và trung bình dư thừa nếu không thích ứng nhanh chóng với sự thay đổi của sản xuất. Thị trường lao động tăng mạnh, nhu cầu lao động có năng lực sáng tạo, hàm lượng chất xám cao để tạo giá trị thặng dư lớn.
Đặc biệt, các chuyên gia không thể dự đoán được kiến thức, kỹ năng mà thị trường lao động cần trong tương lai gần do công nghệ thay đổi nhanh. Nhiều ngành nghề truyền thống biến mất và nhiều ngành nghề mới xuất hiện. Ranh giới giữa các ngành nghề ngày càng mờ nhạt với xu hướng xuyên ngành, liên ngành có gắn kết với công nghệ thông tin trở nên phổ biến.
Dám thay đổi mới có sự bứt phá
Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn Thông quân đội (Viettel) Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, để lực lượng lao động đáp ứng yêu cầu của thời kỳ CM 4.0, phương pháp giáo dục của Việt Nam cũng phải thay đổi. Trước đây, việc đào tạo nguồn lao động chất lượng cao (như sinh viên trong trường đại học) tốn nhiều thời gian và kinh phí. Nhưng hiện nay, sinh viên có thể thực hành ở thế giới ảo, giảm chi phí và kết quả tốt.
Theo người đứng đầu Viettel, trước đây, sinh viên học trong trường học là chính nhưng hiện nay, môi trường giáo dục càng mở càng tốt. Chương trình giảng dạy của nhà trường cần liên kết với thế giới và toàn bộ thế giới. Nhà trường phải xây dựng nhà xưởng, nhà máy để sinh viên có cơ hội thực hành thực tế. Trước đây, sinh viên được giáo viên truyền thụ kiến thức, khi có kiến thức sinh viên mới ra thực tế làm việc. Nhưng trong môi trường mới, sinh viên cần trải nghiệm thực tế. Thầy giáo không phải người chỉ dạy mà trở thành huấn luyện viên, hướng dẫn thì mới có những “vận động viên” với thành tích tốt. Trước đây, chương trình giáo dục đào tạo sâu về chuyên ngành cho sinh viên nhưng giờ cần đa ngành vì xu hướng liên kết các ngành khác ngành ngày càng phát triển.
“Trước đây, chúng ta dạy sinh viên bằng ngôn ngữ để giao tiếp giữa người với người, như tiếng Việt hoặc có thêm tiếng Anh. Nhưng bây giờ, sinh viên cần biết ngôn ngữ lập trình, ngôn ngữ để ra lệnh cho máy móc làm việc. Người lao động chỉ giám sát máy móc làm việc”, ông Hùng nhấn mạnh.
“Số ít những quốc gia và đại học bứt phá vươn lên nhờ cách mạng là phải dám đi đầu. Trong quá trình này, quan trọng nhất là chữ “Dám”. Nếu dùng từ tổng quát nhất nói về CM 4.0, tôi cho rằng đó là chữ “làm ngược”. Làm ngược lại tất cả những quy trình chúng ta đang làm, suy nghĩ ngược lại những suy nghĩ hiện tại”, ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Ông Hùng cho rằng, CM 4.0 mang lại kết quả bất ngờ, cơ hội cho đột phá và người đi sau. Chỉ khi xảy ra điểm gãy, thay đổi lớn phương pháp hiện hành như CM 4.0, quốc gia đang phát triển như Việt Nam mới có cơ hội bứt phá vươn lên sánh kịp các quốc gia phát triển. Người đi sau phải khác biệt người đi trước. Chúng ta đi sau mà đi giống người trước thì mãi mãi đi sau.
“Một số ngành công nghiệp chế biến chế tạo, mũi nhọn hiện nay của chúng ta như dệt may, da giày sẽ chịu tác động lớn của CM 4.0, nhất là khi robot dần thay thế con người”.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh