Theo đó, trong quyết định trên (hiệu lực từ 1/1/2016) có một số điểm mới nếu không được hướng dẫn kịp thời sẽ phát sinh vướng mắc. Ví dụ, tại Điều 5, quyết định ghi: “Thương nhân Việt Nam không có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được thực hiện hoạt động mua bán qua biên giới. UBND các tỉnh biên giới chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương lựa chọn thương nhân đáp ứng đủ các điều kiện theo qui định pháp luật để thực hiện mua bán hàng hóa qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới”. Tuy nhiên, theo báo cáo của Cục Hải quan một số tỉnh biên giới, đến thời điểm hiện tại, chưa có UBND tỉnh biên giới nào công bố danh sách các thương nhân đủ điều kiện mua bán hàng hóa qua cửa khẩu phụ, lối mở. Do đó, trong 2 ngày tới, đến thời điểm quyết định trên có hiệu lực, Tổng cục Hải quan cho rằng, sẽ phát sinh vướng mắc trong thủ tục làm hải quan cho các thương nhân xuất, nhập khẩu, gây nên tình trạng ách tắc hàng hóa.
Theo ông Nguyễn Văn Hội, Vụ phó Vụ Thương mại và miền núi, Bộ Công Thương, những năm qua, điều kiện hạ tầng tại các cửa khẩu biên giới được cải thiện khá tốt nhưng năm nào cũng tắc do cửa khẩu Tân Thanh là nơi tập trung xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy, hải sản của Việt Nam với số lượng ngày càng tăng.
Năm 2016, dự báo nếu tại cửa khẩu này tập trung 800-900 xe/ngày thì việc xuất khẩu hàng nông sản sẽ lại bị ách tắc. Bộ Công Thương Việt Nam đã kiến nghị Trung Quốc mở thêm một cửa khẩu mới để giải quyết phân luồng hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam. Cùng đó, nếu Việt Nam xây dựng được khu trung chuyển điều tiết hàng hóa thì sẽ giảm được sức ép về phân loại hoa quả, trái cây tươi từ Việt Nam.