Theo Channel News Asia, Ủy ban điều hành trung ương của PAP sẽ sớm nhóm họp để quyết định bầu ra những lãnh đạo mới của đảng. Có nhiều nguồn thông tin nói rằng trong nội bộ PAP đã đi đến thống nhất rằng Bộ trưởng Vương Thụy Kiệt sẽ được bầu làm trợ lý tổng thư ký thứ nhất, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Trần Chấn Thanh (Chan Chun Sing) là trợ lý tổng thư ký thứ hai. Chức vụ tổng thư ký PAP hiện do đương kim thủ tướng Lý Hiển Long nắm giữ. Tuy nhiên, không phải lúc nào tổng thư ký cũng nghiễm nhiên là thủ tướng. Từng có một cuộc tranh đua giữa tổng thư ký Lý Quang Diệu và thủ quỹ của PAP là Vương Vĩnh Nguyên, diễn ra năm 1959. Lý Quang Diệu giành chiến thắng và trở thành thủ tướng đầu tiên của Singapore. Kể từ đó, thủ tướng của Singapore đồng thời là tổng bí thư của PAP.
Tờ báo điện tử Today hôm qua trích một số nguồn tin trong PAP nói ông Vương là ứng cử viên hàng đầu cho vị trí kế nhiệm thủ tướng Lý Hiển Long, năm nay 66 tuổi. Nguồn tin nói nhiều lãnh đạo thế hệ thứ tư của PAP đã quyết định rằng ông Vương sẽ là lãnh đạo kế tiếp.
Tờ nhật báo tiếng Trung Lianhe Zaobao cũng tường thuật rằng ông Vương Thụy Kiệt nhiều khả năng được bầu làm trợ lý tổng thư ký, “dựa trên nhiều chỉ dấu”.
Đầu tháng này, 12 thành viên PAP được bầu vào Ủy ban điều hành trung ương, bao gồm ba nhân vật được xem là ứng cử viên hàng đầu cho vị trí kế nhiệm ông Lý, bao gồm bộ trưởng Vương, bộ trưởng Trần và bộ trưởng Giáo dục Ong Ye Kung.
Tuy nhiên, một số thành viên của PAP sau đó nói với tờ Today rằng ông Ong “không phải là thành viên nhóm lãnh đạo cấp cao”, và không có suất tranh đua vị trí cao nhất.
Trước thực tế rằng cả hai phó thủ tướng Tharman Shanmugaratnam và Teo Chee Hean đều đã rút lui khỏi Ủy ban điều hành trung ương PAP, các nhà phân tích cho rằng các vị trí trọng yếu sẽ dành cho những nhân vật trợ lý cho tổng thư ký Lý Hiển Long.
Và khi ông Vương nhiều khả năng trở thành trợ lý tổng thư ký thứ nhất, ông đang được xem là ứng cử viên số 1 thay thế ông Lý Hiển Long, người đã làm thủ tướng Singapore từ năm 2004 đến nay.
Các đồn đoán về chuyển chuyển giao quyền lực ở Singapore bắt đầu từ những nhận xét của cựu thủ tướng Ngô Tác Đống (Goh Chok Tong) tại một bữa quốc yến nhân quốc khánh Singapore, tháng 8/2017.
Dẫn việc thủ tướng Lý Hiển Long, lúc đó 65 tuổi, đã nói rằng ông sẽ về nghỉ vào năm 70 tuổi, ông Ngô đã kêu gọi các lãnh đạo thế hệ thứ tư nhanh chóng nhận diện ra người lãnh đạo mới trong số họ. Ông Lý Hiển Long sẽ sang tuổi 70 vào năm 2022.
Vài tháng sau đó, ông Ngô nhân dịp năm mới viết trên Facebook rằng đưa các lãnh đạo thế hệ bốn vào quỹ đạo quyền lực và chuẩn bị cho việc chuyển giao là “thách thức cấp bách” trong năm 2018.
Ông hy vọng giới lãnh đạo trẻ hơn trong vòng 6-9 tháng sẽ chọn ra một lãnh đạo mới. Và việc này đã dẫn tới sự kiện sau đó: 16 bộ trưởng đã cùng ra một tuyên bố chung vào ngày 4/1/2018 trả lời các câu hỏi của báo chí, nói rằng họ nhận thức rất rõ việc chuyển giao quyền lực là vấn đề cấp bách.
Đến tháng Tư, thủ tướng Lý Hiển Long loan báo một kế hoạch tái sắp xếp nội các và các bộ trưởng trẻ nay chiếm 2/3 tổng số thành viên chính phủ. Theo ông Lý, việc này chứng tỏ quá trình chuyển giao quyền lực đang “diễn ra tốt đẹp”.
Thủ tướng Lý Hiển Long, con trai của nhà lập quốc, cố thủ tướng Lý Quang Diệu, đã giữ chức vụ 14 năm và có thể ở lại thêm 4 năm nữa.
Theo tờ Lianhe Zaobao, cả ông Vương Thụy Kiệt lẫn ông Trần Chấn Thanh đều được xem là các lãnh đạo 4G (thế hệ 4) trong PAP. Để dọn đường cho họ, các phó thủ tướng Teo Chee Hean và Tharman Shanmugaratnam đã lần lượt rút lui khỏi Ủy ban điều hành trung ương PAP.
Một nguồn tin nói với tờ The Week in Asia rằng các lãnh đạo 4G gần đây đã họp và quyết định rằng ông Vương, một cựu lãnh đạo ngân hàng, sẽ là ứng cử viên số 1.
PAP, nắm quyền từ năm 1959, có quy trình chọn thủ tướng mà theo lời các nhà quan sát, giống hệt cách các hồng y giáo chủ chọn giáo hoàng. Đương kim thủ tướng Lý Hiển Long sẽ đứng ngoài quá trình bầu chọn và dành trách nhiệm đó cho các bộ trưởng trẻ hơn. Nhóm này sẽ tự bầu ra người đứng đầu.