Lọc 154 dự án điện mặt trời đưa vào Quy hoạch điện 8 điều chỉnh
Bộ Công Thương vừa báo cáo Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình về kế hoạch triển khai Nghị quyết của Chính phủ về tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho dự án điện năng lượng tái tạo.
Theo Bộ Công Thương, việc tháo gỡ vướng mắc cho các dự án được thực hiện trên cơ sở nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ năm 2024, Chính phủ đồng ý về mặt chủ trương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án năng lượng tái tạo thuộc diện thanh tra.
Đối với dự án vướng mắc liên quan tới thủ tục về đất đai, Bộ Công Thương cho biết sẽ cho phép hoàn thiện theo quy định và đơn vị thực hiện là UBND cấp tỉnh.
Với dự án có vướng mắc liên quan khu vực dự trữ khoáng sản, thủy lợi, đất rừng, các địa phương sẽ phối hợp để đánh giá, giải quyết, báo cáo vấn đề vượt thẩm quyền. Những công trình chưa hoàn thành nghiệm thu xây dựng cũng sẽ cho hoàn thiện thủ tục theo quy định.
Đối với 154 dự án điện mặt trời (có tổng công suất 13.837MW) không có căn cứ, cơ sở pháp lý về quy hoạch, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng ban hành văn bản hoặc quyết định cập nhật danh mục dự án điện mặt trời trong cơ cấu nguồn điện đến năm 2030 theo Quy hoạch điện VIII. Bộ Công Thương sẽ loại bỏ những dự án liên quan đến các dự án vi phạm quy định về an ninh quốc phòng, quy hoạch các công trình, dự án trọng điểm quốc gia, đồng thời cập nhật các dự án đã rà soát về hiệu quả kinh tế - xã hội.
Thu hồi giá FIT hưởng không đúng
Liên quan đến việc xử lý những dự án không đủ điều kiện được hưởng giá FIT, Bộ Công Thương cho biết những dự án không đáp ứng đủ điều kiện sẽ phải xác định giá mua bán điện theo quy định, đồng thời bị thu hồi các khoản giá FIT ưu đãi đã được hưởng không đúng thông qua bù trừ thanh toán tiền mua điện.
Dự án Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam bị Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều vi phạm. Ảnh Lữ Hồ. |
Phương án xử lý trên cơ sở tối ưu để phân tích, đánh giá, so sánh lợi ích về kinh tế - xã hội, hạn chế tối đa tranh chấp, khiếu kiện, ảnh hưởng môi trường đầu tư.
Theo đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chủ trì, phối hợp với các chủ đầu tư dự án xác định điều kiện hưởng giá ưu đãi; với dự án không được hưởng giá này, EVN báo cáo cơ quan có thẩm quyền để làm căn cứ bù trừ thanh toán tiền mua điện.
Với những dự án điện mặt trời mái nhà xây dựng trên đất nông, lâm nghiệp, Bộ Công Thương đề xuất hướng xử lý là EVN rà soát, lập danh sách dự án để báo cáo UBND cấp tỉnh, xác định đất để làm trang trại, nuôi trồng. Nếu có xác định vi phạm về đất, dự án sẽ không được hưởng giá FIT mà phải xác định lại giá mua bán điện.
Theo Bộ Công Thương, trong quá trình giải quyết khó khăn, vướng mắc của các dự án điện gió, điện mặt trời, trường hợp vượt thẩm quyền, cơ quan gửi Bộ tổng hợp để báo cáo Ban Chỉ đạo xem xét, giải quyết. Bộ Công Thương cũng kiến nghị Phó Thủ tướng Thường trực chỉ đạo các bộ ngành, địa phương chủ động thực hiện giải quyết vướng mắc.
Kết luận của Thanh tra Chính phủ về quản lý và đầu tư xây dựng công trình điện theo quy hoạch điện VII và quy hoạch điều chỉnh VII chỉ rõ có 14 dự án điện mặt trời trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận được hưởng cơ chế giá FIT không đúng đối tượng; 173 nhà máy điện mặt trời, điện gió nối lưới được công nhận ngày vận hành thương mại và hưởng giá FIT khi chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu; 20 dự án chồng lấn quy hoạch khoáng sản như Nam Bình 1, Asia Đắk Song 1, Đắk N'Drung 1, 2, 3.
5 dự án chồng lấn quy hoạch thủy lợi và vùng tưới như điện mặt trời Phước Hữu, Mỹ Sơn, Trung Sơn, Quán Thẻ, Tân Mỹ; có 1 dự án chồng lấn quy hoạch đất quốc phòng; 40 dự án sai trình tự, thủ tục hồ sơ về đất đai. Đặc biệt, có 413 dự án điện mặt trời mái nhà trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp dưới mô hình đầu tư trang trại nuôi trồng...