Khó có cơ sở điều chỉnh
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định quy định cơ chế thời gian điều chỉnh, căn cứ lập và điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. Một trong những điểm mới của dự thảo lần này là đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện tối thiểu từ 3 tháng/lần, xuống 2 tháng/lần. Đặc biệt, khi giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 2% trở lên (thay vì từ 3% như hiện nay), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có quyền điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện.
Bộ Công Thương lý giải, hiện tại các thông số đầu vào trong tính toán giá điện có sự biến động khá lớn trong thời gian ngắn và cần phản ánh kịp thời để hạn chế sự tác động của thông số đầu vào đến mức điều chỉnh giá điện. Do đó, việc điều chỉnh kịp thời theo biến động thực tế của thông số đầu vào, bù đắp chi phí với lợi nhuận hợp lý để bảo toàn, phát triển vốn kinh doanh của doanh nghiệp.
Trao đổi với PV Tiền Phong, PGS, TS. Bùi Huy Phùng - chuyên gia năng lượng - cho rằng, nguyên tắc điều chỉnh giá cần gắn với cơ chế cạnh tranh cả đầu vào sản xuất điện và đầu ra là bán điện. Tuy nhiên, hiện tại, đầu vào còn nhiều yếu tố chưa đảm bảo minh bạch, như khâu truyền tải đang độc quyền; còn đầu ra bị "hành chính hóa" nên việc điều chỉnh liên tục sẽ rất khó chính xác.
“Tôi ủng hộ việc điều chỉnh giá điện theo thị trường. Đơn vị tư vấn nên nghiên cứu biến động chi phí nhiên vật liệu, nhân công, vật tư xây dựng… để tính toán chi phí một cách thực tế nhất, nhưng không nên đặt ra cứng nhắc 2-3 tháng điều chỉnh một lần, bởi cơ sở nào để tính toán và điều chỉnh thế này?”, ông Phùng nói và đặt câu hỏi.
Theo chuyên gia, việc rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện xuống tối thiểu còn 2 tháng/lần khó khả thi. Ảnh Hà My. |
Theo ông Phùng, thời gian qua, ngành điện đã thay đổi thời gian điều chỉnh từ 6 tháng xuống 3 tháng, nhưng chưa thấy đánh giá về tính hiệu quả nay lại thay đổi với tần suất dày hơn. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp do chi phí sản xuất sẽ liên tục thay đổi, đặc biệt là ngành tiêu thụ nhiều điện năng, chưa kể người dân sẽ cảm thấy ngành điện chỉ “nhăm nhe” tăng giá.
PGS, TS. Nguyễn Minh Duệ - Chủ tịch Hội đồng khoa học, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam - chia sẻ, việc điều chỉnh giá điện phụ thuộc vào giá thành bình quân của hệ thống, trong đó liên quan đến hàng loạt chi phí như phát điện, truyền tải, phân phối… nên rất phức tạp và đòi hỏi sự minh bạch, công bằng. Hiện tại, chi phí sản xuất điện cho từng loại điện, từng khâu vận hành ở Việt Nam còn chưa rõ nên việc điều chỉnh giá bán 2 tháng/lần là quá ngắn và không đủ cơ sở để điều chỉnh.
Điều này còn chưa kể đến quy trình quản lý và giám sát việc điều chỉnh. Theo ông Duệ, nếu điều chỉnh 2 tháng/lần, hệ thống giám sát phải minh bạch trong tính giá điện bình quân để tránh trục lợi, lạm dụng chính sách. “Vậy, đơn vị nào sẽ kiểm tra và giám sát việc tính toán chi phí này? Với dữ liệu ngành điện đồ sộ như thế, doanh nghiệp vừa cung cấp thông tin để kiểm tra đợt này, lại tiếp tục cho đợt tới thì khó có thể đảm bảo”, ông Duệ cho hay.
Theo nhiều chuyên gia, thay vì cứ 2-3 tháng điều chỉnh giá điện một lần, cần khẩn trương áp dụng giá điện 2 thành phần (trả cố định về công suất và theo điện năng tiêu thụ). Các nước trên thế giới đã triển khai từ lâu nhưng hiện Việt Nam vẫn loay hoay và chờ thí điểm. "Khi đã áp dụng cách tính này, không nhất thiết phải 2-3 tháng. Thà rằng người sử dụng điện trả tiền điện giá có thể cao hơn nhưng ổn định, còn hơn là thấp mà thay đổi xoành xoạch”, PGS-TS Bùi Huy Phùng nói.
Không nên chỉ trông chờ tăng giá bán để có lãi
Một nội dung đáng chú ý trong dự thảo nghị định lần này là Bộ Công Thương đặt ra lợi nhuận định mức trong tính toán giá bán điện bình quân của các khâu phân phối - bán lẻ, điều hành - quản lý. Nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu và các đơn vị hạch toán phụ thuộc chưa tham gia thị trường điện cạnh tranh của EVN.
Theo đó, tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu của các khâu này của các doanh nghiệp được xác định bằng mức trung bình lãi suất tiền gửi có kỳ hạn 12 tháng của 4 ngân hàng thương mại (Vietcombank, Vietinbank, BIDV và Agribank) tại ngày 30/9 của 5 năm liền kề trước đó.
Ngoài việc tăng giá bán phù hợp, việc để EVN có lãi cần xuất phát từ nỗ lực giảm giá thành sản xuất điện. Ảnh EVNCPC. |
Bộ Công Thương lý giải việc bổ sung quy định về cơ sở xác định lợi nhuận định mức phù hợp Luật Điện lực (sửa đổi), đảm bảo lợi nhuận hợp lý để doanh nghiệp bảo toàn, phát triển vốn kinh doanh. Nói cách khác, EVN chỉ vận hành và tăng giá theo đúng lộ trình là đảm bảo có lãi.
Ông Duệ cho rằng, việc EVN có lãi không chỉ phụ thuộc vào việc cứ tăng giá điện là xong, quan trọng hơn lợi nhuận còn đến từ việc kiểm soát các loại chi phí và cách điều hành, quản trị của doanh nghiệp này.
Theo ông Duệ, hai năm vừa rồi EVN lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng và nói rằng nguyên nhân đến từ việc chi phí nguyên liệu tăng, trong khi giá bán không được tăng. “Vậy EVN đã kiểm soát tốt các chi phí như phát điện, truyền tải, phân phối…hay chưa? Các nhà máy nhiệt điện đã giảm tiêu hao khí, than/kWh hoặc ứng dụng khoa học công nghệ để giảm tổn thất trong truyền tải, hay năng suất lao động đã hiệu quả, các khoản chi phí khác... minh bạch chưa?", ông Duệ đặt câu hỏi.
Vị chuyên gia cũng cho rằng nhu cầu tiêu thụ điện ngày càng lớn, việc kiểm soát chi phí sản xuất điện hiện nay là hết sức quan trọng. EVN cần nỗ lực rất lớn để giảm giá thành. “Nếu muốn có lãi nhờ trông hết vào việc tăng giá bán điện thì không ổn và không công bằng”, ông Duệ nói.