Tại cuộc họp thường trực UB ATGT quốc gia chiều qua, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, có tình trạng xe vào đăng kiểm rất đẹp, nhưng ra đường thì thay toàn bộ, từ thành thùng đến logo.
Ông đề nghị lực lượng CSGT tăng cường tuần tra kiểm soát trên đường.
“Đã có hình ảnh chụp xe vào đăng kiểm, CSGT chỉ cần dừng xe đối chiếu với đăng kiểm, không đúng là xử phạt”, ông Thọ nói.
Tuy nhiên, Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) cho rằng, việc xác lập biên bản và chứng cứ vi phạm hành chính đòi hỏi thiết bị phải được kiểm định, như máy đo nồng độ cồn...
Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa ngắt lời Cục trưởng Hà: Trong giấy đăng kiểm có kèm ảnh chụp khi đăng kiểm. Do vậy, khi anh giữ xe, đối chiếu thực tế với ảnh trong đăng kiểm khác nhau thì có thể xử phạt chứ có phải do máy móc thiết bị gì.
Cục trưởng Hà đáp: Đó chỉ là nói với nhau như thế, còn xác định biên bản hành vi vi phạm thì phải cân đo đong đếm và máy thiết bị phải được kiểm định… Phải căn cứ vào luật...
Bộ trưởng Nghĩa hỏi: Anh Hà à! Số xe và thực tế kích thước thùng xe đo bằng thước anh có đo được không? Vấn đề chỉ có anh với họ (lái xe) thì không được, còn có người thứ 3 chứng kiến thì anh không “máy móc” như thế được.
Nó không phải như cái máy đo tốc độ của anh. Hai việc này rất khác nhau… Đừng phức tạp hóa chuyện này lên.
Ông Hà cho hay: Việc dừng phương tiện được kiểm tra 4 loại giấy tờ, không phải khi nào cũng yêu cầu dừng được.
Bộ trưởng Nghĩa giải thích rõ: Khi xe đi qua CSGT thấy đủ điều kiện thổi còi yêu cầu dừng và phát hiện xe thay đổi kết cấu thành thùng so với đăng kiểm thì mới yêu cầu lái xe trình giấy đăng kiểm và vi phạm mới xử phạt.
Ông Sơn Hà: Nếu tôi dừng kiểm tra thấy sai thì mới có thể phạt, chứ không phải xe nào tôi cũng có thể yêu cầu dừng kiểm tra.
Bộ trưởng Nghĩa: Tôi đang nói khi anh dừng xe phạt một lỗi nào đó thì đề nghị anh quan tâm đến kích thước thành thùng có khác đăng kiểm không.
Ông Sơn Hà: Cái đó thì đúng rồi...
Xe thay đổi kích thước thành thùng mắt thường hoàn toàn có thể thấy được.
Kết luận tại cuộc họp, Bộ trưởng Nghĩa cho biết thời gian qua các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra tải trọng đã làm cương quyết và kéo giảm xuống chỉ còn 10% số lượng xe quá tải.
Tuy nhiên, ông cũng nói rõ, 10% còn lại là vô cùng khó khăn. Nếu thực sự các địa phương không vào cuộc quyết liệt thì khó kéo giảm.
“Có nhiều địa phương mong liên ngành xuống làm vì họ “vướng víu” các mối quan hệ, chưa nói đến tiêu cực trong công tác kiểm soát tải trọng”, Bộ trưởng Nghĩa cho biết.
Ông nói rõ, việc kiểm tra xe quá tải trên các tuyến giao thông là của CSGT, còn Thanh tra giao thông tập trung kiểm tra nơi lên xuống hàng và các chủ phương tiện.