Lo khách hủy tua vì khủng hoảng tại Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
TP - Khủng hoảng Nga và Ukraine leo thang đã làm đồng rúp mất giá. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến ngành du lịch Việt Nam, bởi du khách Nga và Đông Âu hủy tua do chi phí chuyến nghỉ dưỡng tăng lên.

Nhiều doanh nghiệp hoạt động lữ hành quốc tế cho biết trong bối cảnh đồng rúp đang mất giá liên tục, một số khách Nga đã hủy tua sang Việt Nam nghỉ dưỡng. Ông Bùi Quốc Đại - Phó giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Anex Việt Nam (gọi tắt Công ty Anex Việt Nam) cho biết, Nga và các nước Đông Âu là thị trường khách chủ yếu của doanh nghiệp trong nhiều năm qua. “Hiện đồng rúp giảm xuống còn 84,1 RUB/USD, mức thấp nhất kể từ năm 2016. Việc này ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu thanh toán của khách Nga nếu họ muốn đi du lịch. Đồng rúp mất giá quá lớn khiến nhiều người e ngại phải tốn thêm tiền trả các chi phí cho chuyến du lịch sang Việt Nam”, ông Đại nói.

Lo khách hủy tua vì khủng hoảng tại Ukraine ảnh 1

Nga và Đông Âu vẫn là thị trường khách du lịch chủ lực của Việt Nam trong giai đoạn hậu dịch COVID-19. Ảnh: Lê Quân

Theo Phó giám đốc Anex Việt Nam, công ty đã giảm tần suất bay từ 8 chuyến/tháng xuống còn 6 chuyến/tháng. Các chuyến bay cũng chưa lấp đầy khách, nhưng phải duy trì vì tua tuyến đã lên sẵn, dù công ty đang phải bù lỗ. “Chính phủ mở cửa du lịch từ 15/3, nhưng thăm dò cho thấy khách ở một số thị trường vẫn e ngại nghỉ dưỡng dịp này. Họ muốn khủng hoảng ở Ukraine chấm dứt mới tính đến chuyện đi nghỉ dưỡng”, ông Đại chia sẻ thêm.

Còn đại diện Công ty TNHH lữ hành Pegas Misr Việt Nam (đơn vị chuyên khách Nga) cũng lo lắng khi chiến sự leo thang kéo dài sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch đón khách của doanh nghiệp trong năm 2022. “Chúng tôi chưa hết vui mừng với thông tin Chính phủ cho phép du lịch hoạt động bình thường trở lại từ 15/3, nhưng tình hình phức tạp như hiện tại không biết bao giờ chúng tôi mới có thể đưa khách sang Việt Nam nghỉ dưỡng”, đại diện Pegas Misr Việt Nam nói.

Tương tự, một số doanh nghiệp lữ hành quốc tế cũng thừa nhận chiến sự Nga - Ukraine không chỉ ảnh hưởng đến dòng khách Nga, mà các thị trường khác không nằm ngoại lệ. Đại diện Tập đoàn Crystal Bay cho biết từ đầu năm 2022, các đơn vị thành viên của tập đoàn đã lên phương án để đưa khách Đông Âu đến nghỉ dưỡng ở Khánh Hòa. Nhưng với tình hình hiện nay, chắc chắn kế hoạch sẽ phải chậm lại.

“Ngóng” quy định đón khách quốc tế

Theo các doanh nghiệp lữ hành, ngoài yếu tố chiến sự ở Ukraine, họ vẫn đang “ngóng” hướng dẫn cụ thể của các bộ, ngành cho kế hoạch đón khách từ ngày 15/3, như Thủ tướng cho phép. Ông Lê Văn Nghĩa - Giám đốc Công ty CP Du lịch Nhật Minh, cho biết: Thủ tướng cho phép đón khách từ 15/3, nhưng đón như thế nào, thị thực ra sao thì chưa thấy ai nói gì. “Hiện mới chỉ có văn bản cho phép của Thủ tướng mà thiếu hàng loạt “giấy phép con” kèm theo khiến chúng tôi không dám triển khai gì, trong khi ngày mở cửa du lịch đã cận kề”, ông Nghĩa bày tỏ. Theo ông, khi có đủ các quy định, hướng dẫn cụ thể về đón khách thì công ty mới tiến hành các bước như xúc tiến, quảng bá thị trường, quảng bá tua.

Hiện, các doanh nghiệp lữ hành quốc tế vẫn đang đón khách theo đề án mở cửa giai đoạn 2 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. “Từ 15/3, khách quốc tế đến Việt Nam có được miễn thị thực không, quy trình làm như thế nào; khách sang Việt Nam sau ngày này phải đáp ứng các yêu cầu gì? Tôi ví dụ Thái Lan, Malaysia khách du lịch có thể đến làm visa ngay tại sân bay, còn mình phải nộp hồ sơ trước ít nhất từ 2-5 ngày, như vậy rất bất tiện”, ông Bùi Quốc Đại phân tích.

Thực tế, hiện chỉ một số doanh nghiệp lữ hành được phép đón khách theo mô hình “hộ chiếu vắc xin”. Nhiều công ty khác “án binh bất động” chờ hướng dẫn, cũng như động thái mở cửa du lịch của các bộ ngành trong thời gian tới. Doanh nghiệp lữ hành quốc tế đóng cửa hơn 2 năm như Nhật Minh đang mong từng giờ bộ, ngành liên quan ban hàng các quy định cụ thể để triển khai đón khách”, ông Lê Văn Nghĩa nói và cho biết nếu chậm trễ chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội đón khách du lịch dịp hè khách sẽ chọn Thái Lan hay Singapore thay vì Việt Nam.

MỚI - NÓNG