Khám xét nhà
Nhà riêng 2 cựu chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng gồm Trần Văn Minh (1955, nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nhiệm kỳ 2006 - 2011) và Văn Hữu Chiến (1954, nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nhiệm kỳ 2011 - 2016) cùng ở tại phường Thạch Thang (quận Hải Châu) và khá gần nhau. Cả hai cùng liên quan vụ án “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước”, “Trốn thuế”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” của Vũ Nhôm đang trong quá trình điều tra
mở rộng.
Việc khám xét diễn ra sáng 18/4 thu hút sự quan tâm của dư luận cả nước và giới báo chí. Tuy nhiên, nhiều người dân sống gần nhà 2 vị cựu chủ tịch này tỏ ra không hề bất ngờ. Nhiều người dân là hàng xóm của 2 vị này khi được hỏi đều có chung câu trả lời: liên quan đến Vũ "Nhôm" thông tin xì xầm, đồn đoán đã từ lâu. Việc bắt chỉ còn là vấn đề thời gian. Sẽ có nhiều người liên quan không riêng gì ông Minh, ông Chiến…
Quá trình khám xét nhà ông Văn Hữu Chiến diễn ra khá nhanh gọn, sau hơn 1 giờ đã kết thúc với sự có mặt của ông Chiến và người nhà, cùng đại diện tổ dân phố. Lực lượng chức năng rời nhà ông Chiến với một ít hồ sơ, tài liệu. Tuy nhiên, tại nhà riêng với quy mô khá đồ sộ của ông Trần Văn Minh (K215/10 Lý Thường Kiệt) khám xét kéo dài hơn 5 giờ. Lực lượng chức năng kết thúc quá trình khám xét với nhiều hồ sơ tài liệu đã được niêm phong để phục vụ điều tra. Theo một nguồn tin, ông Trần Văn Minh đã được đưa ra Hà Nội để phục vụ điều tra. Quá trình khám xét có đại diện của chính quyền địa phương và người nhà ông Minh. Công an thành phố Đà Nẵng, cũng như Công an quận Hải Châu không được mời tham gia khám xét. Chỉ có lực lượng Công an phường Thạch Thang được yêu cầu có mặt để bảo vệ vòng ngoài, đảm bảo an ninh trật tự trong quá trình khám xét.
Trong khi đó, cùng ngày, ông Nguyễn Điểu (SN 1958, trú tại quận Thanh Khê, nguyên Giám đốc Sở TN&MT Đà Nẵng), ông Trần Văn Toán (SN 1957, trú tại quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng, nguyên Phó Giám đốc Sở TN&MT thành phố Đà Nẵng) và Lê Cảnh Dương (SN 1975, trú tại quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng, Giám đốc Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư thành phố Đà Nẵng) đã được triệu tập về Văn phòng của Bộ Công an tại TP Đà Nẵng để làm việc. Cả 3 ông này trước đó đã bị khởi tố bị can và áp dụng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú vì hành vi “Vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý đất đai” quy định tại Điều 229 Bộ luật Hình sự năm 2015. Trả lời báo chí, ông Điểu cho biết: Trong câu chuyện Đà Nẵng ông chỉ là người thừa hành các chỉ đạo từ cấp trên. Nhưng với chức danh là Giám đốc Sở TN&MT, một số thể hiện bằng chữ ký, con dấu ông phải chịu trách nhiệm. Còn nhiều chuyện đằng sau ông đã nói hết với công an.
Tiếp tay cho Vũ “Nhôm" chiếm đất “vàng”
Theo tìm hiểu của phóng viên Tiền Phong, từ 2006 đến 2011, thời kỳ ông Trần Văn Minh là Chủ tịch UBND thành phố, Đà Nẵng đã bán gần 200 nhà đất công sản. Trong đó có nhiều khu đất “vàng” được bán cho Vũ “Nhôm” và các công ty của Vũ (góp vốn, cổ phần hoặc người nhà đứng tên). Cụ thể, các khu đất: 20 Bạch Đằng; 7 Bạch Đằng; 100 Bạch Đằng; 57 Lê Duẩn; 17 Lê Duẩn; 45 Nguyễn Thái Học; 47 Nguyễn Thái Học; 49 Nguyễn Thái Học; 86 Bạch Đằng; 2 Hải Phòng; 22 Cô Giang; 106 Trần Phú; 37 Pasteur; 39 Pasteur; 319 Lê Duẩn; 36 Bạch Đằng; 38 Bạch Đằng; 38 Bạch Đằng mở rộng; 34 Hoàng Văn Thụ đã được UBND thành phố bán trong thời kỳ này.
