Lỗ hổng tấn công thể thao Việt Nam

Thể thao Việt Nam vẫn còn nhiều lỗ hổng khó khỏa lấp.
Thể thao Việt Nam vẫn còn nhiều lỗ hổng khó khỏa lấp.
TP - Nếu như ngành thể thao xác định bắn súng là môn mũi nhọn tấn công vào Olympic, nhằm mục tiêu giành huy chương thì thực tế đầu tư cho môn này lại hoàn toàn không xứng tầm, tạo thành một lỗ hổng lớn khó san lấp, như nhận xét của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh.

Trong cuộc họp báo được xem là tổng kết của Đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 29, trưởng đoàn TTVN Trần Đức Phấn chia sẻ, ngành thể thao xác định tập trung đầu tư mạnh cho các môn nằm trong hệ thống Olympic như điền kinh, bơi lội, bắn súng, TDDC, cử tạ. Tuy nhiên, do thể trạng của người Việt Nam, những môn đòi hỏi nhanh, mạnh, bền chỉ có thể phấn đấu giành huy chương châu lục. Trong khi đó, bắn súng là môn có cơ hội và thực tế là TTVN đã lên ngôi vô địch ở Olympic Rio 2016 với sự toả sáng của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh. Vì thế ngành thể thao xác định bắn súng và bắn cung là những môn trọng điểm tấn công vào Olympic.

Vậy nhưng, chia sẻ với báo giới cũng ở cuộc họp báo trên, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh lại nhìn nhận bắn súng Việt Nam đang có lỗ hổng lớn chặn đường phát triển của môn thể thao mũi nhọn này. Đáng buồn thay, lỗ hổng này lại nằm ở những điểm cốt tử: đầu tư, cơ sở vật chất và lực lượng kế cận, để bắn súng Việt Nam có sự phát triển tiếp tục thời hậu Hoàng Xuân Vinh, Trần Quốc Cường.

Trước đây, từ khi những tay súng cự phách ở đấu trường châu lục như Nguyễn Mạnh Tường, Ngô Ngân Hà, Đặng Thị Đông còn thi đấu sung sức, bắn súng Việt Nam đã gây dựng được lớp kế cận đủ khả năng thay thế đàn anh, đàn chị như Đặng Quốc Cường, Hoàng Xuân Vinh hay Đặng Hồng Hà. Còn hiện nay, phía sau Xuân Vinh, Quốc Cường là khoảng trống mênh mông, trong khi các anh chỉ còn đủ sức nâng súng một đến hai kỳ SEA Games nữa. Cũng không ai dám chắc, sau kỳ SEA Games 29 mà bản thân Xuân Vinh, Quốc Cường tự nhận là tệ hại nhất, hai xạ thủ này vượt qua áp lực để chiến thắng ở những giải đấu khác, khi sự ổn định tâm lý đóng vai trò then chốt tới sự thành bại của xạ thủ.

Với vai trò vừa là xạ thủ trực tiếp thi đấu cho đội tuyển bắn súng quốc gia, vừa là HLV trưởng ở đội tuyển bắn súng quân đội, Hoàng Xuân Vinh cho biết việc tìm kiếm, đào tạo và phát triển VĐV bắn súng trẻ hiện nay rất khó. Không mấy VĐV tiềm năng đủ đam mê trụ lại với môn thể thao được xem là nhàm chán này khi mà ngoài kia đời sống xã hội rất sôi động.

Cùng với đó, mức đầu tư cho bắn súng ở mức thấp cũng không thể thu hút được nhân tài. “Hiện Quân đội là đơn vị có sự đầu tư lớn nhất cho bắn súng so với các đơn vị khác, nhưng cũng chỉ ở mức 1 tỷ đồng/năm. Trong khi đó, các địa phương khác mức đầu tư chỉ khoảng 200-300 triệu đồng/năm thì không thể phát triển bắn súng được”. Với mức đầu tư đó, việc các xạ thủ quanh năm tập chay, hết giương súng lên ngắm rồi lại hạ xuống, chỉ đến trước mỗi giải đấu mới được phát ít đạn để vừa tập vừa thi đấu là có thể hiểu được. Và chỉ những xạ thủ ở ĐTQG mới có đạn để tập luyện nhưng cũng chỉ ở mức đủ dùng.

Với khát khao gây dựng phong trào bắn súng, sau chiến tích lịch sử tại Olympic Rio 2016, HLV Nguyễn Thị Nhung và xạ thủ Hoàng Xuân Vinh bày tỏ ước muốn huy động các nguồn lực xã hội xây dựng một trường bắn đạt tiêu chuẩn quốc tế. Nhưng đến khi hiện thực hoá ước mơ xây dựng chân đế đó, bắn súng Việt Nam vẫn còn lỗ hổng khó khỏa lấp.

Lỗ hổng tấn công thể thao Việt Nam ảnh 3
MỚI - NÓNG