Cảng đêm ồn ào
Ngược theo dấu đoàn xe đầu kéo chở thép tấm cuộn tới KCN Phố Nối (Hưng Yên), cảng Cống Câu nằm khuất trong đê hữu sông Thái Bình (phường Hải Tân, TP Hải Dương) chính là điểm các xe này nhận hàng. Cảng Cống Câu là cảng vật liệu xây dựng vốn im ắng vào buổi tối nhưng gần đây đã trở nên sôi động vào ban đêm, bởi tàu chở thép tấm cuộn từ cảng Hải Phòng tập kết về đây cho các xe đầu kéo chuyển đi.
Hơn 21 giờ 22/3, cảng Cống Câu đang lặng như tờ bỗng chốc trở nên sôi động khi một chiếc cẩu tự hành loại lớn gầm rú tiến ra bãi cảng. Dưới sông, con tàu pha sông biển nằm im lìm được dỡ tấm bạt phủ, khoang hàng chất đầy những cuộn thép tấm tròn như ống cống có đường kính cả mét. Từ phía cổng cảng, một đoàn gần chục chiếc xe đầu kéo đèn pha sáng rực, rầm rập tiến vào bãi cảng. Lần lượt từng xe chạy tới khu vực chân cẩu tự hành, tắt máy chờ đợi.
Chiếc cẩu tự hành vươn cần thả cáp xuống khoang tàu, nhấc các cuộn thép chất lên rơ moóc xe đầu kéo. Mỗi chiếc xe sau khi được chất lên 2 cuộn thép tấm lại chạy ra nhường chỗ cho xe khác tiến vào. Chỉ chưa đầy một tiếng đồng hồ, cả đoàn xe đầu kéo đã ăn hàng xong, tập kết ra phía ngoài. “Các xe đang chờ giờ để đi vì đều chở quá tải. Mỗi cuộn thép này hơn 20 tấn, cứ chở 2 cuộn là quá tải ít nhất 50% vì, tổng trọng tải cả xe lẫn hàng đầu kéo “kịch trần” cũng chỉ 48 tấn thôi”-T., một lái xe container nói.
Đường đi của xe quá tải
Gần 23 giờ khuya, đoàn xe đầu kéo rầm rập rầm rập nối đuôi nhau rời cảng. Theo quan sát, cả đoàn 8 chiếc xe đầu kéo mang biển hiệu Cty P.C. (một doanh nghiệp vận tải có trụ sở tại Hải Phòng) đi theo tỉnh lộ 39, rẽ về đường Ngô Quyền rồi nhập quốc lộ 5 chạy về hướng Ha Nội. Trên địa phận Hải Dương, đoàn xe chạy qua vài tuyến phố rồi vượt qua hàng chục km chiều dài quốc lộ 5 không gặp bất cứ trở ngại nào từ các lực lượng tuần tra kiểm soát.
Tuy nhiên, khi cả đoàn xe đi vào địa phận huyện Mỹ Hào (Hưng Yên) đã không thể qua mặt được chốt CSGT Công an tỉnh Hưng Yên. Sau khi vài chiếc chở thép tấm cuộn đi đầu nhanh chân vượt qua, Tổ CSGT đã kịp thời “tóm” 2 xe đầu kéo là 15C-085… và 15LD-003... Hai chiếc xe đi sau cùng vội vã tìm đường ngang rẽ vào nằm im. CSGT đưa 2 xe chở 2 cuộn thép tấm đi cân tải trọng, kết quả, cả hai chiếc xe đều chở quá tải trọng cho phép từ 18 – 23 tấn (quá 56 – 60% tải trọng cho phép). Đến rạng sáng 23/3, Tổ CSGT Công an tỉnh Hưng Yên tiếp tục đưa 2 chiếc xe đầu kéo thuộc đoàn xe chở thép tấm cuộn đang “náu” trên địa phận giáp ranh giữa Hưng Yên và Hải Dương đi kiểm tra tải trọng. Kết quả cũng tương tự, 2 xe BKS 15C-077… và 15C-077…cũng chở vượt tải trọng cho phép trên dưới 60%.
Cạnh tranh bằng quá tải
Ông Trần Quốc Hoàn, Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hoá đường bộ Hải Phòng, cho biết tình trạng một số doanh nghiệp vận tải chở hàng từ Hải Phòng đi các tỉnh dùng chiêu “tăng bo” trong thời gian qua không còn là hiếm. Để tránh các trạm kiểm soát tải trọng trên quốc lộ 5, các doanh nghiệp này đã tìm các bến thủy nội địa, thậm chí cả bến trái phép, ở địa bàn Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh làm điểm trung chuyển. Hàng từ cảng Hải Phòng được tàu thuỷ chở về bến đó tập kết rồi đêm đến cho xe đầu kéo chở quá tải đến các điểm giao hàng ở khu giáp ranh giữa Hưng Yên với Hà Nội.
Ông Hoàn cho biết chiêu “tăng bo” chở quá tải của một số doanh nghiệp vận tải container đã tạo ra một sự cạnh tranh thiếu lành mạnh. Các doanh nghiệp chở quá tải sẵn sàng hạ cước xuống thấp giành mối hàng của các doanh nghiệp chở đúng tải. Như thép tấm cuộn, nếu chở đúng tải thì mỗi xe chỉ chở được một cuộn với mức cước từ Hải Phòng đi Phố Nối chừng 3 triệu đồng. “Nhưng doanh nghiệp “tăng bo” chở quá tải hạ xuống chỉ còn 2-2,5 triệu đồng/cuộn, với cung đường bộ còn 40-50km. Các xe quá tải mỗi đêm có thể quay vòng 4-5 chuyến nên đã thâu tóm gần hết lượng hàng”-ông Hoàn nói.
Theo ông Hoàn, mặc dù Hiệp hội vận tải hàng hoá đường bộ Hải Phòng nhiều lần kiến nghị tới cơ quan chức năng để ngăn chặn xe quá tải “tăng bo” nhằm loại bỏ kiểu cạnh tranh thiếu lành mạnh này nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện. Các điểm “tăng bo” hàng liên tục được thay đổi, cứ triệt chỗ này lại mọc ra ở chỗ khác, bất kỳ nơi nào trên các tuyến sông có thể mở bến trung chuyển được họ đều mở. “Các bến trung chuyển đều nằm ở các tuyến đê cấm xe tải trọng lớn nhưng không hiểu sao xe quá tải vẫn hoành hành được”- ông Hoàn nói.