Những nhà đất công sản này đều nằm trong diện Cơ quan điều tra Bộ Công an đề nghị Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng ông Huỳnh Đức Thơ cung cấp hồ sơ để phối hợp điều tra các sai phạm trong việc thực hiện bán, chuyển nhượng nhà, đất công sản thuộc sở hữu Nhà nước. Điều đáng chú ý, các nhà đất công sản nói trên được giảm 10% tiền sử dụng đất theo Quyết định 8712 ngày 1/11/2007 của UBND thành phố Đà Nẵng. Quyết định số 8712 do ông Trần Văn Minh ký và đóng dấu. Trước đó, năm 2013, Thanh tra Chính phủ đã kết luận Đà Nẵng gây thất thoát hơn 3.400 tỷ đồng và yêu cầu phải khắc phục, trong đó có số tiền 10% nói trên. Ngoài ra, trong thời kỳ ông Minh làm chủ tịch, khu du lịch ven biển đường Trường Sa của Công ty IVC (Hòa Hải, Ngũ Hành Sơn); Phú Gia Compound (Tam Thuận, Thanh Khê); dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước (giai đoạn 1: 181 ha, năm 2008); khu đô thị Harbour Ville của Công ty CP đầu tư Mega; lô 12 khu B4.1 khu dân cư An Cư mở rộng Phước Mỹ, Sơn Trà; Khu đô thị sinh thái Phú Gia ven sông (Hòa Xuân, Cẩm Lệ); Công viên An Đồn cũng có nhiều sai phạm và đang được Cơ quan điều làm rõ. Các dự án này đều liên quan đến Vũ “Nhôm”.
Thời kỳ ông Văn Hữu Chiến làm Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng (2011-2015) đã bán gần 70 nhà công sản. Trong đó, có nhiều nhà công sản liên quan đến Vũ “Nhôm”, như: Nhà 73 Nguyễn Thái Học, 121 Phan Châu Trinh, 16 Bạch Đằng, 318 Lê Duẩn. Ngoài ra, còn có dự án khu đất tại đường 2/9 - Phan Thành Tài cũng liên quan Vũ “Nhôm” được bán trong thời kỳ này (2012). Ngoài ra, trong thời kỳ ông Minh làm chủ tịch, ông Văn Hữu Chiến lúc đó là phó chủ tịch cũng đã ký nhiều quyết định bán nhà đất công sản trái Luật Đất đai.
Kiến nghị điều tra từ 5 năm trước đã được Thủ tướng đồng ý
Vào năm 2013, khi công bố kết luận thanh tra, TTCP đã kiến nghị Bộ Công an vào cuộc điều tra làm rõ xác định một số hành vi cố ý làm trái pháp luật về đất đai và đầu tư xây dựng; vi phạm về xác định nghĩa vụ tài chính khi ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất; hành vi bán đất của người nhận chuyển nhượng thu lợi lớn, gây thiệt hại cho Nhà nước của 6 trường hợp nêu trên. Kiến nghị này của TTCP đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý.
Cũng theo TTCP, tổng hợp số liệu từ 22 dự án có vi phạm về xác định số tiền phải thu khi chuyển quyền sử dụng đất là 2,1 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, còn có một số khu đất Hội đồng xác định giá thiếu căn cứ, cơ sở, không phù hợp với quy định như: Khu đất 209 đường Trường Chinh; 4 khu đất A2, A3, A4, A5 Khu tái định cư đầu tuyến Sơn Trà - Điện Ngọc; khu đất số 8 đường Hùng Vương; 4 khu đất khu vực vịnh Thuận Phước…, cần có biện pháp tiến hành xác định lại giá thu tiền sử dụng đất đối với các dự án này để truy thu về ngân sách nhà nước.
Dương Lê