Tết nhâm dần

Lính vận tải và cuộc chiến không tiếng súng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Là một trong những đơn vị vận tải chiến lược của Bộ Quốc phòng, suốt hai năm qua, những người lính ở Lữ đoàn Vận tải 971 (Cục Vận tải, Tổng cục Hậu cần) đã can trường và thầm lặng thực hiện những nhiệm vụ rất đặc biệt trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 của cả nước.

Một ngày giáp Tết Nhâm Dần 2022, có mặt tại Sở chỉ huy Lữ đoàn 971, phóng viên Tiền Phong cảm nhận không khí hối hả, khẩn trương vẫn hiện hữu trên khuôn mặt mỗi cán bộ, nhân viên cho đến từng chiến sĩ đang ứng trực 100% quân số sẵn sàng làm nhiệm vụ.

Cuộc chiến không tiếng súng

Vừa trở về đơn vị sau khi chở vật tư chống dịch cho các tỉnh phía Bắc, Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Bùi Xuân Tuấn, lái xe Đại đội 33, Tiểu đoàn 679 cho biết, anh đang chuẩn bị đi vận chuyển gấp một chuyến hàng quân sự đặc biệt. Theo chỉ huy Lữ đoàn 971, Bùi Xuân Tuấn là một trong những “kiện tướng” lái xe xuất sắc của đơn vị. Hai năm qua, bên cạnh các nhiệm vụ khác, anh đã thực hiện hơn 400 chuyến vận chuyển người và hàng hóa cho công tác phòng chống dịch, với trên 20 nghìn km/năm.

Lính vận tải và cuộc chiến không tiếng súng ảnh 1

Thiếu tướng Nguyễn Đức Tùng, Cục trưởng Cục Vận tải (Tổng cục Hậu cần) trực tiếp quán triệt, giao nhiệm vụ cho lực lượng làm nhiệm vụ vận chuyển vắc xin của Lữ đoàn 971

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, từ tháng 5/2020, công dân Việt Nam tại nước ngoài được Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện về nước. Lữ đoàn 971 được tin tưởng giao nhiệm vụ đón công dân tại sân bay Nội Bài đi cách ly bắt buộc. Cùng với đồng đội, Thượng úy Tuấn đã xung phong nhận nhiệm vụ tiềm ẩn nhiều nguy cơ phơi nhiễm COVID-19 này, bởi công dân từ nước ngoài trở về có người đã mang mầm bệnh mà bản thân họ không hề hay biết. Riêng Thượng úy Tuấn đã trực tiếp đưa đón 50 chuyến với 1.000 lượt người cách ly từ sân bay Nội Bài, Trường Quân sự Bộ tư lệnh Thủ đô về các điểm cách ly theo quy định.

Với Thượng úy Tuấn và cánh lái xe ở Lữ đoàn 971, quy trình khử khuẩn, xét nghiệm PCR trước và sau khi đi công tác (do Quân y Lữ đoàn thực hiện), tuân thủ nghiêm quy định 5K, hạn chế tối đa tiếp xúc với người ngoài và phải cách ly khi có tình huống xấu… đã trở thành thói quen được họ thực hiện một cách nghiêm ngặt, thường xuyên, bởi chỉ cần một sơ suất nhỏ sẽ khiến cả đơn vị “tê liệt” và mất khả năng sẵn sàng chiến đấu.

Lính vận tải và cuộc chiến không tiếng súng ảnh 2

Chỉ huy Cục Vận tải và Lữ đoàn 971 trực tiếp hướng dẫn lái xe các thao tác giữ an toàn cho các lô vắc xin

Khi đợt dịch thứ 4 bùng phát mạnh tại phía Nam, Bộ Quốc phòng giao cho Lữ đoàn 971 làm căn cứ để tổ chức 3 đợt lễ xuất quân cho hàng nghìn y, bác sĩ, học viên quân sự vào chi viện giúp đồng bào và chính quyền các địa phương. Đội hình xe vận tải quân sự của Lữ đoàn được lệnh cấp tốc triển khai. Những chuyến xe nối nhau như thoi dệt nhịp nhàng vận chuyển hàng nghìn quân nhân từ Sở chỉ huy Lữ đoàn tới sân bay Nội Bài. Khi đoàn quân ấy hoàn thành nhiệm vụ giúp dân trong gian nguy từ miền Nam trở về, họ lại được Thượng úy Tuấn và đồng đội tận tâm đưa về các bệnh viện, nhà trường Quân đội một cách an toàn.

Bảo vệ vắc xin an toàn

Vốn được định danh là những người lính “Yêu xe như con, quý xăng như máu”, bước vào cuộc chiến với COVID-19, cánh lái xe ở Lữ đoàn 971 đã nâng niu và cẩn trọng tối đa mỗi khi thực hiện nhiệm vụ vận chuyển những lô vắc xin quý giá cứu sinh mệnh đồng bào. Theo Thiếu tá Nguyễn Văn Quang, Đại đội trưởng Đại đội 33 (Tiểu đoàn 679), vắc xin ngừa COVID-19 được đơn vị xác định là loại hàng đặc biệt, dễ vỡ, phải bảo quản ở nhiệt độ âm cao nên khi vận chuyển đòi hỏi tốc độ không được quá nhanh nhưng cũng không được chậm nhằm tránh bị hư hỏng hoặc trễ thời gian đưa về kho bảo quản.

