Đại biểu (ĐB) Lưu Bình Nhưỡng đề nghị cần có ngay thể chế, chính sách để bịt lỗ hổng trong cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước và tăng cường kiểm toán, thanh tra, điều tra để ngăn chặn thất thoát tài sản nhà nước.
Đánh giá lại toàn diện việc Cổ phần hóa doanh nghiệp
Băn khoăn về phương thức xử lý 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ ngành Công Thương, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, đối với những dự án thua lỗ lớn, không vực dậy được thì nên cho phá sản. Còn những dự án nào bán được, cho thuê được thì đẩy nhanh tốc độ xử lý, tránh thất thoát vốn nhà nước. Đặc biệt, ông Nhưỡng còn lo ngại hiện tượng cài cắm trong quá trình cổ phần hoá, có khả năng tạo ra những “Vũ nhôm” khác. Ông đề nghị cần có ngay thể chế, chính sách để bịt lỗ hổng trong cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước và tăng cường kiểm toán, thanh tra, điều tra để ngăn chặn thất thoát tài sản nhà nước.
ĐB Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) cũng đề nghị đánh giá lại toàn diện hoạt động cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, cũng như hiệu quả dòng vốn đầu tư lại từ cổ phần hóa để sớm có điều chỉnh hợp lý. Đồng thời có giải pháp ngăn chặn có hiệu quả những hậu quả xấu trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp.
“Những doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa có thực sự hoạt động hiệu quả và đóng góp cao hơn so với chính nó trước khi được cổ phần hóa hay không? Kết quả việc xử lý những công trình, dự án kém hiệu quả, gây lãng phí đến nay ra sao? Cần tiếp tục rà soát xem có bao nhiêu công trình tương tự như vậy để có kế hoạch nghiên cứu các giải pháp khắc phục và ngăn chặn những trường hợp tương tự xảy ra”, ông Sơn đề nghị.
Giải trình về việc này, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, đang triển khai tích cực đề án mà Chính phủ đã phê duyệt để khắc phục những tồn tại của 12 dự án kém hiệu quả. Lộ trình là trong năm 2018 và năm 2019 sẽ xử lý một cách tương đối toàn diện và triệt để những vấn đề tồn tại để chấm dứt kết thúc vào năm 2020. Đến nay đã đạt một số kết quả tích cực, 6 dự án trước kia phải dừng kinh doanh thì đến nay đã có 2 dự án và nhà máy bước đầu có hiệu quả, không còn lỗ và đã có lãi; 4 dự án còn lại từng bước khôi phục hoạt động và đang có lãi, giảm lỗ.
Về nguyên tắc xử lý, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, các dự án này phải được thực hiện trong nỗ lực giải quyết tồn tại nhưng phải trong khuôn khổ của luật pháp; phải đảm bảo đúng nguyên tắc thị trường, không có chuyện tiếp tục trợ cấp hoặc cấp thêm vốn từ ngân sách nhà nước; phải đảm bảo nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các chủ đầu tư, các doanh nghiệp; phù hợp với nội dung các cam kết hội nhập quốc tế của chúng ta.
Đổi 100 đô bị phạt, lỗi thuộc về quản lý
Đề cập đến vụ việc người thợ điện ở Cần Thơ đổi 100 USD, bị phạt 90 triệu đồng, ĐB Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) nhận định, đây là điển hình cho sự thiếu hụt các quy định, chưa nghiêm minh trong quản lý nhà nước, làm dư luận không đồng tình.“Việc xóa bỏ đô la hóa thị trường cần phải thực thi, nhưng những quy định cứng nhắc, không định lượng, như đổi ngoại tệ không đúng nơi được cấp phép phải bị phạt là chưa phù hợp”, ông Chiến nói và nhấn mạnh trách nhiệm của Nhà nước là phải giúp người dân nhận diện, phân biệt nơi nào được đổi, nơi nào không được đổi đô la.
Thực tế, theo ông Chiến, hiện nay sự tồn tại của các nơi đổi bất hợp pháp còn rất nhiều. Điều đó, trước hết trách nhiệm phải là cơ quan quản lý nhà nước. Bên cạnh đó ông cho rằng, mức phạt đối với hành vi này cần phải được xem xét lại. “Việc đổi 10 đô la, 100 đô la cùng mức phạt như đổi 1 nghìn hay 100 nghìn đô la, đều ở mức phạt 80 triệu đến 100 triệu là không phù hợp”, ông phân tích.
Theo ông, cơ chế thị trường, có cung hẳn có cầu. “Thị trường buôn bán chuyển đổi ngoại tệ đen ngày đêm vẫn hoạt động công khai. Hầu như không bị kiểm soát hoặc xử phạt. Thiết nghĩ Nhà nước phải để người dân không còn vi phạm”, ông kiến nghị.
Đồng tình với ý kiến trên, ĐB Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cũng cho rằng, Nghị định số 96 của Chính phủ, quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng còn có những bất cập. “Đây là một ví dụ điển hình về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật chưa sát với thực tiễn. Tôi hoan nghênh Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời đề xuất hướng xử lý bất cập của quy định này trong thực tế qua một vụ việc cụ thể”, bà Hoa nói.
Để người Việt Nam không phải ra nước ngoài chữa bệnh
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, sắp tới Bộ Y tế sẽ hình thành một loạt cơ sở khám chữa bệnh hiện đại theo các thiết kế nước ngoài và đội ngũ cán bộ cao cấp, thậm chí mời chuyên gia nước ngoài, để người có thu nhập cao có thể khám chữa bệnh ở trong nước, thay vì phải ra nước ngoài. “Điều này trong tầm tay nhưng cũng phải có chính sách đồng bộ, đặc biệt là cơ chế tài chính”, bà Tiến cho hay.