Lộ lý do dự án phố đi bộ ở quảng trường lớn nhất Thanh Hoá dậm chân tại chỗ

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Chưa xem xét phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết, điều chỉnh phương án đầu tư, vận hành… khiến dự án phố đi bộ, chợ đêm trên tuyến đường Phan Chu Trinh và quảng trường Lam Sơn, phường Điện Biên (TP Thanh Hoá) vẫn dậm chân tại chỗ.

Sở Xây dựng “tuýt còi” đồ án quy hoạch chi tiết

Năm 2021, UBND tỉnh Thanh Hoá chấp thuận chủ trương lập quy hoạch cải tạo, chỉnh trang phố Phan Chu Trinh và quảng trường Lam Sơn (TP Thanh Hoá) và phê duyệt nhiệm vụ.

Sau đó, UBND TP Thanh Hoá đã tổ chức lập và trình thẩm định và phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng cải tạo, chỉnh trang đô thị khu vực tuyến phố Phan Chu Trinh và quảng trường Lam Sơn với quy mô đầu tư như: đầu tư cải tạo, sửa chữa các hạng mục hạ tầng kỹ thuật và lắp đặt các thiết bị trên tuyến đường Phan Chu Trinh và các tuyến phố lân cận thuộc không gian phố đi bộ, chợ đêm với nhiều hạng mục. Giá trị dự toán phê duyệt là 12.745.113.000 đồng (nguồn ngân sách Nhà nước và các nguồn huy động hợp pháp).

Lộ lý do dự án phố đi bộ ở quảng trường lớn nhất Thanh Hoá dậm chân tại chỗ ảnh 1

Một góc quảng trường Lam Sơn

Tuy nhiên, ngày 25/8/2022, Sở Xây dựng có đề xuất UBND tỉnh chưa xem xét phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng cải tạo, chỉnh trang đô thị khu vực tuyến phố Phan Chu Trinh và quảng trường Lam Sơn, TP Thanh Hoá lý do: Phạm vi ranh giới và nội dung nghiên cứu của đồ án quy hoạch chi tiết có đề xuất các nội dung về chức năng sử dụng đất, chỉ tiêu sử dụng đất,… đối với các khu đất hai bên tuyến đường Phan Chu Trinh mà hiện trạng đã được đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác sử dụng. Đây là khu trung tâm đô thị, tuy nhiên đồ án quy hoạch chung đô thị Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá đến năm 2040 hiện nay đang được trình thẩm định và chưa được phê duyệt.

Vì vậy, thời điểm hiện tại phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết tại khu vực này có thể chưa có đủ căn cứ, cơ sở để đánh giá được các nội dung như: đảm bảo việc thống nhất của các cấp độ quy hoạch, định hướng phát triển không gian đô thị… theo quy hoạch chung đô thị. Ngoài ra, Sở Xây dựng cũng nêu: Về việc tổ chức, thực hiện tuyến phố đi bộ Phan Chu Trinh đề nghị UBND TP Thanh Hoá rà soát, nghiên cứu (có tham khảo các mô hình tổ chức của phố đi bộ các địa phương) để tổ chức không gian đi bộ cho phù hợp với bản sắc địa phương. Đề xuất này của Sở Xây dựng đã được UBND tỉnh Thanh Hoá đồng ý bằng văn bản.

Muốn đổi phương thức đầu tư từ công sang tư

Theo báo cáo của UBND TP Thanh Hoá tháng 11/2022, trên cơ sở hướng dẫn của Sở Xây dựng, nhận thấy dự án đầu tư cải tạo, sửa chữa các hạng mục hạ tầng kỹ thuật và lắp đặt các thiết bị trên tuyến đường Phan Chu Trinh và các tuyến phố lân cận thuộc không gian đi bộ, chợ đêm là phù hợp với việc không phải điều chỉnh quy hoạch.

Theo đó, TP Thanh Hoá đã thực hiện các nội dung như: Chủ tịch UBND TP Thanh Hoá đã ban hành quyết định về việc phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng công trình hoàn thiện hạ tầng, cơ sở vật chất không gian đi bộ, chợ đêm trên tuyến đường Phan Chu Trinh với tổng kinh phí là gần 13 tỷ đồng. Các hạng mục chưa có nghị quyết, chưa có chủ trương đầu tư gồm: 2 cổng chào tại đầu đường Phan Chu Trinh và Ga Thanh Hoá; 3 cổng chào cách điệu ở đường Lý Nhân Tông, Nguyễn Đôn Tiết, Hồ Xuân Hương… với tổng chi phí dự kiến hơn 8 tỷ đồng.

Báo cáo của UBND TP Thanh Hoá cũng nêu rõ, quá trình rà soát, hoàn chỉnh đề án, TP Thanh Hoá nhận thấy một số nội dung chưa phù hợp với quy định hiện nay cần điều chỉnh như, điều chỉnh phương thức đối tác công tư sang đầu tư công; không tổ chức thí điểm mà tổ chức thường xuyên vào tối thứ 6, thứ 7 hàng tuần. Đáng chú ý, phương án tài chính mới mà TP Thanh Hoá đưa ra là dự kiến thu 787.200.000 đồng/năm, dự kiến chi là 2.373.600.000 đồng/năm, cân đối thu chi: – 1.586.400.000 đồng.

Hiện cơ quan chức năng đang xem xét những nội dung mà UBND TP Thanh Hoá báo cáo, xin ý kiến. Và chưa biết đến khi nào, dự án phố đi bộ tại quảng trường lớn nhất Thanh Hoá mới vận hành.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.