Lính vận tải và cuộc chiến không tiếng súng ảnh 3

Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 971 vận chuyển trang thiết bị y tế thành lập bệnh viện dã chiến

“Chiến sĩ lái xe phải điều khiển xe vận tải quân sự HD 170 và HD 260 dài gần 10m với trọng tải 8-12 tấn mà không được dừng đột ngột, không được xóc mạnh, tránh các thùng vắc xin bị rung lắc, va đập vào nhau sẽ ảnh hưởng đến chất lượng và có thể làm hỏng cả lô vắc xin. Ngoài ra, để đảm bảo yêu cầu an toàn về công tác phòng chống dịch, mỗi lái xe phải thực hiện nghiêm ngặt việc giữ khoảng cách an toàn, sát khuẩn trước và sau khi mở cửa xe, lên xe”, Thiếu tá Quang nói.

Chấp hành các quy định của địa phương nơi đóng quân và của đơn vị, từ thời điểm đợt dịch thứ 4 bùng phát đến tháng 9/2021 là gần 5 tháng Thượng úy QNCN Trịnh Xuân Đức, lái xe Đại đội 23 không về nhà. Hoàn cảnh gia đình khó khăn khi vợ không có việc làm ổn định, con còn nhỏ nhưng khi tình hình dịch tạm lắng xuống, được đơn vị tạo điều kiện cho về thăm vợ con nhưng anh vẫn xin ở lại để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ vận chuyển vắc xin.

“Đối với người lính vận tải chúng tôi, hoàn thành thật xuất sắc các nhiệm vụ được giao, đặc biệt là nhiệm vụ phòng chống dịch COVID-19 chính là hành động tri ân sâu sắc với những người trên tuyến đầu chống dịch”. Thượng úy VŨ NGỌC BA

Nhớ lại chuyến đi vận chuyển lô vắc xin đầu tiên, Thượng úy Đức kể: Chiều 25/7/2021, chỉ huy Đại đội 23 lệnh gấp cho đội hình gồm 4 xe HD170 (kiểu xe vận tải 1 cầu, dài 9,7m, rộng 2,5m, cao 3,5 mét và có trọng tải 8 tấn) thực hiện vận chuyển hơn 1,5 triệu liều vắc xin Moderna có trọng lượng hơn 14 tấn do Chính phủ Mỹ viện trợ cho Việt Nam thông qua cơ chế Covax từ Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài về Viện vệ sinh Dịch tễ T.Ư.

Chia sẻ về nhiệm vụ đặc biệt này, Thượng úy Đức cho biết, việc tập trung tâm trí, sức lực cho một chuyến vận chuyển vắc xin (dù trong thời gian rất ngắn) cũng gần như một chuyến chở hàng quân sự lên các tỉnh Điện Biên hay Sơn La. Đối với anh và đồng đội, mỗi liều vắc xin được xem như một viên đạn là vũ khí để chống lại kẻ địch nguy hiểm. Vì vậy, trong suốt quá trình vận chuyển, anh luôn tự nhủ với bản thân phải biết nâng niu và giữ gìn như những chuyến hàng chở vũ khí.

Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành

Thượng úy Vũ Ngọc Ba, Chính trị viên Đại đội 23 (Tiểu đoàn 679) cho biết, Tiểu đoàn 679 là tiểu đoàn vận tải ôtô có nhiệm vụ vận chuyển vũ khí đạn, binh khí kỹ thuật, xăng dầu, vật chất hậu cần kỹ thuật và vận chuyển quân cho các Quân khu, Quân đoàn, Quân chủng, Binh chủng từ Quảng Trị trở ra các tỉnh phía Bắc. Bên cạnh đó là chuyển hàng và quân vào miền Trung, miền Nam và ngược lại; sẵn sàng vận chuyển giúp nước bạn Lào và phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn; tổ chức quản lý và huấn luyện lực lượng dự bị động viên cho một số tỉnh, thành phố.

Nói về sự cống hiến, hy sinh thầm lặng của những người lính thuộc quyền trong đơn vị, Đại tá Nguyễn Mạnh Huân, Chính ủy Lữ đoàn 971 cho biết, dù bất kể đêm, ngày hay thời tiết bất lợi, họ đã âm thầm đưa những lô vắc xin trĩu nặng tình quân dân, nghĩa đồng bào vượt qua những cung đường khó khăn, trơn trượt do mưa bão đến nơi an toàn, không để xảy ra bất kỳ sai sót nào.

“Đơn vị tôi được giao quản lý, sử dụng gần 40 “ngựa thồ” gồm các loại xe vận tải hiện đại có trọng tải từ 8 đến 12 tấn phục vụ cho các nhiệm vụ quân sự. Từ khi có dịch COVID-19, Tiểu đoàn 679 và Đại đội 23 được tin tưởng giao thực hiện các nhiệm vụ quan trọng như vận chuyển trang thiết bị y tế phục vụ thành lập Bệnh viện dã chiến cấp 1, cấp 2 tại Bắc Giang, Bắc Ninh, vận chuyển vắc xin và tham gia bốc xếp hàng hóa, vật tư chống dịch hỗ trợ các địa phương tại các ga”, Thượng úy Ba chia sẻ.

Theo Thượng úy Ba, khi COVID-19 hoành hành tại Việt Nam, anh em Đại đội 23 đã quen với việc thường xuyên lên đường thực hiện những nhiệm vụ mà trước đây đơn vị luôn xác định là nhiệm vụ đột xuất.

“Anh em thường xuyên ăn tối vào lúc… nửa đêm, sau những chuyến đón công dân về nước hay chở vắc xin. Có khi vừa về tới đơn vị, chưa kịp cởi bỏ trang bị bảo hộ lại lao đi thực hiện nhiệm vụ mới”, Thượng úy Ba kể.

MỚI - NÓNG